Thông tin "Hà Nội lên phương án cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội ô" trong dự thảo đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân do Sở GTVT TP Hà Nội xây dựng, đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ cũng có những ý kiến bày tỏ băn khoăn về khả năng đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của hệ thống vận tải hành khách công cộng, trong đó có hệ thống xe buýt của Hà Nội.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội về những vấn đề xung quanh thông tin này.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội (Ảnh: Tuấn Nam)
"Hạn chế xe cá nhân là con đường đi phải đến"
Đưa ra nhận định của mình, ông Liên cho rằng, vấn đề hạn chế xe cá nhân là con đường đi phải đến và phải đến ngay, nếu không chúng ta không thể di chuyển được chứ không phải là chuyện di chuyển chậm.
"Với xu hướng gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, cơ sở hạ tầng như thế này mà không thay đổi thì chắc chắn đến lúc đó, mọi người ra đường thì chỉ có đứng để hứng nắng, hứng bụi, hứng khói chứ không thể di chuyển.
Sáng nay VTV1 vừa đưa thông tin di chuyển có 3-5km mà mất đến cả tiếng đồng hồ. 10 năm nữa, khi phượng tiện cá nhân tăng lên thì lúc ấy chắc chắn không đi được.
Mà lúc đấy không phải là phía Nhà nước đưa ra kế hoạch hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà bản thân người dân cũng sẽ yêu cầu Nhà nước có biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân thì mới di chuyển được", ông Liên nói.
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, việc thực hiện được đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân phụ thuộc vào việc người dân tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân.
Ông Liên nói: "Lúc đó, Nhà nước và nhân dân sẽ "gặp nhau", lúc đó mới tạo ra sự đồng thuận được.
Một vấn đề chính là Nhà nước làm thế nào để dân từ bỏ phương tiện cá nhân (giống như việc người dân đã từng tự bỏ xe đạp để chuyển sang xe máy). Muốn làm được việc đó thì phía Nhà nước phải làm gì?
Theo tôi, đó là phải có nguồn lực đầu tư hạ tầng theo công nghệ tiên tiến chứ không phải mở đường rộng thêm để các phương tiện di chuyển. Mà vấn đề này lại liên quan đến nhiều mặt".
Chuyên gia về giao thông này cũng nói về mốc thời gian năm 2025: "Đó là kế hoạch theo một mục tiêu để phấn đấu chứ không thể nói là đến ngày đó ra mệnh lệnh cấm xe máy được.
Phải nghiên cứu về chính sách xã hội, về sự phát triển kinh tế để có hướng đầu tư hạ tầng. Khi hạ tầng tốt, có thể thay thế phương tiện cá nhân thì người dân sẽ tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân.
Lộ trình có thể đặt ra là như vậy nhưng phải trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế, không thể làm được".
Các mốc thời gian mới chỉ dựa trên nghiên cứu về mặt số học?
Trước khá nhiều kêu ca về xe buýt hiện nay, khi được hỏi nếu hạn chế phương tiện cá nhân, ông có chọn lựa xe buýt - một phương tiện được mọi người nghĩ ngay đến trong danh sách các phương tiện vận tải hành khách công cộng không, ông Liên chia sẻ:
"Cá nhân tôi là người ít ra đường. Với phương tiện xe buýt như hiện nay thì tốt nhất, đáng một tháng ra đường đến cơ quan 10 lần thì tôi chỉ đi 1-2 lần và ngồi nhà gọi điện. Đó là hoàn cảnh của tôi.
Nếu không bị bắt buộc thì không nên ra đường vào giờ cao điểm vì vừa ách tắc giao thông, vừa góp phần gây ách tắc giao thông, vừa gây ô nhiễm thì không nên tham gia giao thông vào giờ cao điểm".
Đánh giá về những mốc thời gian trong dự thảo, ông Bùi Danh Liên cho rằng, đó mới chỉ dựa trên các nghiên cứu về mặt số học, tức là 10 năm thì tăng bao nhiêu phương tiện...
Và quan trọng là nghiên cứu về xã hội. Đó là kinh tế năm 2025 thì thu nhập quốc dân như thế nào, có bao nhiêu tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
"Nói tin hoàn toàn thì tôi chưa tin nhưng mục tiêu đó có thể phấn đấu được nếu có các giải pháp đồng bộ trong đó phát triển kinh tế là chủ yếu. Còn bây giờ nói được hay không được chỉ là phán đoán.
Việc hạn chế xe cá nhân là một quá trình vận động thay đổi nhận thức của con người nhằm phục vụ lợi ích của người tham gia giao thông và của toàn xã hội.
Nếu như toàn bộ xã hội vào cuộc thì tôi nghĩ có thể. Nhưng nếu cứ làm như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thì có đến năm 2050 cũng chả được", ông Liên khẳng định.