Sự thật về cơ quan đặc vụ khét tiếng nhất nhà Minh: Cái bóng quyền lực lấn át cả Cẩm Y Vệ

Trần Quỳnh |

Không phải Cẩm Y Vệ, đây mới là cơ quan đặc vụ sở hữu quyền lực "khủng" nhất trong lịch sử Minh triều.

Ngày nay, giới chuyên gia vẫn thường ví Minh triều là thời đại của các mật vụ. Bởi những Hoàng đế của triều đại này đã thành lập ra không ít các xưởng vệ nhằm mục đích giám sát triều đình, xã hội.

Trong số những xưởng vệ ấy, Cẩm Y Vệ là cái tên được hậu thế biết tới nhiều hơn cả. Nhưng kỳ thực, đây chưa phải là cơ quan mật vụ sở hữu quyền lực lớn nhất của Minh triều.

Trong những năm Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ đã cất công tổ chức và xây dựng nên "cơ quan tình báo quốc gia đầu tiên trên thế giới". Đó chính là cái bóng quyền lực lấn át cả Cẩm Y Vệ và từng làm khuynh đảo triều đình - Đông Xưởng.

Cuộc chiến giữa Cẩm Y Vệ và Đông Xưởng: Sóng ngầm kéo dài tới 200 năm

Sở hữu thời gian trị vì tương đối dài, Minh triều được các nhà sử học đánh giá là một triều đại có độ tập quyền cao trong lịch sử Trung Hoa.

Sau khi thanh trừng công thần, khai quốc Hoàng đế của nhà Minh là Chu Nguyên Chương đã thành lập đội Cẩm Y Vệ với chức năng chủ yếu là quản lý, giám sát đời sống bách tính. Đây chính là một trong những cơ quan sở hữu vai trò tương tự các tổ chức đặc vụ ngày nay.

Tới khi Chu Đệ cướp ngôi cháu ruột thành công, vị Hoàng đế thứ ba của Minh triều này thấy việc sử dụng Cẩm Y Vệ không được thuận lợi, liền lập ra một cơ quan mới.

Trong quá trình khởi binh tạo phản, Chu Đệ từng nhận được sự giúp đỡ của không ít thái giám hoạn quan trong cung. Vì thế trong mắt ông, tầng lớp này là đáng tin hơn cả.

Cũng chính từ lý do này, Chu Đệ đã phá bỏ điều lệ hoạn quan không được can dự triều chính mà Chu Nguyên Chương đã quy định khi mới thành lập nhà Minh để cố tình trọng dụng tầng lớp ấy.

Năm Vĩnh Lạc thứ 18, Minh Thành Tổ Chu Đệ vì trấn áp các lực lượng chống đối cũng như củng cố quyền lực của mình, quyết định thành lập "Đông tập sự xưởng", gọi tắt là Đông Xưởng, giao cho hoạn quan thân tín phụ trách quản lý.

Sự thật về cơ quan đặc vụ khét tiếng nhất nhà Minh: Cái bóng quyền lực lấn át cả Cẩm Y Vệ - Ảnh 1.

Sự chuyên quyền, lấn lướt của các hoạn quan Đông Xưởng từng khiến những mật vụ trong hàng ngũ Cẩm Y Vệ hết sức bất bình. (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá của các sử gia hiện đại tại Trung Quốc, đây là cơ quan mật vụ uy lực nhất trong lịch sử Minh triều. Thậm chí, quyền lực của Đông Xưởng còn vượt mặt đội ngũ Cẩm Y Vệ.

Xét về mặt cơ cấu, Đốc chủ của Đông Xưởng là thái giám thân tín dưới tay Hoàng thượng. Đây là mối quan hệ có mức độ thân thiết và tin cậy vượt xa sự tín nhiệm bình thường mà nhà vua dành cho người đứng đầu hàng ngũ Cẩm Y Vệ.

Do đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Cẩm Y vệ luôn phải chịu sự thanh tra và kiểm soát của Đông Xưởng.

Đông Xưởng làm việc theo lệnh của Hoàng đế mà không cần thông qua phê chuẩn của triều đình. Vì vậy sự hiện diện của cơ quan này càng làm tăng thêm quyền lực cho chính quyền trung ương tập quyền, mà cụ thể chính là củng cố địa vị của Hoàng đế.

Thế nhưng, cũng chính từ sự kiện thành lập Đông Xưởng, việc hoạn quan can dự vào chính sự cũng bắt đầu trở thành quốc nạn của nhà Minh.

Lý tưởng "không xử án oan", "lưu danh muôn đời": Thực tế khác xa!

Theo ghi chép của các nguồn tài liệu lịch sử, bước vào đại sảnh của Đông Xưởng dưới thời nhà Minh, người ta sẽ thấy một bức họa lớn vẽ chân dung của Nhạc Phi. Bức họa này nhắc nhở về cấm kỵ lớn nhất của người trong Đông Xưởng – đó là xử án oan.

Ngoài ra, gian nhà chính của cơ quan này còn có một đền thờ "bách thế lưu danh", thể hiện mong muốn để lại tiếng thơm muôn đời. Tiếc rằng, những việc làm thực tế của Đông Xưởng đi ngược lại hoàn toàn so với những tôn chỉ, mong muốn ấy.

Năm xưa, những "thám tử" làm việc cho Đông Xưởng hàng ngày nằm vùng ở khắp các hẻm nhỏ, phố lớn trong kinh thành. Nhưng họ không hoàn toàn cống hiến vì nhà vua mà phần lớn là làm việc tư lợi cho bản thân. 

Đội ngũ này thường xuyên thêu dệt tội danh, vu oan giáng họa cho dân lành để nhân cơ hội lừa gạt, vơ vét tài sản.

Sự thật về cơ quan đặc vụ khét tiếng nhất nhà Minh: Cái bóng quyền lực lấn át cả Cẩm Y Vệ - Ảnh 2.

Quyền lực cũng như sự tàn bạo của các thái giám Đông Xưởng từng khiến người trong triều đình và bách tính phải khiếp sợ mỗi khi nghe danh. (Ảnh minh họa).

Từ giữa thời nhà Minh trở về sau, phạm vi cai quản, truy nã của Đông Xưởng ngày càng được mở rộng trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Ngay tới cả những vùng đất biên thùy xa xôi cũng xuất hiện các đặc vụ làm việc dưới quyền cơ quan này.

Thủ lĩnh của Đông Xưởng còn được gọi là đốc chủ, xưởng công, đề đốc… Những tên tuổi hoạn quan khét tiếng như Vương Chấn, Lưu Cẩn, Phùng Bảo, Ngụy Trung Hiền đều từng đảm nhiệm chức vụ đó, mà quyền hạn của cơ quan ấy thậm chí vượt mặt vô số quan lại trong triều đình.

Đối với những vụ án lớn, sau khi triều đình tiến hành thẩm tra, người của Đông Xưởng đều sẽ có mặt để giám sát việc Cẩm Y Vệ xét hỏi trọng phạm. Tất cả các nha môn tại địa phương đều có "tọa ban" từ Đông Xưởng để giám sát nhất cử nhất động của quan viên những nơi này.

Với những quan viên có địa vị không cao, người của Đông Xưởng có thể thay thế họ để trực tiếp tra hỏi phạm nhân. Ngay cả các quan chức cấp cao hay người trong hoàng tộc, chỉ cần Hoàng đế gật đầu, Đông Xưởng cũng có thể vượt mặt họ để tham gia vào quá trình xét xử.

Sau khi theo dõi trực tiếp quá trình thẩm tra, xử án, người của Đông Xưởng có quyền báo cáo thẳng lên Hoàng đế. Chính bởi mang danh nghĩa là cánh tay đắc lực cho nhà vua, mà cơ quan này có đủ mọi điều kiện thuận lợi để "tác oai tác quái" suốt một thời gian dài trong lịch sử.

Từ cánh tay đắc lực của Hoàng đế đến con dao hai lưỡi hủy hoại Minh triều

Mặc dù sở hữu danh tiếng chẳng mấy tốt đẹp, nhưng không thể phủ nhận được rằng Đông Xưởng là cơ quan sở hữu cơ cấu làm việc chặt chẽ, phối hợp nhân sự linh hoạt, hơn nữa mọi hoạt động đều có quy định và chế độ vô cùng nghiêm ngặt.

Vào ngày mùng 1 hàng tháng, người của cơ quan này đều phải tập trung để bố trí công việc. Mội xưởng dịch sẽ rút thăm và nhận địa bàn mình phụ trách.

Văn Hiến Ký ghi lại, mỗi công việc của người trong Đông Xưởng dù lớn hay nhỏ đều có tên gọi đặc thù. Theo đó, người chuyên nghe quan viên thẩm tra tội phạm trong nhà giam và quản lý các tin tức bắt người của Cẩm Y Vệ sẽ được gọi là "thính ký".

Người giám thị việc xử án của quan phủ địa phương tại các nha môn sẽ được gọi là "tọa ký". Còn người ghi lại mọi hoạt động thẩm tra, bắt bớ để báo cáo lên cấp trên có chức danh là "tá sự kiện".

Sự thật về cơ quan đặc vụ khét tiếng nhất nhà Minh: Cái bóng quyền lực lấn át cả Cẩm Y Vệ - Ảnh 4.

Đã từng có giai đoạn Đông Xưởng thực sự là cánh tay đắc lực cho Hoàng đế trong việc giám sát, thanh trừng các phe phái đối lập để củng cố quyền lực nhà vua. (Ảnh minh họa).

Vào thời kỳ mới được thành lập, Đông Xưởng có nhiệm vụ tố cáo những điều hủ bại cũng như tăng cường quyền lực cho Hoàng đế.

Nhưng trải qua thời gian, cơ quan này ngày càng sản sinh ra nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới Minh triều và tiến trình lịch sử Trung Hoa. Điều này thể hiện chủ yếu ở hai điểm dưới đây:

Thứ nhất, Đông Xưởng vượt quá chức phận quan lại bình thường, tiến hành các hoạt động đặc vụ mà phần lớn là có tính chất đen tối, vì vậy gây ra nhiều án oan sai trái.

Thứ hai, cơ quan này tạo điều kiện cho hoạn quan chuyên quyền, gây ra nhiều xáo trộn trong nội bộ triều đình nhà Minh.

Thế nhưng, suy cho cùng sự lộng hành của Đông Xưởng cũng do Hoàng đế ngầm cho phép mà thành. Thủ đoạn trấn áp của cơ quan này vô cùng tàn khốc, nhưng suy cho cùng cũng vì mục đích giành công trạng để  tấu lên nhà vua.

Chính bởi những điều này mà danh tiếng của Đông Xưởng trong xã hội lúc bấy giờ vô cùng tệ hại. Sau tất cả, cơ quan ấy đã diệt vong cùng Minh triều, trở thành một tàn tích không ai muốn nhắc tới trong lịch sử Trung Hoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại