Mới đây, tờ Asia Times đăng tải bài viết nhan đề: "Gas war with Russia drives Turkey in the Caucasus" (Cuộc chiến khí đốt với Nga đang dẫn lối cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Kavkaz) của nhà phân tích Laura-Mai Gaveriaux.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là về một trong nhiều nguyên nhân khiến xung đột ở Nagorno-Karabakh bùng phát dữ dội như hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giải pháp quân sự trong xung đột?
Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột nhằm kiểm soát Nagorno-Karabakh, một khu vực chiến lược nhìn ra hai đường ống do Ankara hậu thuẫn, đang được "dẫn lối" bởi một cuộc cạnh tranh khí đốt với Nga.
Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng bình luận với Asia Times rằng: "Nga không phải là đồng minh, cũng không phải kẻ địch, nhưng chúng tôi không thể đàm phán với họ nếu quá phụ thuộc vào họ, đặc biệt là về vấn đề năng lượng.
Giống như bất kỳ quốc gia nào khác, chúng tôi có những lợi ích quan trọng cần bảo vệ.
Ở Nam Caucasus (Kavkaz), đứng đầu trong danh sách ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là các đường ống năng lượng, một trong số đó sẽ bắt đầu đưa khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan đến Châu Âu trong vòng vài tuần tới.
Một bản đồ miêu tả các tuyến đường ống năng lượng từ Baku Azerbaijan tới Erzurum, Thổ Nhĩ Kỳ đi qua các khu vực Nagorno-Karabakh và Tovuz.
Các cơ sở hạ tầng quan trọng nói trên nằm dưới "cái bóng" của Nagorno-Karabakh và một khu vực khác nằm ở tỉnh Tavush, ở đông bắc của Cộng hòa Armenia.
Vào tháng 7/2020, đụng độ đã nổ ra tại Movses ở tỉnh Tavush của Armenia và Agdam ở quận Tovuz của Azerbaijan.
Theo cáo buộc của phía Armenia, biệt kích Azerbaijan đã cố gắng thâm nhập vào một ngọn đồi chiến lược ở Tavush.
Vụ việc dường như là dấu hiệu cho thấy sẽ nổ ra cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hiện tại, nhưng rõ ràng khác biệt lớn ở xung đột lần này là nó được Thổ Nhĩ Kỳ công khai hậu thuẫn.
Vị cố vấn Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh với Asia Times: "Chúng tôi phải để mắt đến những gì đang diễn ra xung quanh các đường ống của chúng tôi ở Caucasus, đặc biệt là ở khu vực Tavush, nơi đã xảy ra một số vụ đụng độ trong những năm qua".
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong lễ khai trương đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) ở Cảng Ceyhan gần thành phố biển Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP/Mustafa Ozer).
Các đường ống đang "nguy ngập"?
Theo quan điểm của Ankara, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh như một "lời cảnh tỉnh" đối với châu Âu về lợi ích tài chính và an ninh ở Nam Caucasus phải được chia sẻ.
Vào ngày 6/10, thông qua Twitter, trợ lý tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev cáo buộc đạn pháo của phía Armenia đã rơi cách đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) chỉ 10 mét: "Đây là những nỗ lực tuyệt vọng của phía Armenia nhằm tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng".
Được kỳ vọng sẽ liên kết trực tiếp nguồn tài nguyên từ Biển Caspi tới khu vực Địa Trung Hải, đường ống BTC có khả năng truyền tải lên tới một triệu thùng dầu mỗi ngày.
Phần lớn cổ phần (30,1%) của BTC thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng BP của Anh, trong khi các công ty dầu khí nhà nước Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu chỉ hơn 31,5%. Phần còn lại do một số công ty châu Âu nắm giữ.
Song song với BTC là Đường ống Nam Caucasus (SCP) do BP điều hành, có khả năng cung cấp 25 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ mỏ Shah Deniz ở Biển Caspi của Azerbaijan tới các khách hàng ở Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và sắp tới là Hy Lạp.
Việc hoàn thành Đường ống xuyên Adriatic, một liên kết còn thiếu giữa SCP, Đường ống xuyên khu vực Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu đã được công bố vào ngày 12/10.
"Điều này sẽ cho phép Tập đoàn Shah Deniz hoàn thành các bước cần thiết cuối cùng để bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan trong 25 năm tới cho các khách hàng ở Italia, Hy Lạp và Bulgaria theo kế hoạch vào cuối năm 2020", BP cho biết.
Hình minh họa.
Ngày 12/10, hãng tin Anadolu dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đứng đầu Hội đồng châu Âu rằng:
"Armenia đang gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của Châu Âu bằng cách tấn công thành phố Ganja của Azerbaijan và khu vực Tovuz, nơi có các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.
Ankara hợp tác với Moscow về trong 2 dự án Turkstream 1 và 2 để vận chuyển khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu.
Tuy nhiên Ankara chỉ được hưởng "Marginal Profit" (lợi nhuận biên) và đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Điều đó đã tạo tiền đề cho Azerbaijan, một nhà xuất khẩu dầu khí khác và cũng là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh với Nga để giành thị trường Châu Âu.
Vào ngày 14 /10, trả lời phỏng vấn của tờ Haberturk, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đưa ra cáo buộc tương tự những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra trước đó 2 ngày: "Armenia đang cố gắng tấn công và giành quyền kiểm soát các đường ống của chúng tôi".
Vào ngày 19/10, truyền thông Azerbaijan đưa tin rằng chủ tịch khu vực BP Gary Jones đã viết một bức thư tới thủ tướng Azerbaijan để bày tỏ sự ủng hộ của BP đối với Baku trong bối cảnh chiến sự đang tiếp diễn.
"Các nhân viên của BP đã nỗ lực hết sức mình để đảm bảo quy trình sản xuất và vận chuyển dầu khí trong giai đoạn này được suôn sẻ vì điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Azerbaijan".
Tuyến đường dẫn khí đốt Turkstream 1 và Blue Stream ở Biển Đen.
Phản ứng của Châu Âu khiến Thổ "bối rối"?
Enes Bayrakli, người đứng đầu nhóm phân tích chính sách Châu Âu tại SETA, tổ chức tư vấn lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng Ankara đang rất bối rối về việc các nước châu Âu không đứng về phía họ tại Caucasus, đặc biệt là Pháp.
"Chúng tôi không thể hiểu được hành động tích cực của Pháp đối với vấn đề Armenia, vì nó thậm chí không được thúc đẩy bởi bất kỳ lợi ích chiến lược nào.
Armenia không nằm trong vùng ảnh hưởng của châu Âu, đó là một khu vực hậu Liên Xô. Giúp Armenia là giúp (Tổng thống Nga) Putin".
Kể từ khi cuộc chiến mới bắt đầu ở Karabakh, Cũng như các học giả, nhà phân tích và cố vấn thân cận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bayrakli đã không bỏ lỡ cơ hội nêu bật các vấn đề địa kinh tế và sự cạnh tranh Nga - Thổ.
"Nga đã can thiệp vào Ukraine, cố gắng gây ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử, tiến hành các cuộc tấn công mạng, nhưng Liên minh châu Âu luôn hành động như thể Thổ Nhĩ Kỳ mới là kẻ thù".
Nhà phân tích nhấn mạnh "EU cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn Thổ Nhĩ Kỳ cần EU" đồng thời lưu ý tới việc hợp tác trong các vấn đề người di cư và chống khủng bố.
Soli Ozel, một giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Viện nghiên cứu tự do Montaigne của Pháp bình luận với Asia Times:
"Cuộc chiến Nagorno-Kabarakh phải là một phần của một cuộc thảo luận lớn tương tự như các cuộc khủng hoảng Đông Địa Trung Hải, chiến sự Libya, chiến sự Syria và thậm chí cả việc gia nhập EU.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không có vấn đề nào được giải quyết trừ phi tất cả mọi thứ được giải quyết".
Hình minh họa.