Sự nồng nhiệt của Mỹ và NATO chưa đủ để khỏa lấp những khác biệt

Thu Hoài |

Sự nồng nhiệt và tuyên bố mạnh mẽ dường như vẫn chưa đủ để khỏa lấp những khúc mắc cơ bản trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và NATO, vốn trở nên trầm trọng hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Tổng thư ký NATO Jens Stontelberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải). Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stontelberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải). Ảnh: Reuters

“Làm sống dậy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tăng cường tham vấn và phối hợp với các đồng minh”. Đây là cam kết được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra hôm qua trong chuyến thăm đầu tiên tới tổng hành dinh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ.

Tuy nhiên, tuyên bố này là chưa đủ để khỏa lấp những khúc mắc cơ bản trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn trở nên trầm trọng hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua khẳng định mong muốn của Mỹ “phục hồi liên minh”, tham vấn và phối hợp với các đồng minh phương Tây bất cứ khi nào có thể.

“Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác Liên minh châu Âu của chúng tôi để giải quyết những thách thức chung và đáp ứng mục tiêu chung về một châu Âu hòa bình và không có lỗ hổng. Mỹ coi Liên minh châu Âu là đối tác ưu tiên về hầu hết mọi thứ bạn đã đưa ra trong chương trình nghị sự và một số điều khác mà chúng ta sẽ thảo luận”.

Trong một minh chứng cho nỗ lực hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ xuất hiện trong một đoạn băng ghi hình gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra hôm nay.

Cuộc họp được mong đợi sẽ chứng kiến những quan điểm dễ chịu hơn về tình hữu nghị và liên minh giữa Mỹ và châu Âu. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ xuất hiện theo cách như vậy kể từ thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009.

Tuy nhiên, tất cả những điều này là không đủ để khỏa lấp những vấn đề cơ bản gây căng thẳng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trong số đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua thêm các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga hay hoạt động thăm dò khí đốt của nước này tại khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải.

Bản thân Tổng thư ký NATO Jens Stontelberg cũng thừa nhận, với Thổ Nhĩ Kỳ, có những khác biệt và cả những lo ngại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Ankara đối với NATO và sườn phía Nam của khối này.

Trong khi đó, đối với vấn đề Afghanistan, lập trường của NATO tới nay vẫn là “cùng nhau điều chỉnh và cùng nhau rời đi khi đến thời điểm thích hợp” bất chấp thời hạn ngày 1/5 theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đang tới gần.

Trung Quốc và Nga cũng nằm trong số những chủ đề gây khó cho mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. Châu Âu không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu do Mỹ dẫn đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Blinken cũng hứa hẹn rằng, Mỹ sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn “Mỹ hay Trung Quốc”:

“Mỹ sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn giữa chúng tôi và Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia không thể làm việc với Trung Quốc về các thách thức như biến đổi khí hậu và an ninh y tế”.

Về vấn đề Iran, ông Blinken nhấn mạnh, các bên châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã phối hợp với Mỹ trong việc yêu cầu Iran có động thái đầu tiên để khôi phục việc tuân thủ thỏa thuận. Ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ vẫn cởi mở trong việc khởi động lại các cuộc đàm phán ngoại giao với Iran về vấn đề hạt nhân, nhưng quả bóng đang ở bên sân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Blinken cũng khuyến khích các đồng minh NATO tiếp tục chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng như đã cam kết, nói rằng một NATO hiện đại và thích ứng hơn cần nhiều nguồn lực hơn. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo kín đáo đối với các đồng minh rằng, để duy trì sự ủng hộ của Mỹ, liên minh cũng phải quan tâm tới lợi ích của Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại