Su-30MKI có thể rơi vì bị tấn công mạng?

Đại tá Phan Văn Từ (Nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) |

Nếu Ấn Độ phạm phải những "điều cấm kỵ" dưới đây thì chiến đấu cơ Su-30MKI của họ hoàn toàn có thể bị tấn công điện tử.

Gần đây các phương tiện thông tin có đưa tin về vụ máy bay tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ bị rơi gần khu vực biên giới giáp Trung Quốc.

Nguyên nhân vụ việc đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức. Trong khi đó, trang mạng India Defence News dẫn lời một số chuyên gia Mỹ nhận định, Su-30MKI của Ấn Độ có thể đã bay vào vùng có hoạt động tác chiến không gian mạng.

Thực hư chuyện này như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu.

Su-30MKI có thể rơi vì bị tấn công mạng? - Ảnh 1.

Mảnh vỡ của máy bay Su-30MKI rơi gần biên giới Trung-Ấn (Ảnh: Không quân Ấn Độ)

Su-30 của Nga và Su-30 Ấn Độ có gì khác?

Trước hết, ta nói về dòng tiêm kích Su-30 của Nga. Đây là dòng tiêm kích rất hiện đại, đã được Nga đưa vào trang bị cho quân đội và xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Ta nói qua một chút về các hệ thông điều khiển trên máy bay nói chung. Thông thường, trên các máy bay có 2 hệ thống điều khiển song song:

- Hệ thống điều khiển cơ khí; Đây là hệ thống truyền động dựa vào dây cáp để truyền tác động lái của phi công từ cần lái đến các cánh điều khiển. Nó còn được gọi là hệ thống lái bằng tay.

- Hệ thống lái tự động dựa trên các thiết bị điện tử, điện cơ, thủy lực, khí nén. Hệ thống này được điều khiển bằng một máy tính chuyên dụng và thay vì dịch cần lái, phi công chỉ cần đưa tín hiệu điều khiển vào hệ thống đó, không cần trực tiếp tác động được vào cơ cấu lái.

Công nghệ tiên tiến trên Su-30MKI và Su-30SM

Hệ thống điều khiển cơ khí có nhiều nhược điểm như cồng kềnh, chiếm nhiều không gian và nếu trang bị trên máy bay có tốc độ vượt âm thì hệ thống cáp bị nung nóng, giãn nỡ, khiến cho việc điều khiển thiếu chính xác.

Hiện nay, hệ thống điều khiển tự động lái đã được chế tạo với nhiều phần tử trang bị có độ tin cậy cao và lại có độ dự phòng, theo như tài liệu Nga là gấp 4 lần nên xác suất hỏng hóc là rất nhỏ - 10-7, nghĩa là hầu như không có hỏng hóc.

Điều đó có thể cho phép các nhà thiết kế từ bỏ hệ thống điều khiển cơ khí trên máy bay tiêm kích nhưng cũng làm phát sinh vấn đề: Mặc dù phi công có thêm thời gian để tập trung tác chiến nhưng nếu hệ thống lái có trục trặc thì phi công không thể làm được gì ngoài bấm nút nhảy dù.

Do vậy, mặc dù có nhược điểm nhưng hệ thống cơ khí vẫn được sử dụng trên các máy bay dân dụng hiện đại như Airbus hay Boeing và phi hành đoàn của loại máy bay này không được trang bị dù.

Để đảm bảo độ tin cậy với xác suất hỏng hóc rất nhỏ, người Nga đã phải làm gì trên Su-30? Theo tôi biết thì trên các thiết bị quân sự, người Nga không dùng linh kiện của các nước khác, nhất là những linh kiện quan trọng.

Dự án tên lửa phòng không hiện đại S-300 từng bị chậm lại khoảng 1 năm, nguyên nhân là do ngành điện tử của Nga chưa nghiên cứu chế tạo kịp một con chip do các nhà thiết kế yêu cầu. Con chip tương tự có thể bán trên thị trường nhưng người Nga kiên quyết không dùng.

Máy tính trang bị trên các thiết bị quân sự là máy tính chuyên dụng với hệ điều hành riêng và mã nguồn bí mật. Dù có bán trang bị thì hầu như Nga cũng không bao giờ chịu trao đổi mã nguồn. Với cách làm như vậy, các trang bị quân sự của Nga nói chung và máy bay tiêm kích Su-30 nói riêng rất khó bị tấn công điện tử thông thường, ngoại trừ việc chế áp điện tử.

Nhưng đối với phiên bản Su-30MKI thì vấn đề hơi khác. Trước hết, nói về 3 chữ viết tắt, nó có nghĩa là mẫu tiêm kích thương mại phiên bản Ấn Độ.Tại sao người ta lại gọi như vậy? Đây có thể là ẩn ý của người Nga để phần nào họ không chịu trách nhiệm về chất lượng của dòng tiêm kích này.

Su-30MKI được Nga cho phép Ấn độ lắp ráp theo giấy phép, thực ra là Ấn độ mua của Nga những phần cơ bản, còn với các thiết bị trên khoang, Ấn Độ nhập từ nhiều nước khác nhau.

Hai cách tấn công điện tử

Hiện nay có 2 cách tấn công điện tử phổ biến:

- Cách không lây nhiễm hay là cách dùng chip gián điệp: Cách này rất nguy hiểm và hầu như chưa có phương pháp chống lại hữu hiệu.

Su-30MKI có thể rơi vì bị tấn công mạng? - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Sergei Skorobogatov thuộc ĐH Cambridge từng phát hiện chip Actel/ Microsemi ProASIC3 A3P250 (PA3) do Mỹ thiết kế và Trung Quốc sản xuất có chứa một "cổng hậu" hay phần mềm gián điệp. PA3 được sử dụng trong các phần mềm vũ khí, dẫn đường, điều khiển bay...

Chúng, về bản chất, là những con chip thông thường ta mua về nhưng ngoài chức năng công khai, nó còn kèm theo một phần gián điệp và chỉ phá hoại vào thời điểm cần thiết.

Đặc biệt, có những con chip có khả năng thu phát tín hiệu, chúng có thể liện lạc với chủ nhân, báo cáo tình hình và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh. Biện pháp khắc phục là không mua linh kiện từ những đối tác không đáng tin cậy về mặt quan hệ cũng như trình độ công nghệ.

- Cách lây nhiễm: Đây là cách tấn công qua mạng.

Cách này chúng ta đã quen thuộc và ít nhiều đã đau đầu vì nó. Để phòng chống thì đầu tiên, máy tính chuyên dụng trên các trang bị quân sự phải dùng hệ điều hành riêng, không phổ biến. Ta biết các hacker hầu như tấn công vào máy tính có hệ điều hành Windows. Điều này không phải vì Windows yếu kém mà vì Windows quá phổ biến và hacker luôn cày xới để tìm ra lỗ hổng.

Su-30MKI có thể rơi vì bị tấn công mạng? - Ảnh 4.

Hệ thống máy tính trên máy bay chiến đấu có thể bị hacker tấn công (Ảnh minh họa).

Thứ hai, các máy tính chuyên dụng không được nối mạng và không được kết nối với máy tính hay các thiết bị đã nối mạng. Điều này rất dễ sơ suất.

Thí dụ trước mỗi chuyến bay của máy bay, kỹ thuật viên phải nối máy tính của anh ta với máy tính trên máy bay để chạy chương trình kiểm tra và giao nhiệm vụ bay. Nhưng nếu như trước đó anh ta đã nối mạng và hacker đã nhắm đến để tấn công mạng của sân bay thì vô tình anh ta đã đưa "thần chết" lên máy bay.

Một thí dụ khác như trên máy tính của máy bay có phần quản lý thiết bị giải trí cho phi công. Phi công tình cờ copy chương trình giải trí ở đâu về và cho chạy. Điều đó vô tình đưa virus vào hệ thống.

Tóm lại không rõ Ấn Độ có phạm phải những điều cấm kỵ như dùng linh kiện không rõ nguồn gốc, dùng hệ điều hành phổ biến cho máy tính trên khoang lái Su-30MKI và máy tính đó vô tình kết nối với internet hay không. Nếu xảy ra những điều đó thì không khó hiểu khi nó bị tấn công.

Như đã nói trên, nếu bị tấn công thì phi công chỉ có cách bấm nút nhảy dù vì không có hệ thống lái bằng tay nên không thể làm được gì.

Thống kê của Nga về việc vận hành Su-30MKI của Ấn độ: 55% đang sử dụng, tổng số 193 chiếc, 87 chiếc đang sửa chữa và bảo dưỡng, đã xảy ra 7 vụ tai nạn (30.04.2009, 13.11.2009, 13.12.2011, 19.02.2013, 14.10.2014, 19.05.2015, 15.03.2017).

Trong khi đó, dòng máy bay xuất xứ từ Nga, như trên đã nói, áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp an ninh nên việc tấn công mạng hay dùng chip gián điệp là rất khó khăn. Vì thế, độ tin cậy của chúng rất cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại