45 độ làm người: Khiêm nhường khiến bạn đẹp hơn trong mắt người khác
45 độ là phải biết cúi đầu, hạ mình, khiêm nhường, giúp bạn nhìn thấy những điểm còn thiếu sót ở bản thân để không ngừng hoàn thiện mình.
Khiêm tốn, cúi đầu không phải là chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là biết cách ứng xử.
Thực vậy, trong cuộc sống, mỗi khó khăn, biến cố như một cánh cửa, mà cánh cửa này lại không vừa khớp kích thước của ta.
Có lúc nó sẽ thấp hơn một cái đầu, có lúc chật chỉ bằng nửa thân người. Muốn vượt qua nó, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu, khom lưng, nghiêng người, còn người cố chấp thì sẽ đụng tường, tự gây thương tích, mà chẳng đi qua nổi.
Tốt nhất, hãy dùng thái độ khiêm nhường mà bước từng bước vững chắc chứ đừng tự cao tự đại vì thành công trước mắt và cũng đừng suy sụp vì thất bại nhất thời.
Khi trẻ, ta luôn có ý thức khẳng định mình, tràn đầy ý chí và khát khao.
Đó là điều rất đáng quý, nhưng mà cũng dễ có những nhược điểm: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn…
Vì quá tự tôn nên ta không chấp nhận học tập thành công của người khác. Ngừng học hỏi, nghĩa là bạn thua cuộc.
Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu, người minh tuệ là người biết khiêm nhường.
Người Nhật tâm niệm: "Bông lúa trĩu hạt là bông lúa cúi đầu". Học cách cúi đầu vượt qua những "cánh cửa" thấp bé trên con đường nhân sinh.
Biết "cúi đầu" cũng là một loại năng lực. Đó không phải là tự ti, không phải là nhu nhược, mà là khi năng lực của ta tích lũy đã đủ thâm sâu và sắc sảo.
Các vĩ nhân đều là những người khiêm tốn. Isaac Newton coi mình chỉ như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la.
Chân lý của ông chính là: "Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ". Ông chưa bao giờ dám nhận mình là một người khổng lồ!
90 độ làm việc: Vuông vắn, công bằng và ngay chính như một người quân tử
90 độ là một góc vuông, là thẳng thắn, chính trực. Cũng giống như người ta khi làm việc phải vuông vắn, công bằng, ngay chính, vô tư, quang minh lỗi lạc như một người quân tử.
Để có thể sống ngay thẳng thật thà theo lương tâm, sống công minh chính trực không phải là điều dễ.
Chúng ta thường biện minh cho mình : Người ta sao, tôi làm vậy, hoặc cho rằng sống thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Vì thế mà nhiều người đã đầu hàng trước những cám dỗ vật chất, đồng tiền...
Sống trên đời phải giữ được cái khí khái, ngay thẳng như người quân tử.
Muốn làm được điều này thì chúng ta ắt phải buông bỏ thói ích kỉ, không vì thiên vị, yêu ghét cá nhân và chấp nhận sự thỏa hiệp yếu hèn; Bạn đủ dũng cảm, quyết liệt luôn luôn làm điều đúng đắn, ngay cả khi không có ai theo sát, và những sự lựa chọn không dễ dàng.
Hoặc, bạn có thể thấy sự ngay thẳng là khi sống đúng với bản thân và lời nói của mình, hay khi đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng bởi những lựa chọn mà bạn thực hiện.
Bạn thử ngẫm xem, nếu có thể giữ gìn sự công bằng, trao lại những điều trân quý cho những người đáng được nhận nó cũng chính là đang giúp thế giới này tốt đẹp hơn, cuộc sống này đáng sống hơn.
Sống ngay thẳng, không bảo lăn tăn hổ thẹn với lòng mình - uy nghi, hùng dũng, kiêu bạc như cây tùng, cây bách - biểu trưng của người quân tử lẫm liệt khi xưa, chính là một loại khí chất, trí tuệ cần phải tu dưỡng bền bỉ và nhẫn nại.
180 độ xử thế: Đối đãi với người khác bằng sự chân thành
180 độ là một đường thẳng tắp. Nghĩa là trong đời người ta phải giữ được chữ "Chân", đối xử với người khác bằng sự chân thành, ngay thẳng, không úp mở, giả dối, chạy theo lợi ích cá nhân hay hư vinh nhất thời mà làm tổn hại tới người khác.
Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được mọi người ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp.
Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Người chân thành luôn có sức mạnh tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè và người thân.
Sống bên những người chân thành ta cảm thấy yên tâm, thanh thản vì không phải đề phòng hay dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay gặp sự thật phũ phàng, đen tối.
Lại có câu rằng: "Một lần thất tín, vạn sự bất tin", tiền bạc mất rồi có thể kiếm lại được nhưng uy tín không còn cũng như bát nước đổ đi, dẫu có vớt vát lại cũng chẳng được bao nhiêu.
Sự giả dối hại người thì ít, hại mình thì nhiều. Bởi, trời xanh luôn giữ lẽ công bằng. Dẫu nhất thời có tranh, có cướp được Danh, Lợi, Tình, Tiền thì cuối cùng "của thiên" vẫn phải "trả địa" mà thôi.
Còn hậu quả của những việc tổn hại tới người khác thì bản thân mình vẫn phải lãnh trọn, vẫn phải hoàn trả dẫu chỉ một ly một lai.
Vậy nên đối xử chân thành, không chỉ là vì tốt cho người khác, mà trước tiên là tốt cho chính bản thân chúng ta.
Sự chân thành không phải chỉ được thể hiện trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng chân thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục người khác.
Nhưng mọi sự chân thành đều phải được thể hiện trong sự tế nhị, tôn trọng, đôn hậu và có văn hóa, nếu không sự chân thành cũng dễ trở thành thô thiển và khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khác nhau giữa khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, những kẻ chỉ ''khôn" để cầu lợi.
Sống chân thành, chính là lối sống khôn ngoan cao cấp nhất!
360 độ hành sự: Làm việc tròn trịa, chu đáo, hoàn mỹ
360 độ là một hình tròn, thể hiện cách xử lý công việc, ứng xử tròn trịa, hoàn mỹ nhất.
Trong quỹ đạo công việc, chúng ta có thể gặp gỡ rất nhiều loại người.
Mỗi người đều có thái độ làm việc khác nhau: người thì chăm chỉ làm việc, muốn vươn cao, người luôn ung dung tự tại, người khác lại luôn làm việc tắc trách, làm qua loa cho xong việc.
Thái độ làm việc ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc.
Chúng ta không thể khẳng định làm việc với thái độ như thế nào sẽ thu được kết quả tốt, nhưng chúng ta có thể khẳng định những người thành đạt thì đều có thái độ làm việc gần như nhau.
Trong công việc có thể chia ra làm 3 loại người:
- Loại người thứ nhất: Tắc trách qua loa.
Câu cửa miệng của những người tiềm năng là: "Làm việc chăm chỉ làm gì? Chẳng phải trả lương của mọi người đều như nhau hay sao?"
Họ thường không đi làm đúng giờ, những chuyện ngoài phận sự của mình họ chẳng hề để ý, những việc ngoài bổn phận cũng chẳng bao giờ chủ động giải quyết.
Mỗi khi người chung quanh có cơ hội thăng tiến, họ đều tự an ủi mình: "Thăng chức chỉ là chuyện của vài cá nhân, phần đông mọi người cũng giống mình, vậy thì có điểm gì không tốt".
- Loại người thứ hai là: Hay than phiền, hay bực tức.
Những người này hay thất vọng và bi quan lúc nào cũng trách móc người khác và cho rằng những việc đã xảy ra không theo ý mình mong muốn đều do hoàn cảnh gây nên.
Những người này có thể có tiềm năng, nhưng lúc nào họ cũng sống trong tâm trạng u ám, vì vậy những năng lực của họ cũng không phát huy được, họ cũng không thể cảm nhận được niềm vui từ công việc của mình.
Tâm lý tiêu cực này cũng tự nhiên lan truyền sang những người khác.
- Loại người thứ ba: Làm việc tích cực, có chí tiến thủ, hoàn thiện công việc một cách tỉ mỉ, chu đáo.
Trong công ty, mọi người lúc nào cũng nhìn thấy bóng dáng bận rộn của họ. Những người thuộc tuýp người thứ ba này lúc nào cũng lạc quan tinh thần phấn chấn, nhiệt tình công tác và luôn vui vẻ với mọi người.
Kể cả trong những lúc gặp khó khăn trong công việc, họ cũng rất tích cực đưa ra các biện pháp giải quyết các vấn đề.
Vì vậy, niềm tin trong họ luôn luôn được thắp sáng. Mọi người đều yêu quý họ. Mặc dù cả ngày làm việc bận rộn nhưng những người có tinh thần làm việc tích cực vẫn giữ được thái độ lạc quan, hưởng thụ bằng niềm tin trong công việc.
Kết quả là sau một thời gian làm việc, những người thuộc tuýp người thứ nhất dễ dàng bị thay thế bởi những người nhiệt tình, cần công việc.
Những người thuộc loại người thứ hai luôn có tâm lý xáo động, không ổn định không tạo được lòng tin nơi lãnh đạo, khó lòng mà có cơ hội thăng tiến.
Còn những người thuộc loại người thứ ba, họ sẽ thành công và tìm được niềm vui trong công việc.
Muốn trở thành tuyp người thứ 3, chúng ta phải cố gắng hoàn thành từng nhiệm vụ một cách chu đáo, tỉ mỉ, tròn trịa dù là công đoạn nhỏ.
Nỗ lực điều tiết tốt các mối quan hệ, cố gắng dùng sự chân thành và tự tin của mình để giành được sự thấu hiểu và tín nhiệm của người khác, cuối cùng bạn sẽ đạt được một cảnh giới lý tưởng, hoàn mỹ nhất.
Muốn làm được điều này, chúng ta phải giữ được tấm lòng nhiệt thành, ngay thẳng, biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ. Đó cũng là cách gia tăng sự hợp tác, và cũng là cách hành xử của người trí tuệ.
Xưa nay, chẳng có con đường nào đi tới thành công dễ dàng.
Vàng 10 muốn đạt chuẩn hoàn mỹ cũng phải nhảy vào lò luyện, giữa ngọn lửa nóng bỏng, dữ dội, trải qua quá trình tôi luyện vất vả và bền bỉ, mới có thể đánh bay những tạp chất bám trên thân mình.
Do đó, muốn thành công, bạn phải nghiêm khắc, nhẫn nại tu tâm dưỡng tính, học cách đối nhân xử thế. Có vậy, cuộc đời mới thăng hoa hoàn mỹ, tròn đầy!