Sinh viên chuyên cơm hộp sẽ muốn “móc họng” nếu biết họ đã ăn gì

Cao Tùng |

Lâu nay, nhiều người vẫn tặc lưỡi sử dụng cơm hộp dù biết có thể chúng không sạch lắm. Nhưng nếu thấy cảnh tượng dưới đây, hẳn tư duy cũ sẽ thay đổi.

Dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến hiện đang trở thành trào lưu tại Trung Quốc và ngày càng được nhiều người trẻ lựa chọn bởi tiện ích của nó.

Giao hàng tận nơi, đa dạng các món ăn, gọi là có, giá cả phải chăng là những ưu điểm có thể nhận thấy ngay. Tuy nhiên, chất lượng đồ ăn liệu có được đảm bảo khi mà thực tế khách hàng không đến tận nơi, nhìn tận mắt?

Xung quanh khu vực Học viện Hoa Thương thuộc Đại học tài chính Quảng Đông, Trung Quốc có nhiều cơ sở chế biến cung cấp đồ ăn cho sinh viên. Những cơ sở này chủ yếu kinh doanh bằng hình thức trực tuyến.

Sinh viên không phải trực tiếp đến quán mà chỉ cần gọi điện khi có nhu cầu, cơm hộp sẽ được mang đến tận nơi.

Để tìm hiểu rõ về nguồn gốc thực phẩm sử dụng, quy trình chế biến đồ ăn tại những quán ăn này, ngày 23/3, phóng viên tờ Đô thị phương Nam đã đến xin phụ việc tại một quán ăn có tên “Cơm ngon Tứ Quảng” do người đàn ông họ Uy làm chủ.


Cận cảnh khu bếp nơi hằng ngày làm hàng trăm suất cơm hộp cho sinh viên Học viện Hoa Thương, Quảng Đông.

Cận cảnh khu bếp nơi hằng ngày làm hàng trăm suất cơm hộp cho sinh viên Học viện Hoa Thương, Quảng Đông.

Đồ ăn được chế biến từ thịt nhiễm bệnh

Giống như nhiều quán ăn kinh doanh trực tuyến khác, ông Uy cũng có tài khoản trên Meituan, một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn trên mạng của Trung Quốc. Trang “Cơm ngon Tứ Quảng” của ông thu hút hàng nghìn lượt bình luận và theo dõi, chủ yếu là những bình luận khen ngợi.

Trái ngược với vẻ hào nhoáng qua những bức ảnh quảng cáo, quán cơm của ông Uy thực chất là một gian phòng xập xệ, bẩn thỉu.

Bên trong, khu vực bếp chật hẹp chỉ vài mét vuông, nền đất cáu đen, nhầy nhụa dầu mỡ. Ngay cạnh bếp nấu là cống nước thải liên tục bốc mùi hôi thối. Nước thải lênh láng vung vãi khắp nơi. Hoảng hồn hơn khi thực phẩm được để trực tiếp dưới nền đất mà không tấm lót.

Bên cạnh chiếc bàn bày la liệt những lọ gia vị không rõ nguồn gốc là chiếc xe đẩy chuyên chở đồ ăn giao cho khách, những đĩa thức ăn thừa được giữ lại để tận dụng cho khách sau. Nước thịt và mỡ thừa trên đĩa được nhân viên đổ vào một chảo lớn để tiếp tục xào nấu.


Thực phẩm bày la liệt trên bàn, nhìn rất mất vệ sinh.

Thực phẩm bày la liệt trên bàn, nhìn rất mất vệ sinh.

Chủ quán thường xuyên sử dụng thịt lợn bệnh, lợn chết để chế biến đồ ăn nhằm tiết kiệm chi phí.

Theo lời kể của một nhân viên tại đây, món thịt lợn kho của quán được nhiều thực khách yêu thích, nhưng tất cả nhân viên làm tại đây không ai dám ăn vì chúng được làm từ thịt nhiễm sán.

Vợ chồng ông Uy cùng tham gia chế biến đồ ăn. Trong quá trình nấu, người vợ liên tục dùng tay không bốc đồ ăn nêm nếm.

Phía gian bên, ông Uy xào rau, để món ăn trông được bắt mắt hơn, ông đổ vào đó vài thìa nước tương đen ngòm được lấy ra từ trong một chiếc thùng nhựa cáu bẩn, dơ dáy.

Nhân viên trong quán mỗi người một việc, luôn tay luôn chân. Có lúc vội quá, nhiều nhân viên “quên” cả đeo bao tay, trực tiếp dùng tay không bốc đồ ăn. Thời gian từ khi tiếp nhận một đơn hàng đến khi đóng gói xong xuôi chỉ vẻn vẹn chưa đầy 5 phút.

Sau giờ cao điểm, ông Uy và nhân viên trong quán nghỉ ngơi, phì phèo điếu thuốc. Trứng muối, chân gà muối được xếp la liệt ngay dưới chân nơi ông Uy đứng, tàn thuốc chốc chốc lại rơi xuống, nhoe nhoét.

Nhà trường biết nhưng vẫn đành… bó tay

Ông Lã Thư Miễn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Học viện Hoa Thương thừa nhận sinh viên nhà trường đang phải đối mặt với vấn nạn đồ ăn bẩn.

Trào lưu đặt đồ ăn trực tuyến phát triển rầm rộ trong vài năm trở lại đây, khi khách hàng không trực tiếp đến quán ăn, khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh trực tuyến càng được thể bỏ ngỏ khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo ông Lã, do nhà trường nằm ở vị trí khá xa trung tâm nên sinh viên chủ yếu ở kí túc xá, ăn uống và sinh hoạt ngay tại trường. Hiện tại, nhà trường có tới hơn 30 nghìn sinh viên nội trú.

“Phía trước nhà trường là một xa lộ, phía sau giáp núi, trường chỉ gần một khu dân cư nhỏ. Nếu muốn đến khu trung tâm sinh viên phải đi vài cây số”, ông Lã cho hay.

Vì vậy, các bữa ăn của sinh viên chủ yếu được cung cấp bởi căng tin nhà trường và những quán ăn bên ngoài.

Được biết, khu vực Học viện Hoa Thương có khoảng 71 cơ sở chế biến đồ ăn cho sinh viên. Trong đó có 41 cơ sở nằm trong khuôn viên nhà trường, 30 cơ sở còn lại nằm rải rác bên ngoài phạm vi nhà trường.


Điều kiện vệ sinh tồi tàn là điều khó có thể tránh khỏi khi cơ sở cung cấp thực phẩm cho sinh viên nhìn từ bên ngoài đã ọp ẹp như chuồng nuôi heo.

Điều kiện vệ sinh tồi tàn là điều khó có thể tránh khỏi khi cơ sở cung cấp thực phẩm cho sinh viên nhìn từ bên ngoài đã ọp ẹp như chuồng nuôi heo.

Ngang nhiên hoạt động dù đã được nhắc nhở nhiều lần

Nhà chức trách địa phương cho biết, do đặc thù nhà trường ở vị trí giáp núi đồi, nhiều cơ sở chế biến đồ ăn bẩn nằm sâu trong núi, nên việc kiểm soát tình trạng vệ sinh thực phẩm tại đây rất khó khăn.

Vì vậy, mặc dù đã từng bị nhắc nhở xử lý, những quán ăn bẩn này cho đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

Sau khi được báo chí thông tin, chiều ngày 24/3, đoàn thanh tra liên ngành gồm Cục kiểm định chất lượng dược thực phẩm quận và Cục quản lý chấp pháp thành phố Quảng Châu tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở chế biến đồ ăn quanh khu vực Học viện Hoa Thương.

Qua kiểm tra phát hiện toàn bộ 30 cơ sở tại đây đều không có Giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng đã quyết định tịch thu, thanh lý toàn bộ số thực phẩm và dụng cụ chế biến đồ ăn bẩn, đồng thời đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại