Trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng, việc liên doanh chế tạo tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) BrahMos tuyên bố đã nhận được giấy phép cuối cùng đưa loại vũ khí này vào hoạt động là một thông tin rất đáng chú ý.
BrahMos là dự án liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ và tập đoàn NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga, được đặt theo tên gọi của 2 dòng sông Brahmaputra và Moskva ở hai nước.
Tên lửa có tốc độ tối đa từ Mach 2.8 đến Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh) và được đánh giá là một trong những dòng tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới hiện đang được sử dụng thực tế.
BrahMos đang nổi lên như một lựa chọn tối ưu trong chiến tranh hiện đại nhờ sức hủy diệt kinh hoàng, vận tốc và độ chính xác cao của nó.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, tên lửa BrahMos đã chứng tỏ là vũ khí có thể làm gia tăng sức mạnh trong các môi trường tác chiến hiện đại, phức tạp nhờ khả năng chống hạm và tấn công mặt đất "hoàn hảo".
Ngày 22/11/2017, tiêm kích Sukhoi-30 MKI của Không quân Ấn Độ lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Chiếc máy bay cất cánh từ Căn cứ không quân Kalaikunda ở bang Bengal phía Tây Ấn Độ đã tấn công và tiêu diệt nhanh gọn một chiếc tàu mục tiêu trên Vịnh Bengal.
Với kết quả từ cuộc thử nghiệm này, Ấn Độ bắt đầu đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện bộ 3 tên lửa hành trình chiến thuật phóng từ trên biển, trên không và trên bộ.
Su-30MKI phóng tên lửa BrahMos. Ảnh: Aeromag
Kể từ tháng 6/2001, ngoài các đợt thử nghiệm phát triển, Quân đội Ấn Độ đã 26 lần phóng tên lửa BrahMos từ các phương tiện hải quân khác nhau, 23 phóng thử cho Lục quân và 6 lần phóng thử cho Không quân.
Để tích hợp lên máy bay chiến đấu Su-30 MKI, BrahMos đã trải qua nhiều lần cải tiến quan trọng, gồm cả việc giảm trọng lượng từ 2,9 tấn ban đầu xuống còn 2,5 tấn.
Một tên lửa BrahMos-ER (tầm bắn mở rộng) đã được Ấn Độ thử nghiệm hồi tháng 3/2017 có tầm bắn trên 400 km và một vụ thử nữa với tầm bắn 900 km được tiến hành vào năm 2019. Đó là chưa kể tới một phiên bản tên lửa siêu âm BrahMos-2 cũng đang được Ấn Độ phát triển.
Nhờ kết quả của những phát triển này, khả năng thực hiện các đòn tấn công chính xác từ xa của Ấn Độ đã gia tăng đáng kể. BrahMos có thể nổi lên như là những "sát thủ" diệt tàu sân bay của Ấn Độ trong tác chiến hải quân.
Tên lửa BrahMos-A phóng từ trên không có tầm hoạt động ước tính từ 300 - 400 km và có thể được thả từ độ cao 1.640 - 46.000 feet.
Su-30 và BrahMos, bản thân chúng đều là những vũ khí vốn dĩ đã rất uy lực. Thế nhưng, khi một trong những máy bay chiến đấu siêu hạng nhất của thế giới được trang bị một dòng tên lửa hành trình có sức hủy diệt ghê gớm thì sức mạnh của chúng sẽ được nhân lên gấp bội phần.
Tốc độ nhanh hơn đạn - 3.000 km/h của BrahMos đồng nghĩa với việc nó có thể bắn trúng mục tiêu với một sức công phá động năng khổng lồ. Trong các cuộc thử nghiệm, mỗi quả tên lửa BrahMos thường xé đôi các tàu chiến và biến các mục tiêu mặt đất thành tro bụi. Vận tốc 2.100 km/h của Su-30MKI sẽ tăng thêm lực phóng cho tên lửa, biến nó thành sức mạnh hủy diệt.
Một cuộc tấn công bằng hai phi đội Su-30MKI, chỉ trong vòng vài phút, có thể làm tê liệt hoàn toàn các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Pakistan; các nhà máy điện hạt nhân; kho đạn trung tâm Sargodha ở phía Tây Lahore.
Nếu phải đối phó với Trung Quốc, chiến thuật sử dụng bộ đôi Sukhoi - BrahMos có thể không đạt được kết quả tương tự vì các mục tiêu của Trung Quốc nằm sâu bên trong đất liền hoặc trên bờ biển phía Đông.
Tuy vậy, cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc ở Tây Tạng và các tuyến đường sắt chiến lược của nước này vẫn có thể dễ dàng bị Ấn Độ phá hủy.
Tên lửa hành trình BrahMos lần đầu tiên được phóng thử thành công từ tiêm kích Su-30MKI