Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho biết, không quân Israel hôm 23/2 đã sử dụng chiến đấu cơ tàng hình F-35I Adir đồng loạt tấn công vào nhiều mục tiêu quân sự của Iran tại Damascus.
Tuy nhiên cuộc không kích đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng phòng không Syria, đặc biệt là hoả lực từ trận địa tên lửa tầm xa S-300 triển khai gần đó.
Theo thông báo, gần như toàn bộ tên lửa tấn công đều bị S-300 đánh chặn ở khoảng cách an toàn, trong khi đó những quả còn lại rơi xuống khu vực không có dân cư hoặc bị những hệ thống phòng không khác bắn rơi.
Đây là thông tin gây chấn động khu vực, bởi ngoài việc lần đầu tiên tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 của Syria tham chiến thì nó còn phát hiện được tiêm kích tàng hình F-35I Adir.
Theo báo cáo, cuộc tấn công của Israel bắt đầu lúc 23h25' ngày 23/2, một phi đội F-35I đã âm thầm xâm nhập không phận Syria và tấn công từ xa vào nhiều mục tiêu quân sự Iran ở xung quanh thủ đô Damascus.
Mặc dù vậy, giới phân tích tình hình khu vực cũng tỏ ra nghi ngờ bởi đây không phải lần đầu tiên mà truyền thông Syria tung tin hệ thống S-300 của họ đã tham chiến.
Đã vài lần báo chí Syria tung tin S-300 đã phóng đạn đánh chặn và hạ được tên lửa cùng máy bay không người lái của Israel, nhưng sau đó đều bị xác định là sai sự thật.
Trong sự việc vừa rồi cũng vậy, mặc dù tuyên bố S-300 đã lập đại công nhưng phòng không Syria lại không hề công bố một hình ảnh nào về pha đánh chặn của S-300, cũng như khi đạn tên lửa rời ống phóng.
Bên cạnh đó chi tiết được xem là rất phi lý cũng đã được các chuyên gia quân sự chỉ ra liên quan đến vũ khí mà tiêm kích tàng hình F-35I Adir đã sử dụng.
Như đã biết, hiện tại trong nhiệm vụ tấn công mặt đất, tiêm kích F-35I Adir của Israel chỉ có một vũ khí duy nhất vừa khoang trong thân chính là bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB.
Hiện tại chưa có một loại tên lửa không đối đất nào có kích thước đủ để nhét vừa khoang vũ khí trong thân, Mỹ và Israel đang nghiên cứu chế tạo nhưng chưa thực sự thành công.
Nếu tiêm kích tàng hình F-35I Adir mang theo tên lửa không đối đất thì nó sẽ buộc phải treo ở giá phóng bên ngoài theo đúng cấu hình "quái thú".
Nhưng nếu như vậy thì tính năng tàng hình của F-35I Adir sẽ không còn, thực tế cấu hình trên chỉ được khuyến cáo sử dụng chống lại các nhóm phiến quân không có hệ thống phòng không đủ mạnh mà thôi.
Đối đầu với lực lượng phòng không Syria có tiềm lực khá hùng hậu thì thật là vô lý khi tiêm kích tàng hình F-35I Adir lại mang vũ khí bên ngoài và thực hiện pha tấn công hớ hênh như vậy.
Chưa kể không quân Israel còn có rất nhiều tiêm kích F-15I Ra'am và F-16I Sufa để thực hiện cách thức tấn công này, không cần thiết phải huy động F-35I Adir.
Những phân tích trên cùng với việc phòng không Syria chẳng có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào khiến cho "chiến công" của họ bị nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.