Sự nguy hiểm đằng sau việc tên lửa Triều Tiên phát nổ

Tuấn Hưng |

Triều Tiên lại phóng hỏng tên lửa Musudan, tuy nhiên theo chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc, thất bại này là do chủ ý của Bình Nhưỡng và ẩn chứa tham vọng khôn lường.

Triều Tiên lại bắn một quả tên lửa đạn đạo tầm trung vào hồi 7h sáng 20/10 theo giờ địa phương (5h sáng giờ Việt Nam), nhưng vụ phóng đã thất bại. Thông tin này được thông tấn Hàn Quốc là Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho biết:

"Các hệ thống của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ phát hiện ra điều mà chúng tôi đánh giá là một vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên. Quả tên lửa này được cho là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ kết luận rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra đe dọa đối với Bắc Mỹ".

 Sự nguy hiểm đằng sau việc tên lửa Triều Tiên phát nổ  - Ảnh 1.

Triều Tiên phóng tên lửa Musudan

Mặc dù vậy, theo một số nguồn tin nội bộ, chính cơ quan này của Mỹ đang dấy lên những nghi ngờ rằng, Triều Tiên đã cố tình cho tên lửa Musudan phát nổ và hành động này đang ẩn chứa một tham vọng khó lường của Bình Nhưỡng.

Yonhap dẫn lời một sĩ quan cấp cao thuộc Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ cho rằng có thể Triều Tiên đã phóng tên lửa Musudan được lắp đầu đạn hạt nhân thu nhỏ giả định. Trong trường hợp này, việc tên lửa chỉ bay được 400 km, tức là bằng 1/10 tầm bắn thiết kế, không còn quan trọng.

Mức độ nguy hiểm thực sự nằm ở vũ khí hạt nhân mà tên lửa mang theo. Cuộc thử nghiệm có thể đã cung cấp cho Triều Tiên những thông số cần thiết thu được ngoài thực địa để tiếp tục cải tiến đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

Cùng quan điểm này, tờ Korea JoongAng Daily dẫn phân tích của một số chuyên gia cũng cho rằng 2 vụ phóng tên lửa gần đây đã cho thấy Triều Tiên đạt được tiến bộ về công nghệ tên lửa và đây là điều đáng báo động đối với Hàn Quốc.

Tờ báo này thậm chí còn nêu ra kịch bản Triều Tiên chủ động cho nổ tên lửa ở độ cao lớn sau khi bay được 400 km để không bay qua lãnh thổ Nhật Bản và không gây ra những phản ứng quân sự từ phía Tokyo.

Đối với tên lửa đạn đạo, ngoài tầm bay xa, việc đạt độ cao nhất định cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể Triều Tiên đã “hy sinh” tầm bắn để đưa tên lửa đạt tới độ cao cần thiết, qua đó thử nghiệm những tác động đối với tên lửa và đầu đạn khi bay trở lại bầu khí quyển. Đây sẽ là những thông tin hết sức quý giá để Triều Tiên hoàn thiện công nghệ tên lửa của mình.

Tờ The Korea Herald cũng dẫn lời giáo sư Kim Dong-yup thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông của Hàn Quốc nhận định mục đích thực sự của Triều Tiên chưa chắc là nhằm chuẩn bị đưa tên lửa Musudan vào sử dụng trên thực tế.

Triều Tiên có thể đang hướng tới một kế hoạch lớn hơn là tăng cường năng lực tấn công hạt nhân vào phần lục địa của Mỹ. Có bằng chứng cho thấy, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa Musudan để tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn, có thể lên tới 10.000 km.

Tuy vậy, The Korea Herald cũng đưa ra những ý kiến trái chiều khi dẫn lời một số quan chức đánh giá 2 vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể chỉ là thành công ngẫu nhiên. Triều Tiên đã triển khai tên lửa Musudan từ năm 2007 mà bỏ qua khâu thử nghiệm. Điều này trái với quy trình thông thường nên có thể tồn tại nhiều vấn đề.

Việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử bất chấp thất bại có thể chỉ nhằm tuân theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Hồi tháng 3 vừa qua, ông Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên phóng tên lửa Musudan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại