Siêu điệp viên Liên Xô trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” - Đại tá Abel

Yên Ba |

Hầu hết các cuốn sách viết về cuộc chiến điệp báo giữa Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” đều nhắc đến tên một điệp viên huyền thoại Liên Xô, người được công luận biết tới dưới tên gọi “Đại tá Abel”...

Kỳ 1: Xâm nhập nước Mỹ

Tan biến trong lòng nước Mỹ

Đó là buổi trưa lạnh ngày 14-11-1948. Chiếc tàu thủy mang tên Scythia cập cảng Quebec của Canada trong làn gió mùa đông lạnh buốt, đổ xuống bến cảng những hành khách đến từ châu Âu.

Trong số những hành khách của chiếc Scythia xuống bến cảng hôm ấy có một người đàn ông trung tuổi, mũi khoằm, tầm thước, khá gầy gò. Ông mặc bộ đồ màu xám, áo vải tuýt xô khoác bên ngoài sơ mi không đeo cà vạt.

Hộ chiếu ông mang theo là hộ chiếu thật mang tên Andrew Kayotis, công dân Mỹ, 53 tuổi, độc thân, sống tại Detroit, một người có quan điểm chính trị trung dung.

Khác với nhiều hành khách đi cùng trên chuyến tàu có gia đình, người thân ra đón, không có ai đón A.Kayotis ở bến cảng. Ông chỉ mang theo một chiếc va li nhỏ nên mấy người phu khuân vác hành lý cũng không có việc gì để làm.

A.Kayotis tới nhà ga xe lửa trên phố Saint-Pierre mua vé lên chuyến tàu sớm nhất đi Montreal. Từ đây, người đàn ông đã vượt qua một điểm nào đó trên biên giới để vào nước Mỹ dưới cái tên A.Kayotis.

Hơn một tuần sau khi lọt vào nước Mỹ, ngày 26-11-1948, A.Kayotis có một cuộc gặp bí mật tại New York với điệp viên Xô viết hoạt động bất hợp pháp tại Mỹ là I.R.Grigulevich, có mật danh "Maks". I.R.Grigulevich trao cho A.Kayotis 1.000USD cùng giấy tờ của một người tên là Emil R.Goldfus.

Với giấy tờ hoàn hảo mang tên Emil R.Goldfus, Đại tá Abel hầu như tan biến trong lòng nước Mỹ.

Andrew Kayotis, hay Emil R.Goldfus, hay Đại tá Abel, tên thật là William Fisher, sinh ra tại Newcastle, phía Bắc nước Anh, có cha mẹ là người Đức. Những gốc gác đó đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của Đại tá Abel sau này, với tư cách một trong những điệp viên siêu hạng thời kỳ "Chiến tranh lạnh".

Cha mẹ của Abel là những người Nga gốc Đức di cư, có họ là Fisher. Abel sinh ngày 11-7-1903 ở Benwell, thuộc Newcastle trên sông Tyne. Cha của Abel, ông Genrykh M.Fisher, là một nhà cách mạng cuồng nhiệt, một người bạn của V.Lenin, đã di cư tới Anh hai năm trước khi Abel ra đời.

Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông Genrykh vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền cách mạng trong những thủy thủ người Nga có dịp tới Anh. Năm 1921, ông trở về Nga, mang theo người con trai có chung lý tưởng Bolshevik.

Khi còn ở Anh, William Fisher đã thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp, nhưng việc gia đình quay trở lại Nga đã làm gián đoạn công việc học tập của chàng thanh niên. Trong thời gian hai năm 1925-1926, W.Fisher phục vụ trong một trung đoàn thông tin tại Moscow, được đào tạo về vô tuyến điện.

Đến năm 1927, sau một thời gian ngắn làm việc trong Tổng cục 4 (tình báo quân sự), khi đang theo học tại Học viện Hàng không, W.Fisher được Cơ quan Tình báo đối ngoại OGPU tuyển mộ, bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử.

Chiến dịch mang mật danh "Berezino"

Trong những năm sau đó, W.Fisher đã tham gia hàng loạt chiến dịch đặc biệt của tình báo Xô viết với vai trò chủ yếu của một chuyên gia điệp báo vô tuyến điện. Nổi bật là tháng 8-1944, thực hiện chiến dịch mang mật danh "Berezino".

Dưới sự chỉ huy của W.Fisher, ngày 19-8-1944, một điệp viên nhị trùng mang mật danh "Max" đánh điện báo cáo với cơ quan tình báo Đức quốc xã rằng một đơn vị quân Đức do viên trung tá tên là Heinrich Serhorn chỉ huy bị "mắc kẹt" lại trong khu vực hậu phương của Hồng quân ở vùng sông Berezina trên lãnh thổ nước Cộng hòa Belorussia, mặc dù bị bao vây tứ phía nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại các đơn vị quân đội Xô viết.

Trên thực tế, đội quân này không hề tồn tại-trước đó, nó đã bị đánh tan và hầu hết bị bắt làm tù binh, bản thân H.Serhorn bị chiêu mộ và cùng tham gia trò chơi điện đài dưới sự chỉ đạo của W.Fisher.

Đáp ứng lại các yêu cầu của H.Serhorn, phía Đức liên tục gửi các chuyên gia phá hoại, trang thiết bị và kể cả các điệp viên Ba Lan đến cho "đội quân ma" của H.Serhorn. Tổng cộng đã có 67 chuyến bay tiếp tế, 13 điện đài xách tay và khoảng 10 triệu rouble tiền mặt được gửi cho "đội quân" của H.Serhorn và dĩ nhiên, tất cả đều lọt vào tay phản gián Xô viết.

Một số máy bay do phía Đức gửi tới tiếp tế còn được phép hạ cánh để chuyển hàng, sau đó cất cánh quay về để tiếp tục kéo dài trò chơi điệp báo. Thậm chí, Hitler còn có ý định gửi viên tùy tướng thân tín Otto Scorzeny, người chỉ huy nhóm hành động phá hoại đã từng cứu trùm phát xít Mussolini, đến tiếp viện cho "đội quân" của Serhorn!

Cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh, bộ tham mưu quân Đức vẫn còn tin rằng có một "đội quân" thực tế tồn tại trong hậu phương của Hồng quân! Có thể coi đây là một trong những chiến dịch điệp báo thành công bậc nhất bằng sóng vô tuyến điện mà tình báo Liên Xô đã thực hiện để lừa được phản gián Đức quốc xã.

Trong thời gian này, W.Fisher chơi rất thân với một người bạn cũng làm việc trong ngành tình báo có tên là Rudolf Abel Ivanovich, sau này hy sinh trong khi hoạt động nghiệp vụ. Đó chính là cái tên mà W.Fisher đã dùng để khai với FBI khi bị bắt ở Mỹ, để gián tiếp thông báo cho Trung tâm tình báo Moscow biết mình đã sa lưới.

Sứ mệnh đặc biệt

Chiến tranh kết thúc, từ năm 1946, W.Fisher bắt đầu được đào tạo để trở thành một điệp viên hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài.

Kể từ tháng 9-1945, sau vụ đào thoát của điệp viên Igor Gouzenko, nhân viên mật mã của Trạm tình báo quân sự GRU tại Canada, mạng lưới điệp viên của Liên Xô ở Bắc Mỹ bị đánh phá ác liệt. Hàng loạt điệp viên bị lộ, hoặc chạy trốn, hoặc sa lưới phản gián Mỹ hay Canada.

Sau một thời gian dài được đào tạo, cuối tháng 10-1948, trong một buổi lễ trang nghiêm được tổ chức tại tổng hành dinh của Cơ quan an ninh NKVD (tiền thân của KGB lừng danh sau này) tại Lubyanka, W.Fisher tuyên thệ trung thành với sự nghiệp hoạt động tình báo, với Tổ quốc và nhân dân Liên Xô.

Tiếp đó, W.Fisher được triệu tập tới văn phòng của Vyacheslav Molotov, Ngoại trưởng Liên Xô.

Tại văn phòng của V.Molotov, hai người đã thảo luận rất lâu về sứ mệnh hoạt động bí mật tại Mỹ của W.Fisher. Tiếp đó, cả gia đình của W.Fisher được mời tới ăn tối. Cho dù có điều gì xảy ra với W.Fisher ở Mỹ, gia đình của người điệp viên cũng sẽ được bảo đảm có một cuộc sống đầy đủ tại Liên Xô.

Sau bữa ăn, cả gia đình W.Fisher cùng vợ và con gái quay về ngôi nhà nghỉ ở ngoại ô. Ở đó, người điệp viên Xô viết nói lời từ biệt với vợ con. Phải rất lâu nữa họ mới có thể gặp lại nhau.

Một chiếc xe limousine màu đen do Viktor Abakumov, người sáng lập Cơ quan phản gián Liên Xô SMERSH (tên viết tắt trong tiếng Nga của dòng chữ "Cái chết dành cho bọn gián điệp") cử đến, đưa W.Fisher ra ga tàu hỏa Leningradsky ở Moscow. W.Fisher đáp chuyến tàu đi Warsaw, nhập cảnh Ba Lan bằng hộ chiếu Liên Xô.

Dùng tấm hộ chiếu dán ảnh thật nhưng mang tên Andrew Kayotis, từ Ba Lan, điệp viên W.Fisher tiếp tục qua Tiệp Khắc, Thụy Sĩ rồi tới Paris.

Từ thủ đô nước Pháp, hành trình của W.Fisher tới thành phố cảng Le Havre, nơi ngày 6-11-1948, người điệp viên Xô viết lên chiếc tàu thủy chở khách Scythia, trực chỉ Quebec ở Canada. Kể từ đó, W.Fisher không bao giờ còn dùng lại tên thật của mình nữa.

Một điệp viên chiến lược

Sau khi đặt chân tới Mỹ, W.Fisher đã có những chuyến hành trình dài ngày bằng xe bus liên tiểu bang, rong ruổi ở vùng New England phía đông bắc nước Mỹ để nối lại tiếp xúc với các mối liên hệ cũ.

Trung tâm chỉ huy mạng lưới sẽ nằm ở New York, thành phố khổng lồ của nước Mỹ, nơi một cá nhân nhạt nhòa như W.Fisher có thể dễ dàng hòa trộn vào đám đông vô số các sắc dân của thành phố này.

Tiếp đó, W.Fisher làm một chuyến hành trình ngang lãnh thổ Mỹ, sang khu bờ Tây nhiều nắng ấm mà trọng điểm là California.

Nhiệm vụ của W.Fisher là phải xác định những thông tin về việc Mỹ cung cấp vũ khí, trang bị quân sự cho quân đội của Tưởng Giới Thạch, khi ấy đang dốc sức chiến đấu chống lại lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc.

Các tàu vận chuyển khí tài quân sự của Mỹ thường xuất phát từ cảng Long Beach ven bờ biển ở thành phố Long Beach, California.

Trên đường từ bờ Tây trở lại New York, đầu xuân năm 1949, W.Fisher dừng lại ở thành phố Santa Fe.

Là thủ phủ của bang New Mexico nằm ở phía tây nam nước Mỹ, ngoài việc là địa điểm thu hút khá đông khách du lịch, Santa Fe còn là chiến địa trong cuộc chiến điệp báo giành giật bí mật nguyên tử giữa các điệp viên Xô viết với phản gián Mỹ.

Do nằm cách không xa Los Alamos, trung tâm nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ, nên FBI đặc biệt để ý đến Santa Fe. Những người lạ xuất hiện ở thành phố đều nằm trong "tầm ngắm" của đặc vụ Mỹ.

Tại Santa Fe, W.Fisher đã bắt lại liên lạc với những đầu mối cũ của NKVD và đưa họ quay lại hoạt động điệp báo. Trước khi W.Fisher tới Santa Fe, đây đã từng là địa bàn hoạt động của Kitty Harris, một nữ điệp viên có ít nhất 17 cái tên giả và mang những mật danh như Gypsy, Norma, Ada.

Được NKVD tuyển mộ từ tháng 4-1931, Kitty Harris đã từng trải qua các lớp huấn luyện ở Moscow mà người dạy kỹ năng chụp ảnh cũng như sử dụng điện đài không phải ai khác chính là W.Fisher.

Ngày 11-7-1949, đúng vào dịp sinh nhật thứ 46, W.Fisher quay lại New York. Tại đây, W.Fisher bí mật gặp gỡ một điệp viên hoạt động hợp pháp dưới vỏ bọc một nhân viên ở Lãnh sự quán Liên Xô, nhận một khoản tiền để hoạt động cùng những mệnh lệnh mới từ Trung tâm Moscow.

Nhiệm vụ cấp thời của W.Fisher là phải nhanh chóng khôi phục lại mạng lưới điệp viên mang mật danh Volunteer.

Volunteer chính là lưới điệp viên đóng vai trò chủ yếu trong điệp vụ đánh cắp và cung cấp những thông tin bí mật về vũ khí nguyên tử của Mỹ. Lưới này hoạt động cực kỳ có hiệu quả trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhưng phải tạm thời nằm im ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Cho đến thời điểm W.Fisher đặt chân tới nước Mỹ, chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Liên Xô vẫn chưa đi đến đích cuối cùng là một vụ nổ thử bom nguyên tử.

Các nhà khoa học Liên Xô dưới quyền chỉ huy của viện sĩ I.Kurchatov vẫn cần tiếp tục cập nhật những thông tin mang tính sống còn về quá trình cực kỳ phức tạp để chế tạo loại vũ khí có sức hủy diệt lớn này.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại