Sau Syria và Libya, liệu lửa có cháy tới "nhà cung cấp" chiến binh IS lớn nhất toàn cầu?

DK |

Hàng nghìn chiến binh Tunisia đã theo các dòng chảy tới chiến trường Iraq, Libya và Syria nhiều hơn bất kỳ nhóm chiến binh nước ngoài nào tham chiến trong các lực lượng khủng bố.

Xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi trong tương lai vẫn sẽ bắt nguồn từ Bắc Phi

Hiện tại, biên giới giữa Tunisia và Libya là một thực thể ngăn cách giữa một "nền dân chủ đang gặp khó khăn" và một "quốc gia bị chia rẽ", cả hai đều thiếu sự kiểm soát thực tế đối với lãnh thổ.

Khoảng trống quyền lực ở cả hai nước đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm dân quân và các băng đảng buôn lậu phát triển. Hoạt động của chúng dọc theo biên giới Tunisia-Libya liên quan đến buôn bán ma túy, buôn người và hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố.

Không ai nghi ngờ rằng biên giới là một vấn đề thách thức lớn đối với an ninh của Tunisia.

Bất chấp gia tăng ngân sách quốc phòng Tunisia dựa vào viện trợ nước ngoài của các đối tác chiến lược, các nhóm khủng bố như al-Qaeda và IS vẫn có thể thách thức các lực lượng vũ trang địa phương trong một cuộc xung đột cường độ thấp nhưng đẫm máu.

Đặc biệt, các nhóm khủng bố đã tập trung các hoạt động của chúng tại khu vực ngã ba biên giới Tunisia, Libya và Algeria. Tại đây chúng kiểm soát các khu vực miền núi và được hỗ trợ của người dân địa phương.

Sau Syria và Libya, liệu lửa có cháy tới nhà cung cấp chiến binh IS lớn nhất toàn cầu? - Ảnh 1.

Một bản đồ của Critical Threats Project miêu tả các khu vực ảnh hưởng của IS và al-Qaeda tại Tunisia.

Tại đây, người Tunisia dựa vào lợi ích kinh tế của thương mại xuyên biên giới, hợp pháp hoặc bất hợp pháp với sự hỗ trợ ngầm của các nhóm dân quân và khủng bố ở Libya.

Các biện pháp giám sát biên giới Tunisia-Libya hiện nay có thể phản tác dụng, nó đóng góp vào sự "vỡ mộng" với chính trị thời hậu "cách mạng dân chủ".

Biên giới giúp cung cấp tính hợp pháp cho các tuyên truyền cực đoan vì chúng được coi là di sản của thời đại thực dân hơn là ranh giới thực tế giữa Tunisia và Libya, đặc biệt là đối với những người Arab sống dọc theo biên giới.

Sự phân cực chính trị giữa những người theo chủ nghĩa thế tục và Hồi giáo cứng rắn cũng đã khiến tăng cường sự ủng hộ trong một số trung tâm dân số nhất định cho các nhóm cực đoan.

Các tổ chức cực đoan đã tuyên truyền một cách hiệu quả, xoáy sâu và đặt các lực lượng vũ trang vào vị trí thù địch chống lại những thanh niên thất vọng và bị thiệt thòi về kinh tế.

Hơn nữa, chính phủ đã không thành công trong việc tạo ra làn sóng phản biện hiệu quả cho các tuyên truyền cực đoan này.

Sau Syria và Libya, liệu lửa có cháy tới nhà cung cấp chiến binh IS lớn nhất toàn cầu? - Ảnh 3.

Một trại huấn luyện của IS.

Cuối cùng thì những thách thức kinh tế trong nước đã đẩy cao giá trị của "ngành công nghiệp buôn lậu" đối với nhiều người Tunisia sống ở biên giới với Libya trong khi thất vọng với chính phủ gia tăng cùng với việc gia tăng quân sự và đóng cửa biên giới vào mùa hè năm 2018.

Còn tại Libya, những kẻ buôn lậu đã bám rễ sâu trong kết cấu xã hội. Chính phủ Libya thời Gaddafi coi những kẻ buôn lậu là những người ủng hộ và chiến binh tiềm năng, chẳng hạn như đa phần lực lượng Gaddafi tấn công thị trấn Gafsa của Tunisia vào năm 1980 là những nhóm buôn lậu vũ trang.

Các chỉ huy của các đơn vị quân đội Libya triển khai gần biên giới Tunisia đã hỗ trợ chính trị và hậu cần cho những kẻ buôn lậu, cho phép các nhóm này mua các xe bán tải, buôn lậu dầu và các sản phẩm được trợ giá từ Libya để đổi lấy thực phẩm, rượu và ma túy từ Tunisia.

Những kẻ buôn lậu thậm chí có thể điều phối dòng người nhập cư bất hợp pháp, mà Gaddafi đã sử dụng như một công cụ để tạo ra áp lực chính trị với châu Âu.

Còn hiện tại, cả hai bên (Chính phủ GNA ở Tripoli và Lực lượng LNA của Tướng Haftar) của cuộc xung đột Libya đã tái kích hoạt các tuyến đường buôn lậu để giải quyết các nhu cầu hậu cần khẩn cấp của họ trong cuộc chiến Tripoli.

Một dòng chảy lớn của nhiên liệu, thiết bị quân sự và xe bán tải từ Algeria đến Libya thông qua Tunisia vẫn đang diễn ra.

Rõ ràng là các băng đảng buôn lậu vũ trang cộng tác với những kẻ khủng bố không chỉ điều hành hoạt động buôn bán xuyên quốc gia giữa Bắc Phi mà còn bao gồm cả Ai Cập và khu vực Sahel. Chúng ngày một phát triển và mở rộng trên "mảnh đất màu mỡ" này.

Điều ngạc nhiên, khủng bố chỉ có từ Tunisia "xuất khẩu"?

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hàng nghìn chiến binh thánh chiến người Tunisia đã theo các dòng chảy tới chiến trường Iraq, Libya và Syria để gia nhập tổ chức IS và al-Qaeda.

Chiến binh Tunisia nhiều hơn bất kỳ nhóm chiến binh nước ngoài nào tham chiến trong các lực lượng khủng bố ở Trung Đông.

Sau Syria và Libya, liệu lửa có cháy tới nhà cung cấp chiến binh IS lớn nhất toàn cầu? - Ảnh 5.

Dòng chảy của IS vào Syria cho thấy số lượng chiến binh từ Tunisia là nhiều nhất (Nguồn ISCR)

Nhiều người Tunisia đã thiệt mạng tại Libya vào cuối năm 2016 trong cuộc chiến tại Sirte, thủ đô của IS ở Bắc Phi, và trong trận đánh ở thị trấn biên giới Ben Guerdane của Tunisia.

Tại Syria và Iraq, hàng nghìn người Tunisia đã chết khi chiến đấu cho các tổ chức khủng bố ở đó. Những kẻ sống sót sau những trận chiến đó đang bị giam giữ trong các nhà tù Syria và Iraq.

Giờ đây khi các nhóm khủng bố tại Syria và Iraq đã dần bị tiêu diệt, chính quyền Tunisia và phương Tây lo sợ sự trở lại của chúng và sự hỗn loạn có thể xảy ra sau đó.

Cho đến nay, những nỗi sợ hãi đó đã trở thành hiện thực, theo các nhà chức trách Tunisia, các nhà ngoại giao phương Tây và các nhà phân tích khu vực. Tuy nhiên lại không bắt nguồn từ sự trở về của các chiến binh khủng bố.

Mặc dù thành viên của các nhóm khủng bố chủ yếu là người Tunisia (một số ít người Algeria, Tây Phi và Libya) nhưng đáng ngạc nhiên trong số đó chỉ có khoảng 15 đến 20 người Tunisia được cho là những người trở về từ Libya và Syria.

IS và al-Qaeda đang tuyển mộ một thế hệ thanh niên địa phương mới để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngay tại quê hương.

Matt Herbert, đại diện một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại Tunis cho biết phần lớn những chiến binh Tunisia sống sót trong các cuộc chiến ở Libya và Syria đã không quay trở lại.

Việc các nhóm khủng bố tiếp tục tuyển mộ các chiến binh ở địa phương nêu bật những thách thức mà Tunisia phải đối mặt. Tunisia quốc gia duy nhất tồn tại như một "nền dân chủ" sau cuộc lật đổ Mùa xuân Arab năm 2011.

Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng thời kỳ hậu cách mạng đi kèm với bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội đang gây phẫn nộ, đặc biệt là đối với giới trẻ Tunisia.

Phần lớn việc tuyển mộ thành viên khủng bố đang diễn ra ở vùng núi phía tây nam nghèo khó của Tunisia dọc theo biên giới với Algeria.

"Tunisia là vùng đất tuyển dụng khủng bố" theo lời của Michael Bechir Ayari, nhà phân tích cao cấp về Tunisia của International Crisis Group .

Quốc gia Bắc Phi "đóng góp" số lượng lớn nhất chiến binh khủng bố cho các cuộc xung đột ở Trung Đông liệu có "bùng cháy" trong tương lai?

Câu hỏi này rất dễ trả lời nếu Chính phủ Tunisia hiện tại vẫn tiếp tục không đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về phát triển kinh tế hoặc một chính sách nhằm giải quyết mối đe dọa khủng bố địa phương.

Trận Ben Guerdane xảy ra vào tháng 3/2016 tại thành phố Ben Gardane ở Tunisia trên biên giới với Libya. Hàng trăm tên IS đã cố gắng chiếm lấy thành phố, nhưng đã bị quân đội Tunisia đẩy lùi (Nguồn RT).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại