Chúng ta biết đến sữa bò và sữa dê. Một số vùng còn có sữa cừu, sữa lạc đà, sữa ngựa... Thậm chí, đã từng có người đưa... sữa chó ra để tiêu thụ, nhưng không thành công.
Bạn cũng biết rồi đấy, giờ đây chúng ta còn có cả sữa gián nữa. Không những thơm ngon hơn sữa bò, sữa gián còn có một lượng dinh dưỡng khổng lồ, và chúng nhiều khả năng sẽ là một loại siêu thực phẩm trong tương lai - thời điểm con người thiếu lương thực trầm trọng.
Nhưng sữa gián thì chắc hẳn không thể vắt như sữa bò rồi (dù muốn thì cũng không thể, vì gián không có tuyến vú).
Vậy làm thế nào người ta thu thập được chúng?
Về cơ bản, không phải gián nào cũng có sữa, và may mắn là lũ gián "Tiểu Cường" bạn đang nghĩ đến cũng vậy. Loài gián các nhà khoa học sẽ sử dụng để tách sữa là gián cánh cứng Thái Bình Dương (Diploprera punctata).
Đến thời điểm nhất định, gián cái (Diploprera punctata) sẽ sản sinh ra sữa để nuôi con
Loài gián này khác với gián thường, là chúng đẻ con chứ không đẻ trứng. Khi phôi phát triển, cơ thể gián mẹ bắt đầu sản sinh ra các dịch lỏng tinh thể có màu vàng nhạt, được gọi là sữa gián. Và loại "sữa" này đã được chứng minh là có lượng dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với sữa bò.
Ở thời điểm hiện tại, việc lấy sữa gián vẫn là rất khó khăn, chỉ có thể thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm và đòi hỏi khá nhiều nhân lực.
Bí quyết ở đây là thu sữa ở đúng thời điểm. Khi sống đến khoảng ngày thứ 40, gián cái bắt đầu tạo ra sữa cho con. Nhưng gián mẹ sẽ không có cơ hội ấy - chúng sẽ bị giết ngay, rồi bị nghiền ra, kèm một số kỹ thuật để chiết tách, cô đọng các tinh thể sữa.
Bạn có mong tương lai ấy xảy ra không? Nếu không thì đừng lo lắng quá, vì lúc này một người phải mất nửa ngày để tách thành công sữa từ 2, hoặc 3 con gián.
Và việc có thể sản xuất hàng loạt sữa gián lúc này vẫn là điều không thể.
Tham khảo: Inverse