Cuối năm 2017, Tập đoàn Uralvagonzavod đang tiến hành đánh giá và thử nghiệm cho gói nâng cấp dành cho xe tăng T-80 hoạt động ở vùng cực Bắc. Chính vì điểm đặc biệt này, phiên bản xe tăng T-80 hoạt động ở vùng Bắc Cực mang biệt danh đặc biệt là "Chiến binh mùa đông".
Ngày 15-3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp nhận những nguyên mẫu xe tăng T-80 đầu tiên được tối ưu để hoạt động tại Bắc Cực.
Việc nâng cấp xe tăng T-80 cũ cũng là định hướng mới của Bộ Quốc phòng Nga là thay vì lập chương trình nghiên cứu vũ khí mới tiêu tốn nhiều ngân sách và hiệu quả chưa được kiểm chứng, thì tập trung nguồn lực nâng cấp các loại khí tài quân sự đang được niêm cất từ thời Liên Xô, đặc biệt là xe tăng.
Sau những năm phát triển nóng từ thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô là quốc gia sở hữu số lượng xe tăng hùng hậu nhất thế giới với khoảng 18.200 xe và chúng trong tương lai gần vẫn là xương sống của Lục quân Nga.
Xe tăng T-80 trong Triển lãm quân sự quốc tế ARMY 2017.
"Nắm đấm thép" của Lục quân Liên Xô
Xe tăng T-80 được biết tới là dòng xe tăng được thiết kế đặc biệt chuyên cho nhiệm vụ đấu tăng trên những bình nguyên rộng lớn ở châu Âu. Những kinh nghiệm xương máu trong Thế chiến 2 ảnh hưởng sâu sắc tới thiết kế xe tăng của Liên Xô với việc đề cao khả năng cơ động của xe, kích thước xe nhỏ, gọn và hỏa lực mạnh.
Thiết kế của xe tăng T-80 cũng theo xu hướng này và khả năng cơ động của xe được tăng đáng kể nhờ việc trang bị động cơ phản lực, bên cạnh phiên bản động cơ đốt trong truyền thống.
Xe tăng T-80 bắt đầu được trang bị cho lục quân Liên Xô từ giữa những năm 1970. Ở thời điểm được trang bị, T-80 chính là dòng xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ phản lực. Binh sĩ Liên Xô cho biết, đặc điểm dễ nhận biết nhất của dòng xe tăng này là âm thanh do động cơ tạo ra giống như tiếng máy bay phản lực chuẩn bị cất cánh.
Ở thời điểm đó, xe tăng T-80 với động cơ phản lực có nhiều ưu việt so với xe tăng truyền thống ở việc xe chỉ cần 3 phút đã có thể chuyển trạng thái chiến đấu, thay vì 30 phút như trên xe tăng T-72 sử dụng động cơ đốt trong.
Ngoài ra, T-80 còn có khả năng cơ động việt dã hơn hẳn các dòng xe tăng khác của Liên Xô thời điểm đó. Xe có thể đạt vận tốc 70km/giờ trên mọi địa hình, đây là mốc tốc độ mà đến tận xe tăng T-14 Armata hiện tại mới có khả năng tương tự. Động cơ mới nhẹ hơn, nhưng công suất lớn đã giúp giảm trọng lượng xe tăng T-80 xuống còn 40 tấn với dự trữ hành trình khoảng hơn 500km.
Một lợi điểm khác của động cơ phản lực trên xe tăng T-80 là có thể sử dụng mọi loại nhiên liệu hóa thạch. Điều này giúp giảm khả năng phụ thuộc của xe vào lực lượng hậu cần và có thể sử dụng ngay nhiên liệu của đối phương để tiếp tục hoạt động.
Khác biệt của xe tăng T-80 so với các đơn vị xe tăng T-72 là nó được thiết kế cho các mũi tấn công đột kích thọc sâu. Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng triển khai hơn 4.000 xe tăng T-80 ở khu vực biên giới phía Tây và Đông Đức.
Lực lượng thiết giáp đột kích này cho phép trong vài ngày, Quân đội Liên Xô có thể tấn công phủ đầu phương Tây tới tận biên giới nước Anh, nếu chiến tranh xảy ra.
Vai trò của xe tăng T-80 chỉ giảm bớt khi Liên Xô tan rã, nguy cơ chiến tranh tổng lực không còn. Quân đội Nga sau năm 1991 bắt đầu cải tổ và phần lớn lực lượng xe tăng T-80 được chuyển trạng thái niêm cất trong các kho quốc phòng.
Vai trò mới của "Chiến binh mùa đông"
Đại diện Tập đoàn Uralvagonzavod cho biết, trong gói nâng cấp mới nhất, các chuyên gia kỹ thuật đã giải quyết được vấn đề quan trọng đối với xe tăng T-80 sử dụng động cơ phản lực là việc nó sử dụng quá nhiều nhiên liệu.
Khi cơ động trên cùng một địa hình, xe tăng T-80 trang bị động cơ phản lực tiêu tốn lượng nhiên liệu gấp 2-4 lần so với xe tăng T-72 sử dụng động cơ đốt trong chạy diesel. Sau khi được nâng cấp, xe tăng T-80 đã có mức độ sử dụng nhiên liệu tương đương với xe tăng T-72 nhờ việc tách rời động cơ chính với động cơ phụ phát điện trên xe.
Việc gộp hết động lực chính trên xe tăng T-80 vào động cơ phản lực như thiết kế những năm 1970 đã khiến động cơ luôn phải hoạt động hết công suất kể cả khi xe đứng yên hay cơ động. Đây chính là vấn đề gây tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Cùng với đó, nhờ sự tương đồng về hệ thống điều khiển hỏa lực, ngắm bắn của xe tăng T-80 được thay thế bằng các hệ thống tương tự đang lắp trên xe T-90. Với thiết bị ngắm bắn quang-ảnh nhiệt hiện đại, đo xa la-de đã cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu của xe tăng T-80 nâng cấp trong mọi điều kiện ngày đêm.
Lớp giáp bảo vệ của xe cũng được gia cường bằng lớp giáp phản ứng nổ mới, tăng cường khả năng sống sót.
Ngoài ra, thiết kế trong khoang của xe cũng được bổ sung thêm lớp cách nhiệt giúp tổ lái làm việc bình thường trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực (nhiệt độ thông thường tại Bắc Cực khoảng -40 độ C). Pháo chính và hỏa lực đồng trục của xe tăng T-80 nâng cấp vẫn được giữ nguyên do uy lực chưa bị suy giảm của nó.