Sở GTVT Hà Nội: Khi đã cấm xe máy là triệt để, không phân biệt ngoại tỉnh

Tuấn Minh |

Trước việc đề án hạn chế xe cá nhân bị “lộ” ra ngoài khi đang được dự thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, thành phố đang xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không phân biệt xe biển số ngoại tỉnh.

Theo ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố”, trong đó có đề cập đến lộ trình hạn chế xe máy từ năm 2020, mới chỉ là dự thảo sơ bộ và Sở đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. Đây chưa phải là đề xuất chính thức.

Theo ông Quang, thành phố đang xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh. "Khi đã cấm là cấm triệt để tất cả, chứ không phân biệt", ông nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, vừa qua Hà Nội triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe địa phương hay tỉnh ngoài.

Nếu thực hiện mà ảnh hưởng lớn đến người dân thì cần tính lại

Theo dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố", việc hạn chế xe máy thực hiện theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết.

Năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ.

Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.

Liên quan đến việc này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng, đối với một thành phố phát triển trong quá trình đô thị hóa mạnh của một quốc gia với nạn kẹt xe như ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thì đề án đó là một giải pháp hành chính nhưng áp dụng như thế nào thì phải có một lộ trình.

Theo ông Sơn, để theo lộ trình đó, Hà Nội cần giải quyết một loạt các vấn đề khác như phát triển phương tiện công cộng như thế nào.

Phải tính các tuyến đường phố bị cấm xe đó thì mật độ đi lại, sinh sống của người dân thế nào để có giải pháp cho phù hợp…

Những việc làm này, phải có bước đi hợp lý để người dân quen dần, có thay đổi thói quen sử dụng các loại phương tiện công cộng để việc đi lại trong thành phố vừa thuận lợi, vừa bảo đảm đời sống của người dân.

Tuy nhiên, nếu việc thực hiện đề án này mà ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân thì cũng phải tính lại.

Theo ông Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, từ thực tế hiện nay, rõ ràng Hà Nội đang đối mặt với một vấn đề rất căng thẳng đó là giao thông, mà vấn đề giao thông ở bất cứ một đất nước nào trên thế giới cũng luôn là bài toán khó.

Đặc biệt là ở những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, dày đặc như Hà Nội thì những quyền lợi khác của dân cũng cần phải cân nhắc cho tương xứng, chứ không phải chỉ nghĩ đến việc đi lại thôi thì không đầy đủ lắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại