Khi cơ quan tình báo Hàn Quốc tháng trước tiết lộ thông tin Triều Tiên đang sửa chữa bãi thử tên lửa tầm xa, có nhiều ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng bắt đầu công việc để sẵn sàng tiến hành phá hủy bãi thử này khi có được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Tuy nhiên, cũng kể từ đó, giới phân tích đã đưa ra cảnh báo Triều Tiên có thể xúc tiến một vụ phóng thử từ bãi phóng vệ tinh Sohae – vốn còn được biết tới với tên gọi bãi thử Dongchang-ri, xuất phát từ lý do cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận, làm Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tức giận.
Hiện tại, khả năng xảy ra một vụ thử dường như không cao, bởi Triều tiên không có thêm bất kỳ động thái nào sau khi hoàn thành việc sửa chữa, nhưng điều đó không làm vơi đi lo ngại tên lửa sẽ được phóng đi từ bãi thử này khi ông Kim quyết định làm như vậy.
Triều Tiên theo đuổi cách làm truyền thống?
Các chuyên gia nhận định, hành động như vậy có khả năng xảy ra nếu Bình Nhưỡng muốn gia tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hiện đang đình trệ và ép buộc một thỏa thuận "được ăn cả ngã về không" với Washington sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không mang lại kết quả như mong muốn.
Ngày 2/4, tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên của Hàn Quốc cho rằng: "Triều Tiên trên thực tế đã hoàn thành công tác sửa chữa bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri. Bãi thử này dường như đã sẵn sàng cho các tên lửa rời bệ phóng, ngay khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra quyết định".
Tờ báo này trước đó cũng đã đưa thông tin về việc Mỹ triển khai máy bay trinh sát Cobra Ball chuyên theo dõi các tên lửa đạo đạo đến khu vực Okinawa, Nhật Bản. Động thái này là một dấu hiệu khác cho thấy khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa.
Có mặt tại thủ đô Washington, Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, vẫn chưa rõ liệu hoạt động của Triều Tiên ở khu vực bãi thử tên lửa nói trên có phải nhằm mục đích làm đòn bẩy đàm phán hay chỉ là một vụ phóng thử nghiệm đơn thuần.
“Tôi nghĩ rằng đây là phần mà chúng ta cần phải đưa ra quyết định sau khi kiểm tra thông tin bổ sung”, ông Jeong nói với các phóng viên Hàn Quốc tại Washington sau khi hội đàm với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
Bãi thử tên lửa Dongchang-ri được đánh giá là cơ sở chính của chương trình phát triển tên lửa tầm xa Triều Tiên. Vào tháng 2/2016, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tên lửa tầm xa từ bãi thử này và tuyên bố đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo.
Bình Nhưỡng tuyên bố có quyền phóng tên lửa, đưa vệ tinh lên quỹ đạo như một phần của chương trình không gian hòa bình nhưng Seoul và Washington lại xem động thái này như một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo trá hình.
Một số chuyên gia lo ngại rằng Triều Tiên có thể lựa chọn phương án phóng tên lửa để thay đổi thế bí hiện nay trên bàn cờ đàm phán, buộc Mỹ phải đưa ra lựa chọn khác, thay vì khăng khăng giữ quan điểm không nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Ông Joel Wit, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu Triều Tiên và đồng thời là nhà sáng lập trang 38 North - một trang web giám sát và phân tích Triều Tiên nhận định: "Ông Kim Jong-un có thể áp dụng cách thức truyền thống ông từng làm khi Tổng thống Trump khiến ông cảm thấy bối rối ở Hà Nội. Ông Kim có thể tiếp cận vấn đề như những gì ông ấy làm sau vụ thử hồi tháng 4/2012 và nói: 'Hãy đi đến một thỏa thuận'. Chính quyền Tổng thống Obama khi đó đã từ chối ông ấy [Kim Jong Un-ND] và quyết định áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung. Liệu Tổng thống Trump có đón nhận lời đề nghị này hay không thì còn là câu hỏi chưa có lời đáp".
Nhận định của chuyên gia Joel Wit đề cập đến Thỏa thuận Ngày nhuận (Leap Day Deal) kêu gọi Triều Tiên đình chỉ việc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa vài tuần sau đó, vào ngày 15/4 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).
Triều Tiên vẫn có truyền thống phóng thử tên lửa nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Trong tháng 4 này, sẽ có nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức ở Triều Tiên, chẳng hạn như kỷ niệm sinh nhật của nhà lập quốc Kim Nhật Thành (15/4), phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) khóa 14 ngày 11/4.
Hàn Quốc cảnh báo không suy diễn về Triều Tiên
Triều Tiên đã kiềm chế không thực hiện bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa nào kể từ cuối năm 2017. Tuy vậy, tình hình đã thay đổi sau khi Triều Tiên và Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung tại Hà Nội tháng 2 vừa qua.
Hôm 11/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cảnh báo nước này có thể chấm dứt các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, nói rằng sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu theo kiểu đơn phương, ép buộc và phi lý từ phía Washington. Triều Tiên cũng để ngỏ khả năng kích hoạt lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Bất chấp những lo ngại gia tăng, chính quyền Seoul cho rằng không nên suy diễn quá nhiều về những tín hiệu gần đây của Bình Nhưỡng, bác bỏ những lo ngại về khả năng Triều Tiên sắp tiến hành thử tên lửa.
“Mô tả các động thái gần đây của Bình Nhưỡng là hoạt động liên quan đến một vụ thử tên lửa là nhận định vội vàng. Mặc dù Dongchang-ri là một bãi phóng tên lửa nhưng chúng tôi không đánh giá những gì diễn ra ở đây thời gian qua là hoạt động chuẩn bị cho một vụ phóng”, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói.
Bất chấp những trấn an từ phía Hàn Quốc, Mỹ dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Triều Tiên nối lại các vụ phóng tên lửa như nước cờ chiến thuật điển hình của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
“Trong khi Tổng thống Trump và các nhà ngoại giao của chúng tôi đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ tiếp tục gây ra mối đe dọa cho nước Mỹ cùng như các đồng minh của chúng tôi”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan viết trong một văn bản gửi tới Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 14/3.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford cùng ngày cho rằng Washington cần phải “sẵn sàng cho mọi tình huống” dù vẫn hy vọng vào một tương lai phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh bế tắc hiện nay, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in và ngày 11/4 sắp tới ở Washington được cho là vô cùng quan trọng để tìm ra hướng tháo gỡ bế tắc hiện nay, phối hợp giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên./.