Sức ép khiến châu Âu khó giữ đà viện trợ cho Ukraine

Kiều Anh |

Lạm phát và giá năng lượng tăng cao khiến châu Âu khó giữ đà viện trợ cho Ukraine, trong khi kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ cũng có thể phá vỡ sự ủng hộ kiên định của phương Tây đối với Kiev.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Moscow.

Dù vậy, sau hơn 250 ngày kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, khi mùa đông bắt đầu và lạm phát gia tăng, quyết tâm của phương Tây đang đứng trước thử thách khi dư luận nội bộ lo ngại về tác động của một cuộc chiến kéo dài.

Đồng thời, các nhà phân tích cảnh báo chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể phá vỡ sự ủng hộ kiên định của phương Tây đối với Kiev.

Sức ép khiến châu Âu khó giữ đà viện trợ cho Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống rocket di động được sử dụng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: DPA

Sức ép từ lạm phát và giá năng lượng

Nga bị cáo buộc "vũ khí hóa" các nguồn năng lượng của nước này, lĩnh vực mà châu Âu vốn phụ thuộc rất nhiều vào Moscow.

Khi cố gắng loại bỏ khí đốt của Nga, các quốc gia châu Âu đã gấp rút tìm kiếm các giải pháp thay thế cùng với việc thực hiện các chiến lược tiết kiệm năng lượng.

Đức hoãn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ Séc thay bóng đèn cũ trong các văn phòng sang bóng đèn LED tiêu thụ ít điện năng hơn. Người dân Italy đã phải hạ máy sưởi xuống 19 độ C và được khuyên nên nấu mì ở nhiệt độ thấp.

Các nước châu Âu đã đạt và vượt mục tiêu lấp đầy ít nhất 80% các kho dự trữ khí đốt tự nhiên trong tháng 11. Tuy nhiên, những tháng lạnh giá sắp tới có thể gián tiếp gây ra tình trạng bất ổn và thách thức sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine.

Hồi tháng 9, Nga đã dọa sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu. Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Vladivostok khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi, trong trường hợp này là lợi ích kinh tế. Không khí đốt, không than đá, không dầu mỏ, không gì cả".

Ông Rafael Loss, chuyên gia an ninh EU tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nói với Al Jazeera rằng, mặc dù đã vượt mục tiêu dự trữ, nhưng châu Âu vẫn cần dòng khí đốt tự nhiên ổn định, kể cả các phân đoạn trung chuyển qua Ukraine.

"Nếu các tuyến cung cấp (qua Ukraine) bị gián đoạn, chẳng hạn như do phá hoại, các nước châu Âu sẽ buộc phải phân chia tỷ lệ sử dụng và điều này sẽ đem lại hậu quả đáng kể đối với các hộ gia đình và các ngành công nghiệp", ông Loss nhận định.

Mùa đông năm 2023 dự kiến sẽ còn khó khăn hơn vì nguồn cung mới từ Bắc Mỹ, Vùng Vịnh và Na Uy không thể bù đắp hoàn toàn nguồn nhập khẩu từ Nga, chưa kể việc thực hiện còn chậm trễ và mất nhiều thời gian.

Kể từ giữa tháng 10, Nga đã thay đổi chiến thuật, theo đó tấn công tên lửa và UAV nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến 30% số cơ sở này bị hư hại.

Theo ông Loss, chiến lược này là nhằm thúc đẩy làn sóng tị nạn Ukraine tràn sang các nước láng giềng để thoát khỏi một mùa đông "khắc nghiệt nhất trong lịch sử", gián tiếp gây bất ổn xã hội ở châu Âu thông qua cuộc chiến năng lượng. Khi đó, những yếu tố này có thể khiến sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine giảm dần.

Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi từng cảnh báo về điều này. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, ông nói: "Chi phí năng lượng ngày càng tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế, hạn chế sức mua của các gia đình, gây thiệt hại cho năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp và có thể làm giảm cam kết của chúng ta đối với Ukraine".

Những rạn nứt trong lòng châu Âu

Các chính phủ châu Âu cam kết viện trợ nhiều hơn về quân sự và tài chính cho Ukraine trong khi khoản tiết kiệm của người dân ngày càng hao hụt do chi phí cuộc sống ngày càng gia tăng. Điều này khiến sự giận dữ trong xã hội ngày càng lớn.

Ngày 31/10, lạm phát ở châu Âu đạt kỷ lục mới, lên mức 10,7%, trong khi tỷ lệ này cùng kỳ năm 2021 là 4,1%.

