Sứ mệnh mặt trăng mới của Trung Quốc

ANH THƯ |

Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa con người lên mặt trăng vào năm 2030 và sau đó là xây trạm nghiên cứu tại cực Nam mặt trăng

Trung Quốc ngày 3-5 đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6 trong sứ mệnh thu thập các mẫu vật trên "vùng tối" của mặt trăng và mang chúng về trái đất. Đây là sứ mệnh đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử thám hiểm mặt trăng của nhân loại.

Mặt trăng vốn bị khóa thủy triều với trái đất nên sẽ có một bán cầu không bao giờ có thể quan sát từ mặt đất. "Mặt tối" bí ẩn này những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan vũ trụ.

Vụ phóng tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 tại tỉnh Hải Nam - Trung Quốc hôm 3-5.Ảnh: Tân Hoa Xã

Vụ phóng tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 tại tỉnh Hải Nam - Trung Quốc hôm 3-5.Ảnh: Tân Hoa Xã

Tàu Hằng Nga 6 mang theo nhiều thiết bị khoa học của các nước Pháp, Ý, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Pakistan - theo Tân Hoa Xã. Một miệng hố va chạm được gọi là lưu vực Apollo, nằm trong lưu vực Nam Cực - Aitken ở phía xa của mặt trăng, đã được chọn làm địa điểm hạ cánh và lấy mẫu cho sứ mệnh.

Trong vòng 48 giờ sau khi tàu đổ bộ xuống mặt trăng, một cánh tay robot sẽ được mở rộng để xúc đá và đất trên bề mặt mặt trăng, trong khi một chiếc máy khoan sẽ khoan xuống lòng đất. Công việc nghiên cứu tại chỗ sẽ được thực hiện đồng thời. Mẫu vật được đưa về trái đất trong sứ mệnh dự kiến kéo dài 53 ngày này.

Theo đài CNN, những mẫu vật tàu Hằng Nga 6 dự định thu thập có thể giúp các nhà khoa học nhìn lại quá trình tiến hóa của mặt trăng và hệ mặt trời, đồng thời cung cấp dữ liệu quan trọng để thúc đẩy tham vọng mặt trăng của Bắc Kinh.

Trung Quốc những năm gần đây đã có không ít tiến bộ trong cuộc đua không gian trước những đối thủ hàng đầu Mỹ và Nga. Bắc Kinh dự kiến tiến hành thêm 2 sứ mệnh Hằng Nga 7 và Hằng Nga 8 trong thời gian tới với mục tiêu là đưa con người lên mặt trăng vào năm 2030 và sau đó là xây trạm nghiên cứu tại cực Nam mặt trăng.

Sự kiện phóng tàu Hằng Nga 6 diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia đang đẩy mạnh chương trình mặt trăng. Năm ngoái, tàu vũ trụ đầu tiên của Ấn Độ đã đáp thành công xuống mặt trăng. Trong khi đó, sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của Nga trong nhiều thập kỷ đã thất bại khi tàu Luna 25 đâm vào bề mặt mặt trăng.

Tháng 1-2024, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 đưa thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng. Một tháng sau đó, tàu vũ trụ của công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) đã đáp xuống gần cực Nam mặt trăng trong sứ mệnh được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại bề mặt mặt trăng của nước Mỹ kể từ sứ mệnh Apollo 17 (năm 1972).

Mỹ dự định tiến hành thêm một số sứ mệnh thăm dò bề mặt mặt trăng khác trước khi NASA dự định đưa phi hành gia lên đó, sớm nhất là vào năm 2026 và xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học nơi đó.

Quản trị viên NASA Bill Nelson vào tháng rồi dường như thừa nhận rằng tốc độ của Trung Quốc đang thúc đẩy người Mỹ cấp bách quay trở lại mặt trăng. Quan chức này cũng bày tỏ nỗi lo rằng Bắc Kinh có thể tìm cách ngăn các nước khác tiếp cận một số khu vực trên mặt trăng nếu họ đến đó trước tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay khẳng định ủng hộ việc sử dụng hòa bình không gian vũ trụ.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại