Siêu điệp viên Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Kỳ 2: Vụ án Rosenberg

Yên Ba |

Lo ngại Julius Rosenberg có thể chạy trốn ngay sau khi biết tin D.Greenglass đã bị bắt nên sáng sớm ngày 16-6-1950, các đặc vụ FBI đã xộc đến căn hộ của vợ chồng Julius Rosenberg ở khu Kinickerbocker tại New York.

Ông chủ xưởng vẽ ở New York

Chọn New York làm địa bàn hoạt động chính yếu để chỉ huy mạng lưới điệp viên bất hợp pháp rộng lớn ở Bắc Mỹ, W.Fisher không xin vào làm việc ở một công sở nào do lo ngại quá trình thẩm tra để nhận người làm việc có thể khiến vỏ bọc của mình bị phá vỡ.

Thay vào đó, dưới cái tên giả Emil Robert Goldfus, điệp viên Xô viết thuê một địa điểm làm xưởng vẽ, tự mình làm các công việc liên quan đến hoạt động mỹ thuật. E.Goldfus nhanh chóng thiết lập được quan hệ rộng rãi với giới nghệ sĩ New York.

Những điệp viên chủ yếu điều hành lưới Volunteer là vợ chồng Morris và Lona Cohen. Trong lưới điệp viên này, Morris mang mật danh Luis và Volunteer, còn Lona mang mật danh Leslie.

Morris là người đã bắt mối với nhà khoa học mang bí danh Arthur Fielding, chính là Theodore Alvin "Ted" Hall, được tình báo Xô viết đặt cho mật danh Perseus hoặc Mlad. Cùng với điệp viên nguyên tử K.Fuchs, điệp viên "Ted" Hall đã chuyển nhiều thông tin bí mật về đề án nguyên tử Manhattancho tình báo Liên Xô.

Siêu điệp viên Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Kỳ 2: Vụ án Rosenberg - Ảnh 1.

Cặp vợ chồng điệp viên Julius và Ethel Rosenberg bị FBI bắt giữ. Ảnh: Nydailynews

Thông qua vợ chồng điệp viên Cohen, W.Fisher điều hành hoạt động của điệp viên "Ted" Hall. Như vậy là W.Fisher đã tiếp nhận và tiếp tục phát triển lưới điệp viên Volunteer.

Trong lưới này, ngoài vợ chồng Cohen và Mlad, còn có ba điệp viên khác mang các mật danh là Aden, Serb và Silver mà hai người trong số này chắc chắn là các nhà vật lý nguyên tử do "Ted" Hall tuyển mộ.

Lưới điệp viên Volunteer đã giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong việc đánh cắp được những thông tin siêu mật về công việc chế tạo bom nguyên tử của nước Mỹ để chuyển về Moscow trong giai đoạn cuối đề án phát triển bom nguyên tử của Liên Xô.

Ngày 29-8-1949, Liên Xô cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Do tham gia vào giai đoạn cuối và hoàn thành xuất sắc điệp vụ này, cũng trong tháng 8-1949, W.Fisher đã được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.

Một năm sau đó bắt đầu xảy ra hàng loạt vụ bắt giữ các điệp viên trong lưới của W.Fisher, trong đó nổi bật nhất là vợ chồng nhà khoa học Julius Rosenberg.

Hình thành mạng lưới

Julius Rosenberg là con trai trong gia đình người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở khu Đông New York. Năm 16 tuổi, Julius vào học ở Trường công nghệ thuộc Cao đẳng thành phố New York vào tháng 6-1934.

Trong thời gian học ở trường này, Julius bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản và trở thành người tuyên truyền cho lý tưởng của những người cộng sản. Ban ngày, Julius học ở trường, còn ban đêm thì làm bài tập ở trong một căn hộ của gia đình nhà Greenglass.

Cô bé Ethel Greenglass mơ ước trở thành một nhà thơ, diễn viên, vũ công, ca sĩ và nhạc công piano. Năm 1931, khi 16 tuổi, Ethel tốt nghiệp phổ thông và bắt đầu làm công việc của một nhân viên tốc ký.

Cô gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ và gặp Julius trong một cuộc họp của đảng. Họ trở thành bạn bè và Ethel đánh máy giúp Julius những bản báo cáo về kỹ thuật. Julius thường xuyên mang quà cho cậu em trai của Ethel là David Greenglass, người sau đó cũng gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ.

Quãng đầu những năm 1940, cơ quan lãnh sự Xô viết ở New York hoạt động với tư cách một trung tâm hoạt động tình báo trong lĩnh vực khoa học công nghệ để thu thập thông tin bí mật cho Cơ quan an ninh NKGB.

Trong cơ quan lãnh sự có một bộ phận bí mật mang mật danh là Ban XY, chuyên thu thập tin tức tình báo công nghệ. Nhu cầu cần phải có những nhân viên hiểu biết về khoa học công nghệ trở nên gấp rút. Bernard Schuster, một đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ đã quyết định tuyển mộ Julius Rosenberg vào mạng lưới hoạt động ngầm của NKGB.

Sau khi điệp viên Xô viết Semyon Semyonov quay về Liên Xô năm 1944, người chịu trách nhiệm làm việc với Julius Rosenberg là điệp viên Alexandre Feklisov.

Lưới điệp viên này hoạt động suôn sẻ trong suốt thời kỳ sau chiến tranh, cho đến khi phản gián Mỹ, chủ yếu dựa trên các bức điện mật đọc được nhờ dự án Venona, bắt đầu phăng ra được điệp viên nguyên tử K.Fuchs.

Từ lời thú tội của K.Fuchs, các đặc vụ FBI tiếp tục lần ra Raymond tức Harry Gold, người liên lạc của K.Fuchs trong thời gian chiến tranh rồi từ H.Gold, tiếp tục phát hiện ra vợ chồng David Greenglass.

Bị bắt

Lo ngại Julius Rosenberg có thể chạy trốn ngay sau khi biết tin D.Greenglass đã bị bắt nên sáng sớm ngày 16-6-1950, các đặc vụ FBI đã xộc đến căn hộ của vợ chồng Julius Rosenberg ở khu Kinickerbocker tại New York.

Khi bị dựng dậy vào lúc sáng sớm, Julius Rosenberg từ chối cho phép các đặc vụ FBI khám nhà nếu không có trát bắt giữ, nhưng đồng ý đến trụ sở FBI trên quảng trường Foley để chịu thẩm vấn.

Tuy vậy, khi về tới trụ sở FBI, J.Rosenberg yêu cầu có một luật sư. Được tư vấn rằng khi ấy vẫn chưa chính thức bị bắt giữ, J.Rosenberg chào các đặc vụ rồi rời khỏi trụ sở FBI!

Đến ngày 28-6-1950, sau khi gặp gỡ vợ chồng David Greenglass, luật sư Roger thông báo với các đặc vụ FBI ở New York rằng các thân chủ của ông ta sẵn sàng hợp tác toàn diện, khai nhận về các hoạt động gián điệp cũng như chỉ ra các điệp viên trong lưới hoạt động của họ.

Rất có thể vị luật sư này đã thuyết phục thành công vợ chồng nhà Greenglass rằng việc khai ra những đồng phạm là cách tốt nhất để họ tự bảo vệ trước tòa.

David và Ruth khẳng định với FBI rằng, Julius và Ethel Rosenberg đã tuyển mộ và điều khiển David hoạt động cho tình báo Xô viết. Ruth nhớ lại rằng, vợ chồng nhà Rosenberg đã nói với cô về đề án tối mật ở Los Alamos, nơi David làm việc.

Ruth nói vợ chồng Rosenberg cô phải thuyết phục chồng lấy cắp các dữ liệu mật ở Los Alamos chuyển cho Julius rồi anh rể cô chuyển cho người Nga.

Ngày 17-7-1950, dựa trên những lời khai của David, FBI tiến hành bắt giữ Julius Rosenberg vì tội đồng mưu cùng Greenglass và những người khác hoạt động gián điệp.

Đến ngày 11-8-1950, vợ của Julius, Ethel Rosenberg, cũng bị bắt giữ với tội danh tương tự.

Vợ chồng điệp viên kiên cường

Bất chấp việc một số thành viên tiếp tục khai báo với FBI, vợ chồng điệp viên Rosenberg cương quyết không thừa nhận mình hoạt động gián điệp cho Liên Xô.

Phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg mở ra vào ngày 6-3-1951 tại tòa án quận Nam New York, trong bối cảnh không khí chống cộng đang lên đến đỉnh điểm ở nước Mỹ. Hơn một năm trước đó, Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy đã dấy lên một làn sóng chống lại những người cộng sản trên toàn nước Mỹ.

Trong bài phát biểu ngày 9-2-1950 tại Wheeling, Tây Virginia, vị thượng nghị sĩ này khẳng định rằng, những người cộng sản đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách, mọi cơ quan chính quyền Mỹ.

Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy tuyên bố chỉ riêng trong Bộ Ngoại giao Mỹ, ông ta đã có trong tay danh sách 205 điệp viên cộng sản, những người đã "gây ảnh hưởng" đến chính sách đối ngoại của Mỹ! Tâm lý lo ngại về sự tồn tại của những "kẻ thù bên trong" ám ảnh nhiều người Mỹ trong thời gian đó.

David Greenglass là một trong những nhân chứng chủ chốt tại phiên tòa.

Trong lời khai trước tòa, David kể về công việc của mình ở Los Alamos, nói anh ta đã bị vợ chồng người chị là Julius và Ethel móc nối tuyển mộ làm gián điệp. Anh ta nói chị gái mình đã cùng với anh rể đề nghị cung cấp những bí mật cho Liên Xô thông qua người liên lạc là H.Gold.

Cả người vợ của David là Ruth Greenglass cũng ra tòa làm chứng chống lại anh chị mình với những lời khai còn chi tiết hơn. Ruth nhấn mạnh rằng, chính chị gái Ethel đã kiên nhẫn thuyết phục mình yêu cầu chồng đánh cắp tài liệu mật ở Los Alamos để cung cấp cho phía Liên Xô và nhiều lần chứng kiến Ethel đánh máy các tài liệu mật này.

Bởi vậy, Ethel bị coi là đồng phạm không thể chối cãi của chồng trong vụ án gián điệp Rosenberg. Những lời khai trước tòa của vợ chồng David và Ruth Greenglass đã trở thành án tử đối với vợ chồng điệp viên Rosenberg.

Trước tòa, vợ chồng Rosenberg cương quyết phủ nhận mọi lời buộc tội làm gián điệp do bên công tố đưa ra. Bồi thẩm đoàn 12 người, sau nhiều phiên hội ý căng thẳng, cuối cùng đã đưa ra phán quyết là cả vợ chồng Rosenberg và Morton Sobell, một điệp viên khác trong mạng lưới cũng bị phát hiện và bị đưa ra xử trong vụ án này, là "có tội".

Bản án nghiệt ngã

Đến ngày 5-4-1951, chánh án Irving Kaufman chính thức mở phiên tuyên án những người bị xét xử tội làm gián điệp trong vụ án bi thảm này. Chánh án I.Kaufman tuyên án cả Julius và Ethel Rosenberg phải chịu tử hình trên ghế điện trong tuần lễ từ ngày 21-5-1951.

Trong suốt thời gian dài sau đó, một làn sóng đòi xem xét lại bản án nghiệt ngã đối với vợ chồng điệp viên Rosenberg dấy lên khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Dĩ nhiên, cơ quan tình báo Liên Xô cũng tìm mọi cách thúc đẩy làn sóng này nhằm tìm kiếm cơ hội cứu hai điệp viên của mình thoát khỏi án tử.

Các ủy ban đòi xem xét lại bản án được lập ra ở 24 quốc gia. Nhà bác học lừng danh Albert Einstein, người mà lý thuyết vật lý mang tên ông đóng vai trò nền tảng trong việc chế tạo ra bom nguyên tử, đã viết một bức thư ngỏ, trong đó nói rằng đạo đức của nước Mỹ sẽ được vãn hồi nếu để cho vợ chồng nhà khoa học Rosenberg được sống.

Làn sóng phản đối cùng áp lực mạnh mẽ từ công luận khiến việc thi hành án tử vợ chồng điệp viên Rosenberg được hoãn lại.

Tổng thống Mỹ H.Truman quyết định rằng sẽ chuyển gánh nặng xử lý vụ án này cho người kế nhiệm mình ở Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 1952.

Bất chấp tất cả những nỗ lực nhằm cứu sống vợ chồng điệp viên Rosenberg, ngày 11-2-1953, tân Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower bác đơn xin ân xá cho vợ chồng Rosenberg.

Làn sóng đòi xét lại án tử cho vợ chồng điệp viên Rosenberg cũng như những tranh cãi pháp lý trong hệ thống tư pháp Mỹ cũng chỉ trì hoãn việc thực hiện án tử hình đối với hai người cho đến tháng 6-1953.

Đầu giờ tối ngày 19-6-1953, khi gặp mặt lần cuối cùng với Trợ lý giám đốc FBI, đặc vụ Al Belmont ở nhà tù Sing Sing, vợ chồng điệp viên Rosenberg vẫn cương quyết từ chối thú tội để cứu mạng mình.

Julius Rosenberg lên ghế điện trước, chết lúc 8 giờ 5 phút tối; 10 phút sau, Ethel Rosenberg cũng đi theo chồng, chết trên ghế điện vào lúc 8 giờ 15 phút tối 19-6-1953.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại