Bộ Tài nguyên Nước cho biết Dự án Bảo tồn Nước Guxian chính thức bắt đầu thi công vào ngày 9/7, tại khu vực qua đoạn các tỉnh miền trung Thiểm Tây và Sơn Tây. Mục đích của dự án nhằm kiểm soát trầm tích ngày càng nhiều ở con sông nặng phù sa nhất thế giới.
Cơ quan này cho biết, một khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát 65% diện tích lưu vực sông Hoàng Hà, 73% lưu lượng nước và 60% lượng trầm tích của lưu vực này.
Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, sông Hoàng Hà là con sông dài thứ hai của Trung Quốc. Con sông chảy qua Cao nguyên Hoàng Thổ. Đây là khu vực có diện tích rộng tương đương với nước Pháp, với nguồn phù sa khổng lồ do bị sa mạc hoá.
Là hệ thống sông dài thứ 6 thế giới, sông Hoàng Hà còn được gọi là “sông treo”. Vì trầm tích tích tụ quá nhiều, nâng lòng sông lên cao hơn địa hình xung quanh, làm thay đổi dòng nước theo thời gian, dẫn đến hiện tượng lũ lụt nghiêm trọng.
Bộ trưởng Tài nguyên Nước Li Guoying cho biết: “Dự án Guxian là một phần quan trọng mang tính chiến lược trong hệ thống kiểm soát trầm tích của sông Hoàng Hà và là nút quan trọng của mạng lưới nước quốc gia. Dự án rất quan trọng đối với an ninh lâu dài ở vùng trung và hạ lưu sông Hoàng Hà”.
Truyền thông nhà nước đưa tin, đập mới trên sông Hoàng Hà dự kiến mất 10 năm để hoàn thành và sẽ là con đập lớn thứ 3 trên sông này. Theo báo cáo năm 2021 của Bộ, chi phí của dự án dự kiến là 53 tỷ nhân dân tệ (7,3 tỷ USD, tương đương hơn 188 nghìn tỷ VNĐ).
Con đập này cũng được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho hồ chứa Xiaolangdi, nằm cách hạ lưu 450 km (280 dặm), được đưa vào sử dụng năm 2001 để giúp quản lý dòng nước.
Con đập này cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tưới tiêu dọc sông và cung cấp thủy điện. Nó được liệt kê là một đại dự án trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc và nằm trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 kéo dài từ 2021 đến 2025.
Các kỹ sư bắt đầu tiến hành khảo sát địa chất trên sông Hoàng Hà vào những năm 1950 để xác định vị trí xây đập và hồ chứa. Bộ cho biết việc lập kế hoạch cho dự án đặc biệt phức tạp do địa chất của khu vực, bao gồm các vùng bùn và đứt gãy giữa nhiều lớp đá mềm và cứng.
Dự án Guxian đã được xác nhận trong kế hoạch quản lý và phát triển vào năm 1997 và báo cáo nghiên cứu tính khả thi đã được quốc gia phê duyệt vào tháng 6 vừa qua.
Theo SCMP