Trong báo cáo tổng kết mới công bố, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết trong 17 năm hoạt động kể từ 2006 tới nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước (theo vốn điều lệ) là 30.798 tỷ đồng.
Trong đó, SCIC đã cổ phần hóa 24 tập đoàn. Tổng số vốn do SCIC làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng gần 2% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đã bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp.
Đến ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư của Tổng công ty (còn lại sau khi bán vốn và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương) bao gồm 126 doanh nghiệp, với tổng vốn theo giá trị sổ sách là 47.344 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng, bao gồm: 121 Công ty cổ phần; 01 Công ty TNHH 2 thành viên; 04 Công ty TNHH MTV.
Xác định Người đại diện có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả quản lý vốn đầu tư, sau khi tiếp nhận quản lý phần vốn nhà nước, SCIC đã từng bước kiện toàn hệ thống Người đại diện.
Theo đó, tính đến 30/9/2022, tổng số Người đại diện là 203 Người đại diện, trong đó có 139 Người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (59,15%); 1 Người đại diện là công chức (0,43%) và 633 người đại diện là cán bộ và tham gia quản lý doanh nghiệp (40,42%).
Nguồn: SCIC
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động sâu rộng đến kinh tế trong nước; ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột giữa Nga – Ucraine, đặc biệt từ năm 2020 - đại dịch Covid 19 đã tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, phần lớn Người đại diện của SCIC với vai trò là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch, Nghị quyết ĐHCĐ.
Kết quả, nhiều doanh nghiệp có doanh thu hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm, điển hình như: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, CTCP Cảng Thuận An, CTCP Du lịch Quảng Ngãi, CTCP Nhựa Việt Nam... Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân cao trên 30% như: Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), CTCP Sữa Việt Nam (35%), CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), CTCP Viễn thông FPT (31%)…
Đáng chú ý, tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 47.800 tỷ đồng trong 17 năm hoạt động, tương ứng bình quân mỗi năm SCIC thu về hơn 2.800 tỷ đồng cổ tức.
Trong công tác đôn đốc và thu hồi công nợ, riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, số nợ cổ tức đã thu được là 5.762 tỷ đồng/5.867 tỷ đồng, chiếm 98% tổng số công nợ cổ tức phải thu.
Về công tác quản trị, tái cơ cấu và xử lý tồn tại của một số doanh nghiệp, thông qua Người đại diện, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex); Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Sông Đà...
Một số doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, xử lý tồn tại đã triển khai bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước (như Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex, CTCP Nhựa Bình Minh, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam...).
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, SCIC cũng thực hiện xử lý 2 dự án kém hiệu quả gồm tái cơ cấu hoạt động CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Ngoài ra, SCIC cũng tham gia đầu tư vốn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, có nhiều biến động, Người đại diện đã phối hợp tốt với SCIC xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt để Tổng công ty bán vốn thành công theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như đến hiện tại còn 16 doanh nghiệp chưa tổ chức ĐHCĐ (trong đó, chỉ có 3 doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ nhưng chưa tổ chức; 13 doanh nghiệp chưa có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ). Đối với những doanh nghiệp không tổ chức ĐHCĐ, SCIC sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp này sớm tổ chức ĐHCĐ năm 2022 theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục bám sát các cơ quan Nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung Luật 69 – trong đó đặc biệt lưu ý quy định về nghĩa vụ xin ý kiến của Người đại diện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Tổng công ty và Người đại diện trong quá trình áp dụng, triển khai trên thực tế. Tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và đào tạo bổ sung để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp cho cán bộ Tổng công ty.
Tổng công ty cũng đang khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn (CTCP FPT) để hoàn thiện và sớm đưa phân hệ kết nối thông tin doanh nghiệp thông qua Người đại diện (thuộc dự án phần mềm “Quản trị nhân sự và kết nối thông tin thông qua Người đại diện”) vào áp dụng trên thực tế.