Cả thế giới vẫn chắc mẩm Spinosaurus (hay còn gọi là Thằn lằn gai) là loài khủng long ăn cá, bơi giỏi đến nỗi gần như ở luôn dưới nước. Các nhà khảo cổ thậm chí còn phục dụng xương hóa thạch của chúng ở tư thế bơi nữa.
Chính xác là từ năm 2014, sau khi nhà cổ sinh Nizar Ibrahim tung ra một video về khủng long ăn thịt khổng lồ nhất kỷ Phấn trắng, Spinosaurus trên trang National Geographic, lý luận rằng Spinosaurus là một tuyển thủ bơi lội, chủ yếu dành thời gian săn mồi trong nước, chúng ta mới luôn tin vào điều ấy.
Thế nhưng, "Khoa học là luôn bổ sung và điều chỉnh," và điều đó cũng đúng với trường hợp của loài khủng long này.
Trong trường hợp bạn chưa biết về Spinosaurus thì nó là loài khủng long săn mồi, chủ yếu là ăn cá, sống tại Bắc Phi cách đây khoảng 97-112 triệu năm. Loài khủng long này có thân hình dài khoảng 12,6 - 18m và nặng chừng 7 - 20,9 tấn.
Spinosaurus có một cái vây khổng lồ như cánh buồm trên lưng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đó là bộ phận điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của Spinosaurus. Một số lại bảo, đó chỉ là thứ "phô trương thanh thế" để dọa nạt các loài khác.
Hộp sọ Spinosaurus dài và hẹp, tương tự đầu của cá sấu. Hàm của nó có thể mở rộng, chi chít răng nhọn, rất thích hợp cho việc đớp bắt cá. Người ta cũng tìm thấy vảy cá trong dạ dày Spinosaurus hóa thạch. Có lẽ là vì thế nên Ibrahim mới suy đoán rằng, loài khủng long này bơi rất giỏi.
Chỉ có điều, "Spinosaurus bơi lội bằng cách nào, bắt con mồi trong nước ra sao, đó vẫn là điều phức tạp mà nghiên cứu khoa học còn phải tốn công tìm hiểu," - Ibrahim tự thừa nhận.
Trong khi ai nấy đều tin vào giả thuyết của Ibrahim thì Don Henderson, một nhà nghiên cứu khác lại đầy nghi hoặc. Và để giải đáp nghi hoặc của mình, ông tự tay phục dựng mô hình 3D Spinosaurus trên máy tính.
"Khoa học là luôn bổ sung và điều chỉnh," - Henderson lý giải. Thế rồi, ông phát hiện ra lỗ hổng lớn trong giả thuyết của Ibrahim và tự tin thách thức: "Nếu Ibrahim không thể phản biện được bằng chứng của tôi thì, như kết quả thử nghiệm, Spinosaurus sẽ chết đuối nếu xuống nước".
Bởi vì: "Cấu trúc của cơ thể Spinosaurus không hề thích hợp cho việc bơi hay lặn," - nhà cổ sinh vật học Tom Holtz (người không tham gia nghiên cứu thử nghiệm với nhóm của Henderson) cho hay.
Những lý do cho thấy Spinosaurus sẽ chết chìm nếu xuống nước sâu
Điều thú vị ở đây là Henderson đã xây dựng mô hình 3D Spinosaurus dựa trên chính mô hình xương khủng long Spinosaurus trong video của Ibrahim.
Trước hết, Henderson giả sử Spinosaurus có biết bơi. Tuy nhiên, vì Spinosaurus vốn không phải là loài thở được trong nước, nên nó chắc chắn phải bơi trong tư thế giữ đầu ở bên trên mặt nước.
Kết quả cho thấy, Spinosaurus có thể làm được chuyện này. Có điều, nó cũng chẳng làm giỏi hơn khủng long Bạo chúa hay khủng long Baryonyx.
Tuy nhiên, thứ mà Henderson đặc biệt để ý là cái gờ cao tới vài feet và nặng tới hàng trăm pound trên lưng Spinosaurus. Theo ông, với cái "cánh buồm" vĩ đại đó thì dù xương hay thịt loài khủng long này có dày, đặc, nặng hơn suy đoán trước giờ đi nữa, chúng vẫn không tài nào giữ thăng bằng nổi khi ở dưới nước. Trên cạn thì không sao, vì mặt đất rất cứng rắn.
Lý do hết sức đơn giản và chí lý. Đó là "cánh buồm" ấy sẽ nghiêng trái, nghiêng phải tùy ý, bắt buộc Spinosaurus phải quẫy đạp điên cuồng thì mới thăng bằng được. Nếu Spinosaurus đang nổi lềnh phềnh trên mặt nước, thì đến cả gió cũng trở thành mối phiền hà. Còn nếu nó đang lặn trong dòng nước, cái gây khó dễ lại có thể là dòng chảy của nước.
Thêm vào đó, Henderson cũng hết sức chú ý tứ chi của Spinosaurus. Chúng có hai chân trước nhỏ, ngắn còn hai chân sau dài, lớn. Trọng tâm của Spinosaurus vì thế dồn về phía sau thay vì nằm ở giữa.
Hầu hết các loài bán thủy sinh ngày nay, ví dụ như rùa hay cá sấu, đều đã trải qua tiến hóa để đạt được sự cân đối hoàn chỉnh.
Nhờ đó, chúng không cần phải vất vả tìm cách giữ cân bằng khi xuống nước. Nhưng với con vật nửa dưới nặng hơn nửa trên như Spinosaurus, "Giữ được thăng bằng trong nước không phải là điều mà nó có thể," - Henderson kết luận.
Thế nên, chỉ nội việc giữ cơ thể bình ổn trong nước thôi cũng đã đủ để Spinosaurus vất vả, khổ sở lắm rồi, nói gì đến kiếm ăn.
Không biết bơi không có nghĩa là không bắt được cá
Tuyên bố của Henderson đã lập tức bay tới tai Ibrahim. Ibrahim vui vẻ tiếp nhận, nhưng cũng bày tỏ một số nghi ngại. Ông phân tích rằng mô hình 3D của Henderson chưa dựa trên cấu trúc xương thật sự của Spinosaurus mà mới chỉ dựa trên phác thảo trong video cũ từ năm 2014.
Và máy tính thì không phải lúc nào cũng đúng. Vì nguồn dữ liệu về sinh vật cổ của chúng ta luôn chưa đầy đủ.
"Vẫn cần nhiều mô hình hóa hơn nữa dựa trên các hóa thạch Spinosaurus thực," - Ibrahim giải thích. "Trên tất cả, sự thật nằm ở bộ xương chứ không nằm trong cái máy tính."
Ibrahim cũng biện luận thêm rằng, Spinosaurus có thể chỉ tính đến chuyện xuống nước kiếm ăn trong thời gian ngắn thôi. Vì thế, cơ thể của nó vẫn chưa kịp tiến hóa để thích nghi với việc giữ ổn định trong nước. Và mặc dù nó có thể phải vật lộn khốn khổ mới bơi được, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể bơi.
David Hone, một nhà cổ sinh vật học khác thì lại có ý kiến khác, cho rằng loài khủng long này không nhất thiết phải biết bơi. "Diệc long không bơi giỏi, nhưng vẫn dành hầu hết thời gian để lội lõm bõm với cái cẳng dài ngoằng của nó đấy thôi," - ông chỉ ra.
Xét ra thì cũng không hẳn là vô lý nếu nói Spinosaurus không cần biết bơi cũng vẫn bắt được cá. Bởi vì chúng rất cao to. Và với cơ thể khổng lồ ấy, chúng chỉ việc lội tìm trong vùng nước nông. Hoặc là ngồi trên bờ mà rình, thấy cá bơi đến gần thì lao đầu xuống đớp.
Theo National Geographic