Khác với những lần trước đều thất bại, cuộc thử nghiệm lần này đã có những thành công, dù hạn chế và điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự không khỏi lo lắng.
Liên tục thử tên lửa
Trang tin Popular Mechanic cho biết quả tên lửa Musudan đầu tiên được phóng vào lúc 5h58 (giờ địa phương) từ một điểm phóng nằm gần thành phố Wonsan của Triều Tiên.
Quả tên lửa này bay xa 150 km trước khi phát nổ trên biển Nhật Bản. Quả thứ hai phóng sau đó 1 giờ rưỡi đồng hồ. Nó bay được 400 km trước khi phát nổ hoặc rơi xuống biển.
Không loại trừ khả năng Triều Tiên cố tình khiến quả Musudan thứ hai rơi xuống sau khi đã bay được 400 km để ngăn không cho nó đi qua không phận Nhật Bản.
Cũng có khả năng Triều Tiên cố tình bắn quả tên lửa này với góc lớn hơn bình thường để nó bay lên thật cao thay vì bay xa, nhằm tránh gây rắc rối với chính quyền Nhật Bản, nơi đã tuyên bố sẽ đánh chặn bất kỳ quả tên lửa đạn đạo nào bắn đi từ Triều Tiên bay vào không phận.
Hướng giả thuyết này có cơ sở, bởi Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên tuyên bố quả Musudan thứ hai đã bay cao tới 1.400 km trước khi rơi xuống.
Hai vụ phóng tên lửa Musudan diễn ra sau một loạt những thất bại của Triều Tiên trong 2 tháng qua, liên quan tới hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM,) khi nước này cố gắng chứng tỏ cho thế giới thấy khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ nằm ở Guam bằng tên lửa.
Cụ thể, Triều Tiên bắn thử quả Musudan đầu tiên vào ngày 15/4 năm nay, nhưng nó phát nổ chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.
Triều Tiên bắn thử quả Musudan thứ hai và thứ ba khoảng 13 ngày sau đó. Quả thứ hai bị rơi sau khi mới bay được hơn 1 km và quả thứ ba thì bay được vài kilomet. Quả thứ tư được thử nghiệm trong ngày 31/5, đã phát nổ ngay trên bệ phóng di động.
Năm nay, Triều Tiên cũng đạt được những tiến bộ tương tự trong hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo bắn đi từ tàu ngầm (SLBM). Một quả SLBM đã bay được chừng 30 km, sau rất nhiều thất bại trước đó, với những quả tên lửa liên tục phát nổ ngay sau khi được phóng đi.
Việc Triều Tiên sẵn sàng bắn thử tên lửa Musudan và SLBM, hết quả này tới quả khác, các cuộc thử mới chỉ trong một thời gian ngắn ngay sau thất bại, là điều rất bất thường.
Một mặt, nó cho thấy sự vội vã của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng mặt khác cũng cho thấy quyết tâm sắt đá của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong việc nhanh chóng củng cố kho tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Cần lưu ý rằng tên lửa Musudan được chế tạo để trở thành phương tiện giúp Triều Tiên răn đe các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Guam, vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đầu tháng này, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cảnh báo rằng “quân đội Triều Tiên lâu nay đã đưa vào tầm ngắm các căn cứ quân sự Mỹ và cơ sở hậu cần có thể được dùng để xâm lược Triều Tiên, gồm căn cứ không quân Anderson đóng ở Guam, nơi những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H đang được triển khai, bên cạnh các căn cứ hải quân phục vụ tàu ngầm hạt nhân”.
Ngoài việc phóng thử tên lửa Musudan và SLBM, Triều Tiên cũng đã thử một vũ khí hạt nhân, một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), một động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn mới chế tạo và một động cơ tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng mới chế tạo.
Thứ vũ khí đáng sợ
Giống như nhiều quả tên lửa đạn đạo khác của Triều Tiên, thông tin về Musudan hiện vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng giới quan sát tin rằng quả tên lửa này đã được Triều Tiên thai nghén ngay từ giai đoạn giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Thời gian đó, Triều Tiên đã mời các chuyên gia, nhà thiết kế và kỹ sư tên lửa đạn đạo của Cục Thiết kế Makeyev tới giúp phát triển Musudan, dựa trên mẫu tên lửa R-27 Zyb của Liên Xô.
Triều Tiên cũng quyết định rằng do xe vận tải và phóng tên lửa di động MAZ-547A/MAZ-7916 của quân đội Triều Tiên có tải trọng 20 tấn, trong khi tên lửa R-27 Zyb chỉ nặng có 14,2 tấn, bình chứa nhiên liệu của nguyên mẫu R-27 Zyb sẽ được kéo dài thêm 2 m để tăng tầm bắn cho Musudan.
Ngoài ra, đầu đạn được giảm từ mẫu 3 đầu đạn độc lập xuống còn 1 đầu đạn, nhằm làm giảm sự phức tạp trong hoạt động chế tạo.
Quả tên lửa Musudan có chiều dài 12 m, đường kính 1,5 m, được thiết kế để dùng nhiên liệu lỏng. Sau khi nhiên liệu được bơm đầy vào tên lửa, nó có thể duy trì trạng thái “sẵn sàng phóng” trong nhiều ngày, hoặc nhiều tuần như tên lửa R-27.
Nhưng do Musudan dài hơn R-27 và cấu trúc của nó không đủ vững chắc và an toàn để di chuyển khi đã nạp đầy nhiên liệu nên việc nạp nhiên liệu thường diễn ra ngay tại điểm phóng.
Giới quan sát ban đầu cho rằng động cơ tên lửa của Musudan được lấy từ tầng 2 của tên lửa đạn đạo Taepodong-2. Tuy nhiên các phân tích cuộc phóng tên lửa mang vệ tinh Unha-3, được cho là dựa trên mẫu Taepodong-2, cho thấy tầng 2 không dùng nhiên liệu lỏng như R-27. Hiện vẫn chưa thể xác định Musudan dùng động cơ tên lửa loại nào.
Trên lý thuyết, Musudan có thể bắn xa tới 4.000 km. Giống như R-27, nó có thể trang bị một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng tới hơn 1 tấn. Hai yếu tố này cho thấy Musudan là vũ khí thực sự đáng sợ một khi được phát triển hoàn chỉnh. Và sự tiến triển khá nhanh của Triều Tiên trong việc nghiên cứu Musudan đã khiến Mỹ cùng đồng minh rất lo ngại.
Không khó hiểu khi Hàn Quốc và Mỹ đều có phản ứng hết sức mạnh mẽ trước các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Trong ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gọi vụ phóng tên lửa là “sự vi phạm trắng trợn các Nghị quyết Liên Hợp Quốc đã cấm Triều Tiên thực hiện bất kỳ cuộc phóng nào liên quan tới công nghệ tên lửa đạn đạo”.
“Chúng tôi cảnh cáo nghiêm khắc Triều Tiên rằng nước này sẽ đối mặt với áp lực và cấm vận mạnh hơn nữa từ cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc lên án mạnh mẽ hành động này của Triều Tiên” - phát ngôn viên Cho June-hyuck của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng nói rằng hành động của Triều Tiên chỉ “làm tăng quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các hành vi bị cấm của nước này”.
Tiến triển đều đặn
Hiện giới quan sát vẫn đang tranh cãi về khả năng phát triển tên lửa của Triều Tiên. Một luồng quan điểm cho rằng Triều Tiên có thể chỉ đang cố phóng thành công một quả tên lửa nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền.
John Schilling - một kỹ sư hàng không, không gian và là chuyên gia về chương trình tên lửa Triều Tiên - chia sẻ với trang tin Yonhap: “Musudan không phải là một vũ khí đáng tin cậy và dường như Triều Tiên không cố để biến nó thành thứ vũ khí như vậy”.
Theo Schilling, cuộc thử nghiệm chỉ là một “trò gây sốc với mục đích tuyên truyền”, thể hiện qua việc quả tên lửa Musudan thứ sáu được bắn lên chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau khi quả thứ năm gặp thất bại”.
Trong khoảng thời gian đó, người ta không thể nào lần ra sự cố và sửa lỗi. Giống như mọi cuộc phóng thử Musudan khác, các cuộc phóng mới cũng chỉ là trò tung một đồng xu, cho tới khi họ thu được kết quả mong muốn” - ông nói.
“Chúng ta có thể giả định rằng Triều Tiên không thực sự quan tâm (tới việc sửa lỗi tên lửa), rằng cuộc phóng thử liên quan nhiều hơn tới tuyên truyền và hình ảnh hơn là kỹ thuật và phát triển vũ khí. Nếu họ thử nghiệm tiếp, có khả năng quả Musudan thứ bảy sẽ là một thất bại gây bẽ mặt như quả thứ năm vậy”.
Nhưng cũng có người cho rằng Triều Tiên đã rút kinh nghiệm rất nhanh từ các thất bại trước đây để cải thiện quả tên lửa của họ.
Jonathan McDowell - một chuyên gia từ Đại học Harvard - chia sẻ với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng Triều Tiên đối mặt với những vấn đề lớn về công nghệ và kỹ thuật khi chế tạo tên lửa. Song trong quá trình thử nghiệm và sửa lỗi, họ sẽ dần xử lý các vấn đề và cho ra sản phẩm sau hoàn thiện hơn trước.
Ông chỉ ra sự tiến bộ là tên lửa của Triều Tiên đã không còn phát nổ ngay khi vừa rời bệ phóng nữa. Một trong những vấn đề lớn mà người ta phải xem xét khi tên lửa phát nổ là nhiệt độ và kiểm soát áp suất. Có vẻ như Triều Tiên đã bắt đầu xử lý tốt các mặt này.
Mc Dowell còn cho rằng một số thiết bị tên lửa, gồm xe phóng, có thể được thử nghiệm chỉ vài giây sau khi tên lửa được phóng lên. Các thông tin thu được sau thử nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động phát triển tên lửa.
Thẳng thắn mà nói, các cuộc phóng thử tên lửa Musudan vừa diễn ra của Triều Tiên khó có thể được xem là thành công trọn vẹn. Nhưng chúng đã cho thấy những bước tiến rất dài của nước này, trong bối cảnh tự mò mẫm nghiên cứu chế tạo tên lửa. Và hoạt động nghiên cứu theo hướng “thử nghiệm cho tới khi nào tên lửa không phát nổ nữa” dường như đã có hiệu quả.
Trong khi những vụ phóng thử Musudan thất bại trước đó khiến người ta cười nhạo Triều Tiên, nay chẳng còn ai cất tiếng cười nữa. Có lẽ người nở nụ cười duy nhất là ông Kim Jong-un!