Sự lột xác ngoạn mục của "xe tăng bay" Su-25SM3

Tuấn Sơn (tổng hợp) |

Cùng tham chiến ở chiến trường Syria, ngoài máy bay tiêm kích-bom Su-24M2, Su-34, còn có sự góp mặt của phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng máy bay cường kích yểm trợ hỏa lực mặt đất (CAS) Su-25SM3 Grach, thường được biết tới với biệt danh "xe tăng bay".

Phiên bản nâng cấp Su-25SM3 thực sự là sự lột xác của dòng máy bay CAS đã gần 40 năm tuổi này với những nâng cấp đáng kể về khả năng tấn công chính xác mục tiêu bằng vũ khí thông thường và tăng cường khả năng bảo vệ với hệ thống phòng vệ mềm mới.

Điểm đáng chú ý là phiên bản Su-25SM3 ngay sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển trong năm 2015 đã được giới chức quân sự Nga cho sang "thử lửa" ngay tại chiến trường Syria. Kết quả thu được giúp hoàn thiện bản nâng cấp này trước khi toàn bộ 200 máy bay Su-25 hiện có của Quân đội Nga được nâng cấp lên chuẩn Su-25SM3.

Sức mạnh của "xe tăng bay" Su-25

Được thiết kế là dòng máy bay CAS hoạt động ở tiền tuyến, cũng như tiếp nối truyền thống của dòng máy bay cường kích IL-2 danh tiếng ở Thế chiến 2, Su-25 mang trong mình nhiều đặc điểm của một chiếc xe tăng trên không đúng nghĩa.

Sự lột xác ngoạn mục của xe tăng bay Su-25SM3 - Ảnh 1.

"Kho vũ khí" máy bay Su-25 có thể mang theo.

Sự lột xác ngoạn mục của xe tăng bay Su-25SM3 - Ảnh 2.

Hỏa lực do máy bay Su-25 tạo ra không thể xem thường.

Khi hoạt động ở tiền tuyến, trước khi nghĩ tới việc tấn công mục tiêu, yêu cầu cao hơn là phải sống sót. Thiết kế của Su-25 được tối ưu cho khả năng này. Buồng lái, bình nhiên liệu được bọc giáp bằng các tấm titanium có thể chống lại đạn phòng không cỡ 20mm. Thiết bị điện tử và điều khiển đều được giấu ở trên lưng máy bay, nơi hỏa lực đối phương rất khó có thể xuyên phá…

Đi cùng với khả năng bảo vệ là khối lượng vũ khí, trang bị Su-25 có thể mang theo. Tải trọng vũ khí treo ngoài tối đa của Su-25 khi cất cánh khoảng 4,4 tấn và khả năng sử dụng cả vũ khí thông thường và thông minh tạo ra hỏa lực áp chế mặt đất cực mạnh.

Khác với thiết kế của máy bay CAS A-10 Warthog của Mỹ sử dụng pháo 30mm là vũ khí trung tâm, thì Su-25 sử dụng các loại bom, rocket, tên lửa treo ngoài là vũ khí chính.

Ngoài ra, máy bay Su-25 còn có điểm mạnh là nhờ kết cấu nhỏ gọn nên có tần suất cất và hạ cánh cao, chi phí rẻ hơn nhiều so với các dòng tiêm kích-bom hạng nặng như Su-24 và Su-34. Tại chiến trường Syria, Su-25 có thể thực hiện nhiều phi vụ trong ngày so với chỉ khoảng 2 phi vụ đối với máy bay Su-24 và Su-34.

"Có những việc giết gà thì không cần tới dao mổ trâu. Một phi đội máy bay cường kích hạng nhẹ sẽ mang lại hiệu quả hơn việc sử dụng máy bay ném bom hạng nặng rải hàng tấn bom chỉ để tiêu diệt các mục tiêu riêng lẻ lẩn trốn trong hầm ngầm dưới mặt đất", chuyên gia quân sự Nga Dmitry Litovkin đánh giá về hoạt động của máy bay Su-25 tại Syria.

Sự lột xác trên Su-25SM3

Một trong những điểm nâng cấp đáng kể nhất trên Su-25SM3 là việc được nâng cấp hệ thống ngắm bắn chiến thuật SVP-24 Hephaestus. Hệ thống này giúp nâng cao đáng kể độ chính xác của các đợt tấn công sử dụng vũ khí không điều khiển.

"Hệ thống dẫn bắn mới giúp vũ khí thông thường có độ chính xác cao như các dòng vũ khí có điều khiển. Điều quan trọng hơn là SVP-24 có kết cấu đơn giản nên dễ dàng tích hợp vào bất kỳ máy bay Su-25 nào để tăng hiệu quả chiến đấu", chuyên gia D. Litovkin nhận xét.

Về nguyên tắc, SVP-24 liên tục tính toán khoảng cách giữa máy bay và mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS; tính toán sai số do môi trường như: Áp suất, độ ẩm, tốc độ gió và thông tin bổ sung từ máy bay đồng minh, để đưa ra phương án tấn công chính xác nhất.

Phi công chỉ cần điều khiển máy bay theo các tham số do SVP-24 đưa ra, vũ khí sẽ được đưa tới mục tiêu với sai số khoảng 5m. Đó thực sự là con số ấn tượng.

Sự lột xác ngoạn mục của xe tăng bay Su-25SM3 - Ảnh 3.

Buồng lái hiện đại của Su-25SM3.

Sự lột xác ngoạn mục của xe tăng bay Su-25SM3 - Ảnh 4.

Các đơn vị Su-25SM3 tham chiến tại Syria.

Cùng SVP-24, Su-25SM3 còn được trang bị hệ thống định vị quang-điện tử SOLT-25 giúp máy bay có khả năng chiến đấu tốt trong điều kiện khắc nghiệt, bất kể ngày đêm.

"Với SOLT-25, máy bay Su-25SM3 đã có hệ thống cảm biến ảnh nhiệt, cũng như đo xa la-de. Hệ thống sẽ tự động nhận diện mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và đưa ra gợi ý cho phi công. Vấn đề còn lại của phi công chỉ là nhấn nút để SOLT-25 làm việc", Giáo sư thuộc Học viện Khoa học Quân sự Nga, Vadim Kozulin đánh giá.

Trên Su-25SM3, ngoài những nâng cấp về hệ thống dẫn bắn, khả năng bảo vệ của máy bay cũng được nâng cấp nhờ "áo giáp mềm" là hệ thống đối kháng điện tử Vitbsk do Viện nghiên cứu Samara phát triển. Vitbsk gồm một ra-đa cảnh báo sớm, cụm cảm biến cực tím để phát hiện tên lửa tiếp cận (MAWS) và thiết bị phát tín hiệu nhiễu vô tuyến cực mạnh.

Vitbsk có thể tự động nhận diện và định vị chính xác các đài ra-đa đang theo dõi máy bay. Dữ liệu cảnh báo sẽ được nạp vào máy tính và chuyển thành tham số mục tiêu, giúp Su-25SM3 tấn công bằng tên lửa chống bức xạ Kh-25MPU và Kh-58, hoặc chuyển thông tin cho các máy bay chế áp hệ thống phòng không đối phương.

Cùng với đó, Vitbsk cũng có khả năng đối phó với các đạn tên lửa tự dẫn ảnh hồng ngoại nhờ việc "gây chói" đầu dò của tên lửa và làm nó mất tín hiệu về mục tiêu.

Với những nâng cấp đáng kể, CAS Su-25SM3 sẽ tiếp tục phục vụ Quân đội Nga trong nhiều thập niên tới. Sau những thử nghiệm tại chiến trường Syria, 10 chiếc Su-25 nâng cấp lên chuẩn SM3 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Quân đội Nga ngay trong cuối năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại