Sara Kheta: “Con ma” của Taliban

Lê Vũ |

Mới đây trên mạng Internet đã lan truyền hình ảnh của tiểu đoàn Badri 313 của Taliban được trang bị những vũ khí Mỹ vừa thu giữ được từ quân chính phủ Afghanistan.

Đi kèm với loạt hình ảnh này là những thông tin quảng cáo về Badri 313 như: "Họ được mạng lưới Haqqani huấn luyện", cho đến "mỗi người lính đều có ít nhất một thành viên trong gia đình từng đánh bom cảm tử"…

Nhưng theo giới chuyên môn, tiểu đoàn Badri 313 là đơn vị mang tính tuyên truyền. Phần lớn binh lính, sỹ quan thuộc đơn vị là con cháu của giới lãnh đạo phiến quân và các vị chức sắc những bộ tộc người Pashtun.

Họ được Taliban trang bị vũ khí hiện đại rồi phân công canh gác các địa điểm đông người như, Phủ Tổng thống và sân bay Kabul để phóng viên có cơ hội chụp hình, giúp phiến quân "quảng cáo" về sự hiện đại, thiện chiến của mình. Danh hiệu "đơn vị đặc nhiệm thiện chiến nhất" của Taliban đúng ra phải trao cho Sara Kheta.

Bước chuyển mình

Nhà báo người Anh Antonio Giustozzi, một trong những chuyên gia hàng đầu về Afghanistan, viết: "Taliban không phải là một lực lượng vũ trang toàn thời gian như nhiều người tưởng. Hầu hết các phiến quân coi việc cầm súng chiến đấu như công việc bán thời gian. Trước khi gia nhập Taliban, họ là nông dân, là thợ rèn… Thế nên, sau khi gia nhập Taliban họ vẫn là nông dân, là thợ rèn. Taliban thường chỉ mở các đợt tấn công quy mô vào mùa hè, sau khi vụ mùa đã kết thúc".

Lực lượng quân sự phi truyền thống này đã nhiều lần chứng tỏ khả năng và sự dũng cảm của mình trong các cuộc tiến công và phản công.

Ban lãnh đạo Taliban hiểu rằng, họ không thể chỉ dựa vào mỗi du kích chính quy nếu muốn giành lấy lãnh thổ. Mỹ và chính phủ Afghanistan ngày càng tiến sâu vào các khu vực hẻo lánh của Afghanistan rồi lập ra mạng lưới đồn chốt dày đặc. Mục tiêu của họ là nhằm tạo ra một "tấm lưới" trói chặt Taliban lại rồi siết cho đến chết.

Theo nhà báo Antonio Giustozzi, các đơn vị đặc nhiệm đầu tiên của Afghanistan ra đời vào năm 2003. Thành viên trong đội đều được đào tạo bởi lính Mũ nồi xanh của Mỹ.

Thay vì hành quân theo cách truyền thống như quân đội Afghanistan, lính đặc nhiệm sử dụng trực thăng để tổ chức những cuộc đột kích chớp nhoáng. Chỉ trong vòng 6 năm, hầu hết các lãnh đạo người Arập của Taliban đã bị lính đặc công tiêu diệt hay bắt giam.

Taliban nhìn vào sự hiệu quả của đặc công và nảy ra ý tưởng lập ra đơn vị đặc nhiệm cho riêng mình. Những đoạn video đầu tiên về Sara Kheta xuất hiện trên Internet từ hồi đầu năm 2015. "Sara Kheta" trong tiếng Pashtun có nghĩa là "Đơn vị Đỏ". Không ai rõ liệu cái tên này do Taliban tự đặt hay là do người khác nhìn dải băng đỏ đeo trên đầu họ rồi gọi như thế. Dù gì thì dải băng đỏ cũng trở thành biểu tượng của đơn vị đặc biệt này.

Những binh lính Sara Kheta đầu tiên được đào tạo tại các trại huấn luyện bí mật nằm gần biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Huấn luyện viên của họ có thể chia làm hai nhóm: các tay súng người Arập từng chiến đấu ở Iraq, Palestine và Liban.

Nhóm còn lại là lính đặc nhiệm chính phủ đào ngũ. Nhóm thứ hai này chủ yếu là lính tốt nghiệp khóa đào tạo đặc nhiệm năm 2015. Theo những nguồn tin không chính thức, do mâu thuẫn giữa tiểu đoàn đặc công số 4 với các tộc trưởng tại tỉnh Herat, một số lính đặc nhiệm của chính phủ đã đầu quân cho Taliban rồi trở thành huấn luyện viên cho Sara Kheta.

Sara Kheta: “Con ma” của Taliban - Ảnh 1.

Ảnh chụp Sara Kheta với ba huấn luyện viên đứng ở giữa.

Có gì đặc biệt?

Sara Kheta được trang bị những vũ khí hiện đại nhất của Taliban. Họ sở hữu súng đạn, phương tiện bọc thép do Mỹ sản xuất rồi bị sỹ quan quân đội Afghanistan ăn trộm đem bán ngoài chợ đen. Nhờ vào các khí tài này mà lính Sara Kheta có thể tự tin chiến đấu trong môi trường đô thị hay ban đêm như đặc nhiệm Afghanistan.

Chiến lược ưa thích của Sara Kheta là tấn công các doanh trại, đồn cảnh sát đóng tại nơi hẻo lánh. Một đại úy cảnh sát kể lại về cuộc đột kích của Sara Kheta, rằng: "Họ mặc đồng phục cảnh sát rồi lái xe máy đến trước cổng đồn cảnh sát.

Chỉ huy của tôi khi chạy ra ngoài cổng còn tưởng họ là cảnh sát giao thông đi tuần. Họ chẳng nói chẳng rằng mà xả súng và ném lựu đạn vào phía trong rồi rồ xe chạy thẳng. Khi quân tiếp viện đến nơi thì xác người chết đã đem hết đi rồi".

Trong những dịp mà Sara Kheta đối đầu trực tiếp với kẻ thù, họ trở thành "đầu giáo" mở đường cho các lực lượng Taliban khác. Vào năm 2018, Taliban và ISIS-K giao tranh để dành huyện Darzab, tỉnh Jowzjan.

Sara Kheta tổ chức tấn công đồng loạt vào các sở chỉ huy của ISIS-K nhằm ám sát lãnh đạo nhóm khủng bố. Trong khi hệ thống chỉ huy của địch còn hỗn loạn, Taliban tràn vào đánh bật quân ISIS-K đang bị cô lập khỏi huyện Darzab.

Trái với Badri 313, Sara Kheta sử dụng mạng xã hội để đánh lạc hướng kẻ thù. Họ tung những hình ảnh được dàn dựng sẵn lên Facebook nhằm đánh lừa tình báo của kẻ thù. Không phải tấm ảnh nào có hình lính Taliban được trang bị hiện đại, đeo băng đỏ trên mũ cũng là lính Sara Kheta.

Theo nhà báo người Mỹ Bill Roggio thì: "Dải băng đỏ đã trở thành biểu tượng chung của Taliban. Tôi từng nhìn thấy hàng chục thanh thiếu niên ở tỉnh Helmand đeo băng đỏ, xách khẩu AK cũ đi nghênh ngang giữa đường. Trong khi đó binh lính, cảnh sát nào tôi phỏng vấn cũng nói là Sara Kheta ăn mặc chẳng khác gì lính chính phủ bình thường".

Sara Kheta đã cùng với các cánh quân Taliban trong cuộc tổng tiến công lật đổ chính quyền Kabul vừa qua. Những cuộc đột kích của họ có vai trò quyết định trong việc phiến quân Taliban chiếm được tỉnh Kunduz và thành phố Lashkargah.

Có thông tin cho rằng, một trong các chỉ huy cao cấp của đơn vị là Mawlawi Mubarak đã chết trong cuộc tấn công Lashkargah. Và hiện nay Sara Kheta đã lui về trại huấn luyện bí mật tại tỉnh Paktika để phục hồi lực lượng. Với tình hình Afghanistan như hiện nay, chắc chắn Taliban sẽ còn cần nhiều tới Sara Kheta trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại