Đây là lần nâng cấp thứ 4 của bom GBU-57 do Boeing chế tạo.
Theo đại diện không quân Mỹ, Đại úy Emily Grabowski, việc nâng cấp này khiến nó cải thiện được khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố và nằm sâu dưới lòng đất. Toàn bộ số bom GBU-57 trong kho vũ khí của Mỹ đang được đưa lên tiêu chuẩn mới.
Vào hồi tháng 5-2017, không quân Mỹ đã thả 3 quả bom GBU-57 xuống bãi thử nghiệm White Sand ở New Mexico nhằm kiểm tra mức độ hiệu quả của phiên bản nâng cấp.
GBU-57 còn có tên đầy đủ là Massive Ordnance Penetrator với chiều dài khoảng 6m, khối lượng là 13,6 tấn.
Khối lượng đầu đạn của bom là 2,5 tấn, bom được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh và đầu dẫn laser.
Phiên bản đầu tiên của loại bom này, xuất hiện từ năm 2007, đã có khả năng xuyên sâu xuống lòng đất 61m trước khi phát nổ.
Nó chỉ có thể triển khai duy nhất bởi máy bay ném bom B-2.
GBU-57 thậm chí còn lớn hơn loại bom phi hạt nhân GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast mà Mỹ từng ném xuống căn cứ hầm ngầm của IS ở Afghanistan vào tháng 4-2017.
Khác với GBU-57, GBU-43/B được thả rơi từ máy bay MC-130. Nó sẽ tạo ra một vụ nổ với sự chấn động lớn nhằm tiêu diệt các mục tiêu nằm trên mặt đất thay vì nằm sâu dưới mặt đất.
GBU-57 được cho là loại bom thích hợp để Mỹ sử dụng nếu muốn tấn công các cơ sở hạt nhân hoặc tên lửa của Triểu Tiên nằm sâu dưới lòng đất.
3 máy bay ném bom B-2 đã được triển khai đến đảo Guam vào đầu tháng 1 nhưng không quân Mỹ từ chối tiết lộ nó đã được trang bị GBU-57 hay chưa.