Trong hai tuần qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra từ Pháp đến Romania, người lao động yêu cầu mức lương tốt hơn để bắt kịp với chi phí tăng.

Ở Đức, những người biểu tình kêu gọi chính phủ đảo ngược chính sách tài khóa vì chi phí nhiên liệu và thực phẩm trở tăng cao tới mức nhiều người không thể chi trả.

Điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa đến.

Bà Capucine May, một nhà phân tích châu Âu tại Verisk Maplecroft cho hay: "Chúng tôi dự báo tình trạng bất ổn sẽ tăng lên khi lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao".

Báo cáo được công bố hồi tháng 9 của Verisk Maplecroft cho rằng tình trạng bất ổn dân sự đang gia tăng ở 101 quốc gia, do chi phí sinh hoạt tăng.

Ông Niklas Balbon, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPi), cho rằng việc tăng viện trợ cho Ukraine là rất mong manh.

"Trừ khi các chính phủ châu Âu giải quyết hiệu quả tình trạng lạm phát do xung đột gây ra và khó khăn về kinh tế xã hội, nếu không sự phản đối của công chúng đối với việc hỗ trợ thêm cho Ukraine có thể sẽ gia tăng", ông Balbon cho biết.

Ở EU, những rạn nứt trong xã hội đang xuất hiện ngày càng rõ.

Một báo cáo tháng 10 của IFOP, một công ty thăm dò quốc tế, cho thấy sự ủng hộ của công chúng Pháp đối với các lệnh trừng phạt chống Nga đã giảm xuống 67% trong tháng 10 từ 71% trong tháng 3, trong khi ở Đức, con số này giảm xuống 66% từ mức 80%.

Tại Italy, một cuộc khảo sát gần đây do IPSOS thực hiện cho thấy, sự ủng hộ dành cho Ukraine đã giảm xuống 43% từ mức 57%.

Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

"Có thể viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ giảm, nhưng cho dù vậy, quốc gia thực sự tạo ra sự khác biệt là Mỹ chứ không phải châu Âu", bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IAI) có trụ sở tại Rome, nhận định.

Cho đến nay, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự 27,6 tỷ euro (27 tỷ USD) cho Ukraine. Trong khi đó, cam kết của Anh, Đức và Ba Lan - 3 nhà tài trợ quân sự lớn nhất sau Mỹ - cộng lại chỉ ở mức đạt 6,76 tỷ euro, bằng 1/4 so với Washington.

Bà Tocci cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào ngày 8/11 tới cũng sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp cận của EU đối với Ukraine.

Mặc dù cuộc đua ở Thượng viện khá sít sao, nhưng Đảng Cộng hòa có ưu thế giành chiến thắng tại Hạ viện. Nếu kịch bản như vậy thành hiện thực, đảng Cộng hòa sẽ có đủ quyền lực để khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden khó thông qua viện trợ quân sự hoặc tài chính bổ sung cho Ukraine.

"Họ sẽ không đặt nặng vấn đề với Ukraine, mà là khiến mọi thứ không thể thực hiện được đối với chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm cả việc trì hoãn viện trợ cho Ukraine", bà Tocci nói, lưu ý rằng các thành viên đảng Cộng hòa dự kiến giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện bao gồm những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump. Mục tiêu của những người này là cản trở chương trình nghị sự của ông Biden trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Một báo cáo của Eurasia Group vào tháng 10 cho thấy cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đối với Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả các cử tri đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Kevin McCarthy, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa dự kiến đảm nhận chức Chủ tịch Hạ viện nếu đảng này giành đa số, đã ám chỉ rằng có thể sẽ có sự thay đổi chính sách.

"Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và họ sẽ không viết séc trắng (tấm séc để trống số tiền, người nhận tự ghi) cho Ukraine", ông McCarthy nói.

Theo bà Tocci, nếu sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev giảm đi, cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga có thể bị đình trệ trong vòng vài tháng.

Vũ khí và viện trợ tài chính của Mỹ là yếu tố rất quan trọng cho cuộc phản công của Ukraine, điều này đã cho phép Kiev giành lại các vùng lãnh thổ rộng lớn.

Trong trường hợp bế tắc, "chính sách thực dụng của người châu Âu sẽ chiếm ưu thế với việc họ thích ổn định mọi thứ như hiện tại, bởi vì họ sẽ không có khả năng tạo ra sự khác biệt", bà Tocci nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại