Sức mạnh hải quân Nga - Mỹ: Ai đang ảo tưởng?

Đông Triều |

Chuyên gia Nga khuyên không nên chạy theo Hải quân Mỹ. Việc so sánh Hải quân Nga với Hải quân Mỹ là điều không cần thiết.

Lời cay đắng

Tờ Vzglyad.ru của Nga mới đây dẫn ý kiến chuyên gia Pavel Vishnyakov thừa nhận thực lực Hải quân Nga không thể sánh ngang với Mỹ. Những câu chuyện xung quanh cụm tàu sân bay Kuznetsov ở Địa Trung Hải không hề có ý nghĩa thực tế nào.

Vụ tai nạn máy bay chiến đấu lần thứ hai liên quan tới Kuznetsov tiếp tục trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi mà Vzglyad.ru cho là chủ nghĩa yêu nước mù quáng.

Tờ báo cho rằng nên ngừng những vụ “ồn ào” về những con tàu mới của hải quân Nga, nào là “hố đen đại dương” hay “sát thủ tàu sân bay”…

Vzglyad.ru cho rằng thực tế thì việc biên chế cũng như đặc điểm thiết kế của những tàu hải quân mới của Nga không bao giờ có thể lặp lại những gì đã diễn ra thời Liên Xô cũ những năm 1980 chứ chưa nói đến việc so sánh với tiềm lực Hải quân Mỹ.

Những con tàu mặt nước và tàu ngầm được đưa vào trang bị trong vòng 4-5 năm trở lại đây cùng những tàu đã có trước đó của Nga chỉ có thể giải quyết các nhiệm vụ cấp chiến thuật, chiến thuật-chiến dịch ở các khu vực hạn chế, yểm trợ lực lượng lục quân (ví dụ như ở Syria) trên các hướng ven biển, bảo đảm hoạt động kinh tế cho các khu vực quan trọng của Liên bang Nga mà thôi.

Như vậy, hiện Nga chỉ cần thành tố chính của hải quân là những tàu ngầm mang tên lửa chiến lược cũng đủ giải quyết toàn bộ nhiệm vụ trên.

Theo Vishnyakov, ngoài ra, điều cần thiết hiện nay để đảm bảo sự bình yên cho nước Nga chính là khả năng tăng gấp đôi GDP sau mỗi chu kỳ 10 năm.

Việc chạy theo Hải quân Mỹ là không cần thiết và theo đó cũng không cần so sánh Hải quân Nga với Hải quân Mỹ. Cũng không cần phải làm ra vẻ cụm tàu sân bay của Nga ở Địa Trung Hải đã làm thay đổi cán cân…Cán cân này còn lâu mới có thể thay đổi và việc “san bằng” khoảng cách là điều xa vời.

Người Mỹ tự tin

Theo đánh giá của tờ The National Interest của Mỹ, nước này hiện có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Còn hải quân Nga chỉ xếp ở vị trí thứ ba sau Trung Quốc.

Ở thời điểm này, Hải quân Mỹ sở hữu hầu hết các tàu mà bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới có. Nó cũng có những nhiệm vụ đa dạng nhất và diện tích phải chịu trách nhiệm lớn nhất.

Không có lực lượng hải quân nào khác có tầm với toàn cầu như Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Địa Trung Hải, Vịnh Persian và vùng Sừng châu Phi.

Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu đến Nhật Bản, châu Âu và Vịnh Persian. Cách đây 2 năm, số liệu thống kê công khai cho thấy Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến, trong đó một phần ba đang hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào.

Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 tàu hộ tống và 72 tàu ngầm. Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, khiến nó trở thành lực lượng không quân lớn thứ hai trên thế giới.

Với 323.000 nhân viên làm việc và 109.000 biên chế chính thức, đây là lực lượng hải quân lớn nhất về nhân lực.

Điều làm cho Hải quân Mỹ nổi bật nhất chính là 10 tàu sân bay, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Không chỉ nhiều hơn về số lượng mà nó còn lớn hơn rất nhiều: một tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang tới 72 máy bay, nhiều gấp 2 lần so với các tàu sân bay lớn nhất không phải của Mỹ.

Không giống như các tàu sân bay của các nước khác thường chủ yếu tập trung vào máy bay chiến đấu, một tàu sân bay điển hình của Mỹ tổng hợp các năng lực trong đó có ưu thế trên không vượt trội, khả năng tấn công, trinh sát, chiến đấu chống tàu ngầm cũng như thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.

Các tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ hợp thành một hạm đội "cá sấu" lớn nhất trên thế giới, có khả năng vận chuyển và tiếp cận các bãi biển của kẻ thù.

Chín tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa và Wasp có thể mang theo các máy bay trực thăng cho tới vận chuyển binh sỹ hoặc hoạt động như các tàu sân bay thu nhỏ, được trang bị máy bay tấn công AV-8B Harrier và sẽ sớm được trang bị máy bay ném bom F-35B.

Hải quân Mỹ có 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân với sự kết hợp của một số tàu ngầm lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia.

Hải quân Mỹ cũng có trách nhiệm ngăn chặn hạt nhân chiến lược của Mỹ trên biển, với 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio được trang bị với tổng số 336 tên lửa hạt nhân Trident.

Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio không có tên lửa hạt nhân và điều chỉnh để mang theo 154 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk. Hải quân Mỹ thực hiện vai trò bổ sung trong việc phòng thủ tên lửa đạn đạo, các hoạt động không gian và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.

Tính đến tháng 10/2013, 29 tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, trong đó một số đã được triển khai đến châu Âu và Nhật Bản. Lực lượng này cũng theo dõi không gian nhằm hỗ trợ cho các lực lượng quân đội Mỹ, theo dõi vệ tinh của các đối thủ tiềm tàng.

Các tàu sân bay và tàu đổ bộ hiện có của Hải quân Mỹ cùng với các tàu bệnh viện chuyên dụng USNS Mercy và USNS Comfort, hình thành một khả năng cứu trợ thảm họa đã được triển khai trong những năm gần đây tới Indonesia, Haiti, Nhật Bản và Philippines.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại