Đã vài ngày trôi qua kể từ khi Quân đội Nga ngăn chặn thành công một vụ tấn công khủng bố nhằm vào các căn cứ của họ ở Syria (Khmeimim và Tartus), trong đó các phần tử khủng bố đã sử dụng nhiều máy bay không người lái được chế tạo hết sức tinh vi.
Bình luận về vụ việc, Lầu Năm Góc cho rằng, các thiết bị như vậy có thể "dễ dàng mua được từ bên ngoài thị trường", trong khi Bộ Quốc phòng Nga lại tuyên bố công nghệ tiên tiến như thế chỉ có thể được cung cấp bởi một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển.
Các tổ chức khủng bố có được công nghệ đó từ đâu hiện vẫn đang được điều tra nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng tiếp cận được các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự tiên tiến, dù đôi khi hoàn toàn do may mắn.
Nhân sự kiện này, hãng tin Nga Sputnik đã điểm lại một số vụ việc điển hình mà các nhóm khủng bố ở Trung Đông đã từng sở hữu được các loại vũ khí tinh vi như vậy.
Máy bay không người lái tấn công căn cứ Nga tại Syria
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Syria
Tháng 10/2017, Bộ Quốc Syria công bố một báo cáo kèm theo đoạn video ghi lại hình ảnh các loại đạn dược tịch thu được từ nhiều tổ chức khủng bố, gồm cả Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) và
Hay'at Tahrir al-Sham (HTS – Chi nhánh Al-Qaeda ở Syria), đồng thời tuyên bố số vũ khí này đã được sản xuất tại Mỹ hoặc các đồng minh thân cận của Washington.
Báo cáo nhấn mạnh, các tổ chức khủng bố này đã được cung cấp nhiều loại "rocket, súng trường, súng máy, vũ khí phòng không và thậm chí xe tăng", đổi lại chúng phải cấp dầu cho bên các bên "viện trợ".
Sau một hồi luân chuyển, chưa rõ vô tình hay cố ý, số vũ khí trên lại trở thành nguồn vũ trang thường xuyên được liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu trang bị cho "các nhóm đối lập ôn hòa".
Tên lửa phòng không
Tháng 8/2017, Quân đội Lebanon, lực lượng tham gia tích cực vào hoạt động đánh đuổi IS khỏi vùng biên giới Đông Bắc tiếp giáp với Syria, đã phát hiện thấy hàng loạt tên lửa phòng không cùng nhiều loại vũ khí khác ở một khu vực bị bỏ hoang.
Chưa hết, Lebanon còn tịch thu được nhiều tên lửa đất đối không do các tay súng HTS bỏ lại ở khu vực bị Hezbollah đánh chiếm, sau đó chuyển giao lại cho quân đội.
Đầu năm 2013, tờ báo New York Times đưa tin, Qatar đang chuyển các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) tới Syria đồng thời cho biết những loại vũ khí này có nguy cơ rơi vào tay Al-Qaeda để bắn hạ các máy bay dân sự.
Hệ thống phòng không vác vai (MANPADS)
Xe chiến đấu bộ binh Humvee
Năm 2015, các lực lượng an ninh Iraq để đánh mất 2.300 xe chiến đấu bộ binh Humvee do Mỹ cung cấp khi thành phố Mosul phía Bắc sụp đổ. Humvee được thiết kế là các phương tiện chuyên vận chuyển binh lính và hậu cần ra chiến trường nhưng IS sau đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành các xe đánh bom liều chết mang theo chất nổ tự chế.
Kể từ đó, các xe Humvee chất đầy bom đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến thuật quân sự của nhóm khủng bố này do sức phá hủy của loại thuốc nổ tự chế cũng như khả năng di chuyển nhanh của Humvee.
Khủng bố IS bên cạnh một chiếc xe Humvee chiếm được từ quân đội Iraq
Tên lửa chống tăng
Mùa Xuân năm 2014, một năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua khoản viện trợ quân sự trực tiếp đầu tiên cho các nhóm nổi dậy tại Syria, các tên lửa chống tăng BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất bắt đầu rơi vào tay nhiều lực lượng chống Tổng thống Syria Bashar Assad.
Hậu quả là, tháng 11 năm 2015, các nhà báo Nga đã bị tấn công bởi chính những hệ thống tên lửa chống tăng này.
Vũ khí viện trợ cho người Kurd
Tháng 10 năm 2014, Lầu Năm Góc thừa nhận, một trong những chuyến tiếp viện hàng không của họ cho lực lượng chiến binh người Kurd ở thành phố Kobani thuộc tỉnh Aleppo của Syria bị bao vây đã rơi vào tay của các chiến binh IS.
Nhóm khủng bố này ngay lập tức cho đăng tải 1 video để khoe về "chiến lợi phẩm" mà chúng vừa thu giữ được – những loại vũ khí dùng để tiêu diệt chúng.
Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga thực chiến