Cổng thông tin Defense Research Wing vào cuối tháng 5/208 cho biết, máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã phát hiện được tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc khi nó bay qua Tây Tạng.
Theo thông báo thì sự kiện trên xảy ra vào tháng 1/2018, khi máy bay chiến đấu Trung Quốc tập luyện không chiến gần biên giới Ấn Độ. Các phi công Ấn Độ đã theo dõi cuộc diễn tập từ không phận của mình, họ nói rằng radar Su-30MKI có thể nhận biết được máy bay tàng hình.
Mặc dù không nói rõ rằng radar của Su-30MKI phát hiện được J-20 từ khoảng cách bao xa, nhưng nó vẫn gây ra nhiều nghi ngờ về chất lượng của chiếc tiêm kích tàng hình do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển. Bởi điều này đồng nghĩa với việc tính năng kỹ chiến thuật của dòng chiến đấu cơ J-20 còn xa mới đạt tới mức thần diệu như những gì Bắc Kinh vẫn tuyên bố.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc mang thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar dưới bụng khi huấn luyện
Phía Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào để đáp trả những phát ngôn từ phía Không quân Ấn Độ, tuy nhiên cách trả lời của họ có vẻ còn mang sức nặng hơn rất nhiều.
Kênh truyền hình Trung ương CCTV của Trung Quốc vừa đăng tải đoạn video ghi lại cuộc tập trận của chiếc tiêm kích tàng hình J-20 trong biên đội hỗn hợp cùng với các máy bay chiến đấu J-16 và J-10.
Nội dung của cuộc diễn tập trên đó là chiếc J-20 dựa vào khả năng lẩn tránh radar của mình làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, tiêu diệt tiêm kích đối phương để J-10 và J-16 tấn công phá hủy mục tiêu mặt đất.
Chi tiết đáng chú ý nhất ở chiếc J-20 đó là nó lại đeo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar (luneberg lens) dưới bụng như một biện pháp "giấu bài". Việc làm trên không nhằm mục đích nào khác ngoài che giấu tham số mật để bảo toàn lợi thế cho mình và gây bất ngờ cho kẻ địch khi xung trận.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Không quân Trung Quốc đeo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar dưới bụng khi huấn luyện tác chiến
Khí tài "Luneburg lens" cấu tạo bởi một ống đối xứng hình cầu có khả năng phản xạ hoặc hội tụ sóng tùy theo hướng phát, chức năng năng giả lập diện tích phản xạ radar để đánh lừa phương tiện trinh sát đối phương.
Nói cách khác, khi đeo "Luneburg lens" tức là máy bay tàng hình đã thực hiện thao tác "chấp điểm lợi thế", vì khi đó tín hiệu phản xạ radar của nó đã tăng vọt khiến kẻ địch có thể nhìn thấy nó dễ dàng hơn.
Như vậy khả năng cao là radar N011M BARS của Su-30MKI đã thu được tín hiệu phản xạ lại từ khí tài "chấp điểm lợi thế" của J-20 chứ không phải đã thực sự phát hiện ra nó.
Tính năng kỹ chiến thuật của chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Không quân Trung Quốc vẫn được bao quanh bởi một lớp màn sương khói đầy bí mật khi trong mọi cuộc tập trận nó đều cố gắng "giấu bài", nhưng trước mắt J-20 đã chứng tỏ rằng mình không phải là thứ vũ khí mà đối phương có thể coi thường.