Su-57 và Su-35 Nga liên thủ “hạ gục” F-35 Mỹ: Có thể bằng cách nào?

Tú Anh |

Trong lần triển khai mới nhất tới Syria, Su-57 Nga đã lãnh trách nhiệm đặc biệt khi giữ vai trò là máy bay chỉ huy trong đội hình chiến đấu cùng với các máy bay Su-35.

Cuối tháng 6/2020, hãng thông tấn TASS dẫn các nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga đã tái triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57 tới chiến trường Syria.

Trong lần triển khai này, Su-57 lãnh trách nhiệm đặc biệt khi giữ vai trò là máy bay chỉ huy trong đội hình chiến đấu cùng với các máy bay Su-35.

“Hoạt động thử nghiệm được thực hiện trong các điều kiện tác chiến thực tế. Một nhóm máy bay Su-35 đã tham gia đội hình dưới sự chỉ huy của Su-57”, các nguồn tin thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Nguồn tin quốc phòng của TASS cũng xác nhận, trong quá trình thử nghiệm tác chiến ở Syria, Su-57 và Su-35 đã thực hiện trao đổi thông tin thời gian thực khi các cảm biến lắp đặt trên mỗi dòng máy bay tự động chuyển giao dữ liệu cho nhau.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập Tạp chí Kho Vũ khí của Tổ quốc thì những cuộc thử nghiệm như thế này là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp Nga tích lũy được kinh nghiệm xây dựng hệ thống thông tin tích hợp cho các lực lượng vũ trang trong tương lai.

Theo đó, thông tin từ tất cả các cảm biến trên máy bay cũng như từ các hệ thống phòng không, mạng lưới vệ tinh và từ các thiết bị đặt dưới mặt đất sẽ được tích hợp về một đầu mối rồi từ đó sẽ được chuyển tải cho các lực lượng hải - lục - không quân hoạt động trên chiến trường theo thời gian thực.

Su-57 và Su-35 Nga liên thủ “hạ gục” F-35 Mỹ: Có thể bằng cách nào? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57

Su-57 được đánh giá là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 uy lực nhất hiện nay, trong khi Nga vẫn đang tiến hành thử nghiệm thêm nhiều công nghệ mới giúp nó có khả năng trở thành chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đầu tiên trên thế giới.

Trong hai năm 2018 và 2019, các máy bay Su-57 đã được Nga triển khai tới Syria để kiểm nghiệm các khả năng thực chiến tại đây.

Quân đội Nga hiện đang có hai căn cứ quân sự ở Syria, một căn cứ không quân ở Khmeimim và một cơ sở hải quân ở Tartus. Với sự hiện diện quy mô như vậy nên các lực lượng vũ trang Nga hội tụ đầy đủ các điều kiện để thường xuyên tiến hành các hoạt động thử nghiệm tác chiến.

Hơn nữa, Syria cũng là môi trường có sự hiện diện dày đặc các máy bay chiến đấu và trinh sát đối phương nên chúng “nghiễm nhiên” trở thành những mục tiêu lý tưởng cho phép Nga thử nghiệm các hoạt động tác chiến kiểu “bầy đàn”.

Thế nhưng, các nguồn tin của TASS không nói rõ Nga đã thử nghiệm khả năng hiệp đồng giữa Su-57 và Su-35 khi nào và ở đâu tại Syria hay “những điều kiện tác chiến thực tế” nghĩa là gì.

Chuyên gia quân sự Murakhovsky cho biết, Mỹ cũng đang tiến hành các hoạt động tương tự với các dòng máy bay chiến đấu F-35 của mình.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cả Nga và Mỹ chưa nước nào có thể phát triển được một hệ thống thông tin đơn nhất như vậy có khả năng điều khiển binh lính thuộc mọi quân binh chủng vì những trở ngại trong việc xây dựng một định dạng dữ liệu duy nhất cho tất cả các đơn vị khác nhau của lực lượng vũ trang là vô cùng lớn.

Su-35 Nga ngăn chặn máy bay tuần thám biển P-8A của Hải quân Mỹ trên biển Địa Trung Hải

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại