Sở GTVT Hà Nội không có chủ trương, đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh

Hoàng Đan |

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã lên tiếng trả lời về thông tin đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô và việc cấm này học tập từ Trung Quốc.

Thông tin trong dự thảo đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân do Sở GTVT TP Hà Nội xây dựng, đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đặt lộ trình dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày từ năm 2021 được dư luận quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều nay, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, người được giao phụ trách trực tiếp cho biết, đề án này được UBND Thành phố giao cho Sở phối hợp với Viện chiến lược và phát triển GTVT của Bộ GTVT là thực hiện.

"Hiện đề án đang được chúng tôi tiến hành xây dựng ở mức ý tưởng dự thảo còn chưa cân nhắc mọi thứ một cách đầy đủ để trình thành phố.

Và sau khi có đề án chính thức đưa vào thực hiện thì cũng cần phải có lộ trình, xin ý kiến rõ ràng, bởi đây là vấn đề mang tính xã hội lớn", ông Quang nói.

Về việc Sở GTVT đưa ra trong đề án đặt lộ trình dừng hoạt động với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô từ năm 2021, theo ông Quang, thông tin này là không chính xác.

"Ở đây, thông tin đó là không chính xác. Đây không phải chủ trương, đề xuất của Sở mà là kinh nghiệm của các nước được đơn vị tư vấn nêu ra còn quan điểm của Sở có làm phương án đó, học tập kinh nghiệm, áp dụng được không thì đây là việc phải lựa chọn, chứ không phải áp dụng máy móc.

Sở cũng chưa tính đến phương án đó và xe nào cũng là xe cả, biển trong hay biển ngoài đi vào Hà Nội nếu ùn tắc giao thông thì phải xử lý", ông Quang nêu.

Về thông tin cho rằng, việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội trong đề án đưa ra là học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Quang cho rằng, đây là ý kiến của phía tư vấn đưa ra.

"Khi họ đưa ý kiến thì Sở cũng nêu vấn đề để trao đổi, mạn đàm còn về quan điểm của Sở thì không có chuyện đó", ông Quang nhấn mạnh.

Thông tin thêm về đề án này, ông Quang cho hay, hiện Sở đã chọn lọc một số chuyên gia để lấy ý kiến và đang tổng hợp lại.

Đồng thời, đề án này là một phần trong đề án tổng thể về giao thông đô thị thông minh của Hà Nội được lãnh đạo thành phố ấp ủ thực hiện trong tương lai. 

Hiện thành phố đang giao cho Sở thực hiện và yêu cầu thuê tư vấn nước ngoài là các tập đoàn có kinh nghiệm, trong đó, quan tâm nhiều nhất là học tập kinh nghiệm của Singapore để thực hiện.

Trước đó, theo thông tin trên báo chí đăng tải thì trong đề án, Sở GTVT Hà Nội đặt lộ trình dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày từ năm 2021.

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. 

Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. 

Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. 

Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.

Song song với hạn chế xe cá nhân, TP. Hà Nội sẽ bố trí các điểm trung chuyển, điểm đỗ xe và các phương tiện công cộng nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống vận tải hành khách công cộng vào trung tâm thành phố. 

Sở GTVT đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt).

Mạng lưới xe buýt nhanh BRT đến năm 2020 sẽ có 3 tuyến là Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 14km; tuyến đi theo vành đai 3 Mai Dịch - Dương Xá dài 25km; tuyến đi theo vành đai 2,5 và Quốc lộ 5 kéo dài 54km.

Đường sắt đô thị sẽ hoàn thành 5 tuyến, gồm: tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – vành đai 4...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại