Máy bay F-22 của Không quân Mỹ. Nguồn: Sohu.
Các quan chức cấp cao của Lực lượng Không quân Mỹ hiện tin rằng trong tương lai 10 năm tới, máy bay chiến đấu F-22 Raptor sẽ không thể hoạt động như máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không của Mỹ do không có đủ khả năng mang bom đạn và tầm bắn.
Tuy nhiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Trung tướng ClintonHinote nói rằng, thời gian chính xác để F-22 nghỉ hưu sẽ phụ thuộc vào tốc độ sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Không quân.
Đến năm 2030, máy bay chiến đấu F-22 sẽ được 40 năm tuổi và sẽ không còn phù hợp cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế không trung, đặc biệt khi Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản và Philippines, trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ coi F-22 là cầu nối với chương trình NGAD (Duy trì ưu thế trên không thế hệ tiếp theo). Theo kế hoạch này, Không quân Mỹ dự kiến phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu để thay thế F-22.
Mỹ ngày càng kém tự tin, nếu không vượt lên trên thế hệ vũ khí tiên tiến của đối thủ thì Mỹ khó có thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Do vậy, khi các máy bay thế hệ 5 như Su-57 hay thậm chí là J-20 đuổi kịp trình độ máy bay thế hệ 5 của Mỹ, thì dường như Không quân Mỹ không đủ tự tin để đạt được chiến thắng trong một cuộc không chiến.
Tiêm kích F-35 tuy được mệnh danh là máy bay chiến đấu chủ lực của phương Tây nhưng dường như nó đã bị các nước phương Tây coi là “bệnh dịch” vì máy bay này quá nhiều “bệnh”. Dù đã đưa vào hoạt động hơn một nghìn chiếc máy bay loại này, nhưng tỷ lệ lỗi và thiếu phụ tùng thay thế của F-35 quá cao, khiến các nước châu Âu, thậm chí là Mỹ luôn trong tình trạng “báo động” vì thiếu máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Thời gian gần đây, Mỹ vẫn đang nâng cấp và cố gắng hồi sinh F-22 để tiếp tục giữ vai trò là phương tiện chủ lực, cạnh tranh với ngôi sao đang lên của Nga là Su-57. Tuy nhiên, F-22 Raptor lại đang bị một số quan chức cấp cao Mỹ nghi ngờ về tính năng tác chiến.
Trong một cuộc tập trận mô phỏng do Không quân Mỹ tổ chức gần đây, Mỹ đã dựa vào các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu để chiến đấu chống lại Nga và các đối thủ tiềm năng mà không phải F-22. Tướng Mỹ tuyên bố rằng, F-22 không thể sử dụng như thế này được nữa.
Nhược điểm của loại máy bay này là quy mô đội bay nhỏ, chi phí vận hành cao và tốc độ thực hiện nhiệm vụ thấp. Ngoài ra, tầm hoạt động của F-22 tương đối ngắn, chỉ khoảng 3.100 km và khoang vũ khí của nó cũng rất nhỏ, và hầu hết vũ khí của nó là tên lửa không đối không.
Một trong những phương án tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ. Nguồn: Sohu.
Với sự tiến bộ về công nghệ của vũ khí phòng thủ, lợi thế tàng hình của F-22 cũng đã bị giảm đi đáng kể, thậm chí khả năng sống sót của nó cũng sẽ bị đe dọa trong “một sớm một chiều”. Tầm bay và khoang chứa bom của F-22 không khác nhiều so với F-35. Nhưng công nghệ của F-35 tiên tiến hơn và có tuổi thọ dài hơn F-22 và F-22 không có nhiều lợi thế so với Su-57 của Nga, thậm chí là J-20 của Trung Quốc.
Do đó, quân đội Mỹ ngày càng tin tưởng vào việc có công nghệ tiên tiến hơn, đây là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu – máy bay NGAD. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu được Mỹ xác định sẽ có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Máy tính nhiệm vụ, thiết bị xử lý đường không và kiến trúc của máy bay chiến đấu thế hệ này sẽ rất quan trọng và có thể quyết định chiến thắng trong không chiến tương lai.
Có thông tin cho rằng, máy tính nhiệm vụ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi các cảm biến để hiển thị hình ảnh rõ ràng về phân cấp chiến trường, đồng thời điều khiển các hệ thống chiến đấu và vũ khí để giành ưu thế trên không.
Khả năng xử lý máy tính này sẽ vượt xa các nền tảng hiện có. Trong đó máy tính được trang bị AI và các bộ vi xử lý tốc độ cao để có thể xử lý nhanh, chính xác một lượng lớn dữ liệu tình báo, giám sát và trinh sát trong thời gian ngắn nhất. F-15EX sẽ là đối tác tốt nhất của F-35
Căn cứ vào những điều trên, có thể thấy F-22 đã phục vụ gần 30 năm không đáp ứng được nhu cầu của các cuộc chiến trong tương lai, do đó, Quân đội Mỹ đã quyết định điều chỉnh việc triển khai máy bay chiến đấu trong tương lai. Không quân Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ giữ lại 4 máy bay chiến đấu trong tương lai: Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 NGAD, F-35, F-16 và F-15EX.
Tuy nhiên, điều kiện cho tất cả những điều này là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu NGAD phải có khả năng thay thế F-22. Nhưng từ quan điểm thực tế, liệu tiêm kích thế hệ thứ sáu NGAD có thể ra mắt vào những năm 2030 hay không mới là chìa khóa lớn nhất. Nếu quân đội Mỹ trì hoãn việc phát triển vũ khí mới như thường lệ, F-22 có thể vẫn sẽ phải tiếp tục đóng vai trò chủ chốt.