Sự cao tay của Nga khiến ông Biden phải tung loạt “đòn” rắn đối phó?

Vũ Thu Hương |

Chính sách của ông Biden được cho có thể sẽ khiến Mỹ đối đầu với Nga mạnh mẽ hơn so với những gì Mỹ đã làm với Liên Xô cũ trong một loạt các vấn đề.

Sắp có cuộc đấu trí "vô tiền khoáng hậu"?

Theo Moscow Times, với việc ông Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của Mỹ và ông Putin cho phép sửa đổi hiến pháp gần đây và mở ra khả năng ông có thể ở lại Điện Kremlin đến năm 2036, điều này mở ra khả năng đây sẽ là một trong những mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt nhất giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.

Về chính sách đối ngoại với Nga, Tổng thống đắc cử Biden thường được so sánh với ông Barack Obama. Tuy nhiên, kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của ông Biden còn có bề dày hơn nhiều.

Với người đàn ông 78 tuổi, Chiến tranh Lạnh không phải là điều mà ông học được từ sách vở, như ông Obama, mà là điều thực sự ông đã trải qua. Được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1972, ông Biden đến thăm Moscow vào năm 1979, khi ký kết hiệp ước SALT-2, và sau đó gần một thập kỷ, ông Biden lại thăm Nga sau khi ký kết hiệp định INF.

Bức ảnh được chụp trong chuyến công du của ông Biden với Andrei Gromyko, người phụ trách ngoại giao Liên Xô đã gây xôn xao mạng xã hội Nga kể từ ngày 3/11.

Có một sự khác biệt lớn giữa ông Biden và ông Obama khi nói đến Nga: Với ông Biden, cuộc đối đầu hiện tại với Moscow là sự tái hiện của Chiến tranh Lạnh. Và cũng giống như chính Chiến tranh Lạnh, chiến thắng là điều Mỹ luôn đặt ra.

Tất nhiên, ông Biden không “đồng nhất” Nga với Liên Xô. Là một thượng nghị sĩ Mỹ, một chủ tịch lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và một phó tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ, ông đã tham gia mật thiết vào các vấn đề thế giới trong gần nửa thế kỷ.

Có điều, trong khi ông Biden xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ, ông lại gọi Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.

Dù ông Biden mô tả nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ và sức mạnh quân sự thuộc “hạng hai”, không thể cạnh tranh với phương Tây, nhưng ông cho rằng Moscow có thể làm suy yếu nội bộ các nước phương Tây; phá hoại sự thống nhất của các tổ chức như NATO và Liên minh châu Âu, thậm chí lật đổ trật tự thế giới tự do.

Tuy nhiên, ông Biden không từ bỏ Nga. Theo quan điểm của ông Biden, Nga không nên bị dồn vào chân tường vì 2 lý do: Một là nước này quá nguy hiểm đối với Mỹ. Thứ hai, điều duy nhất giúp ông Putin nắm quyền là chủ nghĩa dân tộc và trong đó có nhiệm vụ phòng vệ trước Mỹ. Cuối cùng, ông Biden tin rằng Nga sẽ nhận ra rằng nước này cần đến phương Tây.

Những điều này mang tới một cái nhìn sâu sắc về chính sách tương lai của ông Biden đối với Nga và chính sách đó có thể liên tưởng tới việc củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ; gây sức ép lên Nga...

Sự cao tay của Nga khiến ông Biden phải tung loạt “đòn” rắn đối phó? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin

Chính sách của ông Biden được cho là sẽ có thể đối đầu với Nga mạnh mẽ hơn so với những gì Mỹ đã làm với Liên Xô cũ trong một loạt các vấn đề từ Ukraine, Belarus, Moldova đến Nam Caucasus và Trung Á.

Gần đây, ông Biden đã rất lên tiếng ủng hộ phe đối lập Belarus và chỉ trích mạnh vai trò của Nga ở Nagorno-Karabakh. Những xích mích giữa Mỹ và Nga ở tất cả các khu vực là điều khó tránh.

Ông Biden sẽ áp dụng sách lược nào?

Chiến thắng của ông Biden hứa hẹn một chính sách đối phó với Nga trong liên minh NATO chặt chẽ hơn. Trong vài tháng qua, lập trường của các nước châu Âu đối với Nga đã cứng rắn hơn đáng kể, đưa châu Âu đến rất gần với quan điểm của Mỹ.

Đức, từng là nước ủng hộ Nga ở phương Tây, đã chỉ trích mạnh các chính sách của Điện Kremlin với châu Âu và là người khởi xướng các chiến dịch trừng phạt Nga.

Một kế hoạch khác có thể đến từ tổng thống thứ 46 đó là việc triển khai ở châu Âu các hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ và mục tiêu hướng đến là các trung tâm chỉ huy và tài sản chiến lược của Nga ở cự ly rất gần.

Ông Biden ủng hộ việc kiểm soát vũ khí, bao gồm cả việc gia hạn Hiệp ước START mới do Chính quyền Obama đàm phán, nhưng ông cũng ủng hộ các cuộc đàm phán về vũ khí.

Các cuộc đàm phán với Nga, dưới thời ông Biden, sẽ khó khăn như bất kỳ cuộc đàm phán nào trong lịch sử.

Sự hòa hoãn căng thẳng tạm thời với Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của ông Biden chắc chắn sẽ gia tăng áp lực địa chính trị đối với Nga.

Trong chính sách của ông Biden, Nga không phải là trung tâm nhưng cũng không thể vắng mặt. Mục tiêu cuối cùng dường như là việc làm suy yếu quan hệ gần gũi của Nga với Trung Quốc và đưa các quốc gia này trở lại vị trí phụ thuộc vào phương Tây.

Khác với nhiều nhận định của truyền thông, ông Joe Biden là một chuyên gia chính sách đối ngoại dày dạn, một nhà tư tưởng chiến lược.

Sát cánh và hỗ trợ ông Biden là một nhóm phụ tá đầy tham vọng và tràn đầy năng lượng mong muốn để lại dấu ấn của mình trong chính sách đối ngoại của Mỹ với thế giới. Nhiệm kỳ của ông Biden sẽ trùng với phần còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin.

Trong khoảng thời gian đó, ông Putin hẳn phải đưa ra quyết định mang tính quyết định của mình trong cuộc bầu cử năm 2024, và rất nhiều điều sẽ diễn ra từ bây giờ đến lúc đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại