Su-30SM vừa "gục ngã" ở Syria: Tổn thất nặng nề nhất của Không quân Nga

N. Tuấn Sơn |

Một chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM rất hiện đại của Nga vừa đâm đầu xuống biển ở Syria khiến cả 2 phi công điều khiển thiệt mạng.

Nguyên nhân tại sao tiêm kích Su-30SM Nga bị rơi ở Syria hiện vẫn chưa rõ (có thể là va phải chim), tuy nhiên, đây là dòng máy bay chiến đấu rất hiện đại, đang ngày đêm canh giữ bầu trời Syria, hộ tống cho các loại máy bay khác tiến hành oanh kích các mục tiêu của lực lượng khủng bố IS cũng như các nhóm phiến quân đối lập với chính quyền của Tổng thống Assad.

Thậm chí, ngoài nhiệm vụ trực ban phòng không và hộ tống các máy bay quân nhà, Su-30SM cũng đã tham gia tấn công các mục tiêu mặt đất ở Syria nhờ hệ thống ngắm bắn tối tân đi kèm các loại vũ khí có điều khiển chính xác.

Các phi công Mỹ được cho là phải "nhịn" máy bay Nga hết cỡ nếu vô tình, hoặc ngẫu nhiên chạm trán trên bầu trời Syria. Mỹ đã khôn ngoan tránh các xung đột trên không.

Su-30SM vừa gục ngã ở Syria: Tổn thất nặng nề nhất của Không quân Nga - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30SM của Nga hoạt động ở Syria.

Những đặc điểm vượt trội của Su-30SM

Tính năng khí động học và khả năng thao diễn siêu hạng: Nhờ cặp cánh mũi đặc trưng cùng với động cơ điều khiển véc tơ lực đẩy, Su-30SM có khả năng cơ động ở dải tốc độ cực thấp hay thực hiện động tác lộn vòng và xoay vòng cũng như phức hợp các động tác mà không phụ thuộc vận tốc bay như Su-30MK2 hay Su-27.

Su-30SM có độ ổn định về khí động học của Su-30SM cực tốt, nó có thể đánh chặn các mục tiêu bay siêu âm nhưng cũng lại là "khắc tinh" của các mục tiêu bay cỡ nhỏ, tốc độ chậm. Điều này đã được phát huy triệt để ở chiến trường Syria khi Su-30SM xuất kích bám sát một máy bay không người lái tiến công MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ.

Phi công Nga đã không khóa bắn mặc dù họ có thừa khả năng diệt nó, thậm chí chỉ cần dùng pháo 30mm là đủ. Điều đáng nói, tốc độ bay hành trình của MQ-9 Reaper khá thấp, chỉ cỡ trên 300km/h (tối đa 482km/h), thế nhưng Su-30SM vẫn "lầm lũi" bay sau giám sát nó trong một thời gian dài, điều mà ít có máy bay chiến đấu thế hệ 4 nào của phương Tây làm được.

Thiết bị điện tử hàng không và radar cực mạnh: Trái tim trang bị trên khoang của máy bay tiêm kích Su-30SM là radar hàng không. Tuy chưa có thông tin xác nhận chính thức từ Nga, nhưng nhiều khả năng chúng được lắp radar quét mảng pha thụ động đa kênh đa chế độ N-011M.

Su-30SM vừa gục ngã ở Syria: Tổn thất nặng nề nhất của Không quân Nga - Ảnh 2.

Radar NIIP N-011M BARs trên Su-30MKI.

Nó có chế độ khẩu độ tổng hợp để quét tầm soát mục tiêu mặt đất cho các nhiệm vụ tấn công ngoài chức năng chính của một radar không chiến. Radar có tầm trinh sát tối đa 400km (với mục tiêu là máy bay cỡ lớn); hoặc 100km ở bán cầu trước, 55km ở bán cầu sau (với máy bay có diện tích phản xạ radar nhỏ) trong chế độ không đối không.

Ngoài ra, Su-30SM được trang bị trạm quan sát quang - hồng ngoại OLS-30 với khả năng phát hiện máy bay địch ở khoảng cách đến 50km cũng như tuỳ chọn nhiều loại pod gây nhiễu tối tân nhất của cả Nga lẫn phương Tây nhờ nền tảng kiến trúc mở.

Vũ khí hàng không tiên tiến: Su-30SM có thể mang được tất cả các loại vũ khí gồm tên lửa, bom trang bị cho máy bay chiến đấu của Không quân Nga với tổng tải trọng là 8 tấn. Với 12 giá treo trên thân và trên cánh, tùy theo yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể mà người ta sẽ lắp cho chúng các vũ khí cần thiết.

Đàn anh của Su-30SM đã khiến phi công phương tây "lắc đầu lè lưỡi"

Su-30MKI của Ấn Độ (tiền thân của Su-30SM Nga) đã đả bại một trong những máy bay tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu châu Âu là EF-2000 Euro Fighter của Không quân Hoàng gia Anh.

Trước đó, Su-30MKI cũng khiến cho các máy bay tiêm kích F-15 "tơi tả" trong các cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn, phi công Mỹ cũng phải lắc đầu lè lưỡi trước khả năng đánh quần vòng siêu hạng của Su-30MKI, điều mà các phi công Anh mới vừa được nếm trải.

Nhờ kế thừa những đặc tính khí động học tuyệt vời, radar hàng không nâng cấp cùng nhiều trang thiết bị mới, chắc chắn Su-30SM sẽ còn mạnh hơn cả Su-30MKI.

Chính vì thế nếu Su-30SM Nga thực sự xuất trận đọ sức với các máy bay chiến đấu thế hệ 4, 4+ của phương Tây thì chắc chắn nó sẽ làm được điều tương tự và thậm chí còn tốt hơn nhiều đàn anh Su-30MKI của nó.

Tuy nhiên, vụ việc được cho là tai nạn vừa rồi đã khiến Không quân Nga tổn thất nặng nề, bởi không chỉ mất một chiếc tiêm kích tối tân trị giá ước tính trên 50 triệu USD (giá nội bộ của Nga, không phải giá xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài), mà họ còn mất 2 phi công dày dạn kinh nghiệm - vốn quý nhất.

Chưa kể, về lâu dài, sự kiện này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới danh tiếng và tiềm năng xuất khẩu của dòng máy bay Su-30SM này.

Su-30SM vừa gục ngã ở Syria: Tổn thất nặng nề nhất của Không quân Nga - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại