Không có chút ánh sáng nào trong căn hộ banjiha của Oh Kee-cheol. Ở đây tối đến nỗi ngay cả chậu cây xương rồng của anh cũng chẳng thể tồn tại.
Người đi đường có thể ghé mắt nhìn vào căn hộ qua cửa sổ. Thỉnh thoảng lại có vài thanh niên hút thuốc bên ngoài căn hộ của anh, hoặc nhổ nước bọt xuống đường.
Vào mùa hè, căn nhà này sẽ trở nên ẩm ướt, buộc anh phải đối mặt với đám mốc ngày càng nhiều thêm.
Từ ngoài phố có thể nhìn thẳng vào nhà của Oh Kee-cheol.
Phòng vệ sinh bé tí tẹo cũng chẳng đủ chỗ để lắp bồn rửa tay, được xây cách sàn nhà khoảng nửa mét. Trần của nó thấp đến mức Oh Kee-cheol phải đứng dạng hai chân nhằm tránh cộc đầu vào tường.
“Khi mới chuyển đến, tôi bị nhiều vết bầm tím vì đập đầu vào cửa và cả những vết xước khi tay cọ vào bức tường xi măng mỗi khi cử động”, người đàn ông 31 tuổi đang làm ngành logistics cho biết.
Oh Kee-cheol thậm chí còn không thể đứng thẳng người mỗi khi đi vệ sinh.
Nhưng giờ đây, Oh Kee-cheol đã quen với điều đó. “Tôi biết hết mọi chỗ dễ đụng, cũng như những chỗ có đèn ở đâu”, anh tự tin nói.
“Ký sinh trùng” - bom tấn điện ảnh của đạo diễn huyền thoại Bong Joon-ho - là một câu chuyện đầy kịch tích của những điều có và không.
Bộ phim đã khắc họa sự khác biệt đến cùng cực giữa hai tầng lớp khác nhau - gia đình giàu có họ Park và gia đình nghèo khổ họ Kim - thông qua ngôi nhà mà họ ở.
Một là biệt thự sang trọng và hiện đại nằm trên đồi ở Seoul; một là căn hộ bán ngầm tối tăm và hôi hám.
Trong thực tế, banjiha là nơi hàng nghìn người trẻ Hàn Quốc đang sống, trong khi làm việc chăm chỉ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phòng vệ sinh của gia đình họ Kim trong phim "Ký sinh trùng" (trái) và phòng vệ sinh của Oh Kee-cheol (phải).
Trước đây, việc thuê một căn hộ banjiha là phạm pháp. Tuy nhiên, khi khủng hoảng nhà ở bùng nổ vào những năm 80 của thế kỷ trước, chính phủ Hàn Quốc đành chấp nhận hợp pháp hóa những không gian ngầm này để dân có chỗ ở.
Năm 2018, Liên Hợp Quốc nhận xét rằng, dù là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới nhưng việc thiếu hụt nhà ở với giá cả hợp lý là một trở ngại to lớn, nhất là đối với người trẻ và người nghèo tại Hàn Quốc.
Những căn hộ bán ngầm như thế này là giải pháp duy nhất của họ trước giá nhà không ngừng tăng lên.
Tiền thuê một căn hộ như thế này ở Hàn Quốc là khoảng tầm 540.000 won, trong khi thu nhập trung bình mỗi tháng của người trong độ tuổi 20 là 2 triệu won.
Ở Seoul, giá nhà đất vô cùng đắt đỏ.
Những người sống trong những căn hộ bán ngầm banjiha này còn phải chật vật vượt qua sự kỳ thị của xã hội và nỗi xấu hổ về bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy.
“Tôi thực sự cảm thấy thoải mái với ngôi nhà này”, Oh Kee-cheol cho biết. “Tôi chọn ở đây để tiết kiệm tiền, nhờ đó tôi đã có một khoản kha khá. Thế nhưng, tôi chẳng thể khiến mọi người ngừng thương hại mình”.
Oh Kee-cheol đã quen với không gian chật chôi của ngôi nhà bán ngầm.
“Ở Hàn Quốc, mọi người nghĩ rằng việc có nhà đẹp xe xịn là chuyện quan trọng. Tôi cho rằng những căn hộ banjiha này là biểu tượng của sự nghèo khổ”, chàng trai 31 tuổi nói thêm.
“Có lẽ đó là lý do tại sao nơi tôi ở lại định nghĩa con người tôi”.
Ở đoạn giữa của bộ phim “Ký sinh trùng”, khi gia đình họ Kim từng bước xâm nhập vào cuộc sống của gia đình họ Park để bòn rút tiền, đứa con út nhà họ Park - cậu bé Da-song - đã ngửi thấy một mùi đặc trưng trên người nhà họ Kim.
Người cha Kim Ki-taek tìm cách để loại bỏ mùi này, nhưng con gái ông chỉ nói: “Đó là mùi của căn hộ bán ngầm. Mùi đó sẽ không bao giờ hết trừ khi chúng ta rời khỏi đây”.
Park Young-jun đã xem “Ký sinh trùng” ngay khi anh mới chuyển vào một căn hộ bán ngầm banjiha. Ban đầu, vị nhiếp ảnh gia 26 tuổi này chọn sống ở đây là vì không gian và giá cả hợp lý.
Park Young-jun (phải) thích căn hộ bán ngầm vì giá rẻ và không gian của nó.
Tuy nhiên, anh không thể ngừng suy nghĩ về cái mùi mà bộ phim nhắc tới. “Tôi không muốn có mùi giống gia đình nhà họ Kim”, anh nói.
Mùa hè đó, anh đã đốt vô số cây nến thơm và bật máy hút ẩm phần lớn thời gian. Bằng một cách nào đó, bộ phim đã cho anh động lực sửa chữa và trang trí căn hộ.
“Tôi không muốn mọi người thương hại mình chỉ vì tôi sống ở dưới tầng ngầm”, anh giải thích.
Park Young-jun và Shim Min đã cùng nhau cải tạo căn hộ này.
Park và bạn gái Shim Min còn làm vlog quay lại quá trình sửa sang căn hộ của mình. Họ rất hạnh phúc với nơi này, dù phải mất nhiều tháng để có ngôi nhà có được diện mạo như hôm nay.
“Khi cha mẹ tôi đến và thấy nơi này lần đầu, họ rất không bằng lòng. Chủ cũ của căn hộ là một người nghiện thuốc lá nặng. Vậy nên, mẹ tôi không chịu nổi cái mùi này”, vị nhiếp ảnh gia cho biết.
Shim - một youtuber 24 tuổi - ban đầu không đồng tình với quyết định chuyển tới sống ở căn hộ bán ngầm này của bạn trai.
“Tôi có cái nhìn khá tiêu cực về banjiha. Nó trông chẳng an toàn chút nào. Nó khiến tôi nhớ đến những góc khuất của thành phố.
Tôi đã sống trong những khu chung cư hiện đại suốt cả cuộc đời mình. Vì thế, tôi rất lo cho người yêu”, cô giải thích.
Thế nhưng, các video trang trí nhà cửa của họ lại nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ người xem. Thậm chí một số người còn ghen tị với căn hộ sành điệu của họ.
“Chúng tôi yêu nhà mình và tự hào về những thứ chúng tôi đã làm ở đây”, Min cho biết.
Tuy nhiên, cô cũng chỉ ra rằng điều này không có nghĩa họ sẽ sống ở đây cả đời. “Chúng tôi sẽ chuyển đi một ngày nào đó”, Shim nói.
Chú mèo April của Oh Kee-cheol.
Oh Kee-cheol cũng đang dành dụm để có thể tự mua một căn nhà của riêng mình. Bằng cách sống ở căn hộ bán ngầm này, anh hy vọng mình sẽ hoàn thành được giấc mơ bấy lâu nay.
“Điều khiến tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là chú mèo April không thể tận hưởng ánh nắng mặt trời qua ô cửa sổ”, Oh Kee-cheol nói.