Ngư lôi là vũ khí chủ lực của tàu ngầm, hiện nay hai cường quốc hải quân là Mỹ và Nga đều có trong trang bị những loại ngư lôi tiên tiến nhất. Vậy ngư lôi của Mỹ hay Nga có ưu thế hơn trong một cuộc hải chiến?
Ngư lôi chủ lực của Hải quân Mỹ - Mark 48
Ngư lôi Mark 48 (Mk-48) được Hải quân Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1960 để đối phó với lực lượng tàu ngầm và tàu nổi hùng hậu của hải quân Liên Xô, được đưa vào biên chế năm 1971 để thay thế các loại ngư lôi Mark 37 và Mark 14, là hai loại ngư lôi cơ bản của tàu ngầm Mỹ khi đó.
Qua nửa thế kỷ, Mk-48 đã trải qua nhiều lần hiện đại hóa và hiện vẫn là vũ khí hiện đại, có khả năng tiêu diệt cả tàu nổi lẫn tàu ngầm. Các nhà thiết kế ngư lôi Mỹ đã bám sát sự phát triển của hải quân Liên Xô (trước kia) và Nga (hiện nay) để cải tiến, nâng cấp và hiện tại họ chuẩn bị đưa ra phiên bản Mk-48 nâng cấp mới nhất (Mod 8).
Hiện nay, phiên bản Mark 48 Mod 8 vẫn trong vòng bí mật nhưng vừa qua, người phát ngôn của hải quân Mỹ đã tiết lộ một số chi tiết về phiên bản Mod 8. Đây sẽ là vũ khí nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của các tàu thuyền Nga và Trung Quốc, những đối thủ chính hiện nay của Hải quân Mỹ.
Ngư lôi Mk-48 Mod 5
Phiên bản đầu tiên là Mk-48 Mod 1 sử dụng động cơ tua-bin khí và các phiên bản sau đó được thay thế bằng động cơ cơ nhiệt piston hướng trục, có buồng đốt xoay, nhiên liệu lỏng được bơm vào với áp suất cao cho hiệu suất chuyển hóa ấn tượng và có công suất đến 500 mã lực.
Hệ thống dẫn hướng của ngư lôi MK-48 Mod 1 qua một sợi cáp quang dài đến 18 km, nối trực tiếp từ tàu phóng đến hệ thống điều khiển của ngư lôi. Ngoài ra trên ngư lôi còn có một hệ thống sonar hoạt động cả ở hai chế độ chủ động/thụ động (SSN), có thể bắt mục tiêu trong khoảng cách 1 km (phiên bản mới nhất đến 3 km).
Phiên bản Mk-48 Mod 3 được đưa vào biên chế năm 1976 và đã có những cải tiến đáng kể, nhất là động cơ và hệ thống điều khiển qua cáp quang theo 2 chiều, kíp chiến đấu có thể nhận thông tin từ ngư lôi để điều khiển chính xác hơn.
Các phiên bản nâng cấp giúp cho Mk-48 nâng dần về tầm bắn, tốc độ, độ sâu tiêu diệt mục tiêu cũng như mức độ chính xác, thông qua cải tiến hệ thống sonar trên ngư lôi giúp phạm vi phát hiện mục tiêu xa hơn, khả năng chống ồn tốt hơn.
Nạp ngư lôi Mk-48 xuống tàu ngầm của Hải quân Mỹ
Hiện nay, Hải quân Mỹ đang sử dụng 2 phiên bản là Mk-48 Mod 6 đưa vào sử dụng năm 1998 và Mod 7 đưa vào năm 2008.
Cả hai phiên bản này, động cơ và các thiết bị điện tử được nâng cấp đáng kể; hiệu suất xử lý và bộ nhớ đã được nâng lên nhiều lần; thông tin từ sonar SSN trên ngư lôi cung cấp cho kíp chiến đấu dữ liệu chính xác hơn về mục tiêu tấn công như kích thước, khoảng cách, tốc độ và hướng di chuyển.
Tiếng ồn của ngư lôi cũng giảm nhờ sử dụng động cơ phản lực nước (phiên bản trước sử dụng hai chân vịt đồng trục quay ngược chiều nhau).
Ngư lôi Mk-48 Mod 6 có chiều dài 5,79 m; đường kính 533 mm, trọng lượng 1.663 kg; tốc độ tối đa là 60 hải lý/giờ; cự ly xa nhất 50 km (ở tốc độ trung bình) và 35 km (nếu ở tốc độ tối đa).
Cự ly điều khiển tối đa bằng cáp quang: 18 km. Phạm vi bắt mục tiêu của sonar trên ngư lôi là 3.500 m; có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ sâu từ 800 m đến 1.000 m; trọng lượng đầu đạn là khoảng 295 kg.
Cận cảnh ngư lôi Mk-48 phá hủy mục tiêu
Về nguyên lý hoạt động của Mark 48 đó là, sau khi rời khỏi ống phóng bằng khí nén, động cơ của Mark 48 khởi động, cho ngư lôi di chuyển với tốc độ tối đa để hướng tới mục tiêu.
Khi tiếp cận khoảng cách bắt mục tiêu của sonar, tốc độ ngư lôi giảm xuống 35-40 hải lý và lúc này ngư lôi bắt đầu sục sạo tìm kiếm mục tiêu; sau khi sonar khóa được mục tiêu, chế độ tốc độ tối đa được bật lại.
Nếu đồng thời ngư lôi mất mục tiêu, động cơ quay lại hoạt động ở chế độ tìm kiếm, sử dụng nguyên tắc "bắn và quên".
Phiên bản mới nhất Mark 48 là Mod 8 (hiện đang trong giai đoạn phát triển) tập trung cải thiện hoạt động của nó ở các khu vực ven biển nước nông, nơi âm thanh rất phức tạp do sự phản xạ lặp lại của sóng âm từ đáy biển và các chướng ngại vật khác.
Mod 8 được trang bị một hệ thống sonar băng thông rộng kỹ thuật số tiên tiến (CBASS), hệ thống này dùng chùm tia kỹ thuật số và phần mềm mới, giúp loại bỏ các yếu tố gây nhiễu với hệ thống sonar của ngư lôi, cải thiện khả năng dẫn đường, tăng khả năng tàng hình, đồng thời giảm tiếng ồn, tăng công suất động cơ cũng như tăng sức công phá của đầu đạn.
Việc phát triển phiên bản mới của ngư lôi Mark 48 Mod 8 mang lại cho Hải quân Mỹ lợi thế chiến đấu quan trọng, là thông điệp cứng rắn gửi đến hải quân Nga và Trung Quốc.
Ngư lôi Mk-48 trong hầm đạn của tàu ngầm
Ngư lôi chủ lực của Nga
Vào thập niên 1970, trước "nỗi ám ảnh" của ngư lôi Mk-48, Liên Xô đã phát triển loại ngư lôi 65-76A "Kit" làm đối trọng với Mk-48. Kit có tính năng vượt trội so với Mk-48 của Hải quân Mỹ; Kit có 2 cỡ: 533 mm và 650 mm, có khả năng tiêu diệt tàu ngầm đối phương ở khoảng cách lên tới 100 km, tốc độ đạt 70 hải lý/ giờ.
Theo hãng tin Sputnik, Trưởng phòng các dự án có tiềm năng của công ty "Hydropribor" Gleb Tikhonov từng cho biết: Trên thế giới không có loại ngư lôi tương tự có sức mạnh có thể so được với Ngư lôi 65-76A "Kit" của Nga cỡ 650 mm, được phóng đi từ tàu ngầm, và có khả năng đánh chìm một tàu sân bay.
"Ngư lôi 65-76A của chúng tôi cỡ 650 mm - mạnh nhất trên thế giới. Không nước nào có sản phẩm tương tự. Chỉ một quả có thể đánh chìm một tàu sân bay", ông Tikhonov phát biểu trên kênh truyền hình "Zvezda".
Sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), hải quân Nga được kế thừa phần lớn vũ khí của hải quân Liên Xô. Năm 2000, một quả ngư lôi Kit đã phát nổ trên tàu ngầm Kursk, khi tàu ngầm này đang tham gia diễn tập ngoài khơi biển Baren.
Sau tai nạn tàu ngầm Kursk, Hải quân Nga quyết định ngừng tất cả ngư lôi sử dụng động cơ nhiệt và sau đó rút khỏi biên chế. Việc phát triển các loại ngư lôi sử dụng động cơ nhiệt mới đã bị dừng lại và hải quân Nga có vẻ như mất phương hướng trong việc xác định việc sử dụng động cơ điện hay nhiệt cho ngư lôi chủ lực.
Nga lúc này bắt đầu phát triển theo hướng ngư lôi sử dụng động cơ điện, tuy nhiên Nga chưa thể chế tạo được những động cơ điện có hiệu quả. Do vậy về hiệu suất, hiện tại Hải quân Nga không có loại ngư lôi nào có thể sánh được với ngư lôi Mk-48 của Hải quân Mỹ.
Vào năm 2015, hải quân Nga đưa vào biên chế ngư lôi đa năng UGST, có thể phóng từ tàu ngầm hoặc tàu mặt nước.
Ngư lôi UGST dài 7,2m, đường kính thân 533mm, nặng 2.200kg, đầu đạn nặng 300 kg, tốc độ 60-65 hải lý/giờ, tầm bắn 32km, sử dụng phương pháp dẫn đường qua dây dẫn 2 chiều bằng cáp quang, cự ly điều khiển 25 km, sử dụng động cơ phản lực nước, có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ sâu đến 400 mét.
UGST được trang bị sonar và giai đoạn cuối hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên".
Tuy nhiên, sonar chủ động/thụ động trên ngư lôi UGST có phạm vi phát hiện mục tiêu chỉ 2.500 m so với 3.500 m của ngư lôi Mk-48 Mod 6 của Mỹ; chưa kể khi UGST hoạt động ở vùng nước nông, hiệu quả như thế nào, khả năng xử lý của bộ nhớ cũng như phân biệt tiếng ồn của sonar UGST chắc chắn đều thua kém ngư lôi Mk-48 Mod 6.
Thế nhưng, cần phải thừa nhận rằng, ngư lôi UGST có tính năng vượt trội đáng kể so với các loại ngư lôi trước của Nga. Đây là một bước tiến vượt bậc và UGST sẽ là ngư lôi chủ lực trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiên tiến nhất của Hải quân Nga đó là tàu ngầm lớp Borey và tàu ngầm đa năng thuộc dự án 885 "Ash"./.
Peter Đại đế phóng tên lửa - ngư lôi chống ngầm