Bố mẹ yêu con, nguyện hy sinh cho con tất cả mà không hề băn khoăn, hối tiếc. Đó là thiên tính, là lẽ thường thấy ở đời. Nhưng con trẻ có biết ơn, báo đáp hay không, điều này lại phụ thuộc vào việc dạy dỗ của các bậc phụ huynh.
Khi cho con ăn, có những lúc bố mẹ chỉ quan tâm đến việc con ăn đã no hay chưa mà không để ý đến việc trẻ có nói với mình hai chữ CẢM ƠN hay không.
Hay bố mẹ mua đồ chơi cho con, chỉ quan tâm đến việc con có vui không mà bỏ qua việc con quên nói hai chữ cảm ơn với mình.
Lâu dần, trẻ sẽ cho rằng bố mẹ hy sinh cho mình là điều hiển nhiên, là việc mà bố mẹ phải làm. Nếu như bố mẹ không làm được, không đáp ứng được, trẻ thậm chí còn cho rằng bố mẹ nợ mình.
Không muốn trẻ trở nên như vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hay dạy cho con nói hai chữ cảm ơn.
Tại sao phải dạy trẻ nói lời cảm ơn đầu tiên?
Hướng dẫn, dạy trẻ nói hai chữ cảm ơn là bước đầu tiên trong việc hình thành nên lối sống biết ơn, tri ân trong cuộc đời.
Khi trẻ nói lời cảm ơn, từ trong nội tâm, ít nhiều trẻ cũng đã suy nghĩ đến việc tại sao phải nói như vậy. Và khi trẻ thường xuyên nghĩ đến lý do tại sao, trẻ sẽ dần có được lòng biết ơn, lối suy nghĩ biết ơn.
Từ khi trẻ 6 tháng tuổi, bắt đầu ăn dặm, bố mẹ đã nên bắt đầu dạy con nói cảm ơn khi cho trẻ ăn, dù trẻ chưa hề biết nói.
Trước khi cho trẻ ăn, người lớn có thể nói rằng "Bố mẹ, ông bà đã chuẩn bị cho con rất nhiều thức ăn, con phải cảm ơn mọi người đấy nhé", đồng thời lấy tay mình đặt vào đầu trẻ, hướng dẫn trẻ cúi đầu 2 lần, dạy trẻ cách dùng việc gật đầu để biểu đạt lòng biết ơn.
Làm lâu dần, trẻ sẽ biết chủ động cảm ơn khi nhìn thấy thức ăn, khi đó, bố mẹ hãy dành cho trẻ một lời khen để khuyến khích.
Ảnh minh họa.
Khi trẻ biết nói, các bậc phụ huynh nên tận dụng cơ hội này để dạy trẻ nói lời cảm ơn, ví dụ như trong các tình huống rất gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như khi trẻ được bón thức ăn, uống sữa, tắm rửa, thay đồ…
Nếu trẻ chủ động cảm ơn người lớn, hãy dành cho trẻ lời khen. Nếu trẻ quên không nói, bố mẹ hãy nhắc nhở trẻ.
Trẻ nhớ thì khen, trẻ quên thì nhắc, làm như vậy hằng ngày, nhắc nhờ, khen ngợi, trẻ sẽ làm tốt hơn và sẽ vui khi được khen.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên giúp trẻ tăng sự tự tin. Khi tự tin, trẻ sẽ làm những việc này một cách tự nhiên, dễ dàng hơn.
Trước năm 3 tuổi là thời kỳ não trẻ phát triển mạnh nhất. Trong giai đoạn này, hãy hình thành thói quen nói cảm ơn, trẻ sẽ ghi nhớ cả đời. Sau khi trưởng thành, thói quen tốt này ít nhiều sẽ góp phần hình thành nên lối sống biết ơn cho trẻ.
Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh hãy nhớ dạy con hai chữ đơn giản này.
Tranh minh họa.
Bên cạnh đó, người lớn cũng nên thường xuyên nói lời cảm ơn, bày tỏ lòng biết ơn đến những người xung quanh để làm gương cho con cái.
Việc tán đồng, ghi nhận con nên được duy trì một cách khéo léo. Hãy dành cho con lời khen như "con làm tốt lắm", "con có thấy bác A, cô B vui khi con cảm ơn không? Hãy phát huy nhé…" để tạo thêm động lực khuyến khích trẻ, trẻ sẽ cảm thấy ứng khởi.
Thỉnh thoảng, bố mẹ cũng có thể chuẩn bị những món quà nhỏ để thưởng cho con vì con đã làm rất tốt.
Người có lòng biết ơn sẽ cảm ơn những gì người khác đã bỏ ra cho mình, trân trọng những gì mình có. Người có lòng biết ơn sẽ là những người có trái tim rộng mở, giàu có, có lối suy nghĩ chính diện, có quan hệ tốt với mọi người.
Tương lai của những người thuộc nhóm này chắc chắn sẽ thuận lợi và dễ chịu hơn so với nhóm người ngược lại. Hãy để con bạn trở thành một người có lòng biết ơn như thế bằng việc học tốt hai chữ CẢM ƠN ngay từ khi còn nhỏ!