Thủ lĩnh cấp cao Taliban biến mất bí ẩn vì thất vọng với bộ mặt của tổ chức?

Đăng Nguyễn |

Mullah Abdul Ghani Baradar, Phó Thủ tướng trong chính phủ lâm thời của Taliban ở Afghanistan, được cho là đã rất thất vọng với cách tổ chức thành lập chính quyền mới.

Thủ lĩnh cấp cao Taliban biến mất bí ẩn vì thất vọng với bộ mặt của tổ chức? - Ảnh 1.

Thủ lĩnh cấp cao Taliban, Phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar gần đây biến mất bí ẩn.

News18 dẫn nguồn tin từ Taliban cho biết, phó thủ lĩnh Baradar, đồng sáng lập tổ chức, không hài lòng khi gia tộc Haqqani nắm giữ nhiều vị trí cấp cao trong chính phủ, còn chức thủ tướng được trao cho Mullah Hasan Akhund.

Hasan Akhund là người theo đường lối cứng rắn, từng là Phó Thủ tướng Afghanistan trong giai đoạn đầu tiên Taliban nắm quyền (1996 – 2001).

Baradar được cho là đã có những tranh cãi nảy lửa với với Mạng lưới Haqqani, một nhóm bị cho là khủng bố thuộc Taliban, tại dinh tổng thống Afghanistan và bỏ tới thành phố Kandahar.

Các nguồn tin chưa xác thực cho biết, Baradar bị thương trong cuộc ẩu đả, thậm chí là bị bắn chết. Nhưng phát ngôn viên Taliban đã bác bỏ thông tin này.

Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Doha, Qatar, được cho là cảm thấy thất vọng khi đội ngũ đàm phán đã hứa với phương Tây về việc xây dựng một chính phủ hòa hợp, theo News18.

Các các nhân vật có ảnh hưởng ở Afghanistan như cựu Tổng thống Hamid Karzai và cựu trưởng đoàn đàm phán hòa bình Abdullah Abdullah, đều không giữ chức vụ trong chính phủ mới.

Baradar cũng không hài lòng khi Pakistan liên tục can thiệp vào cơ cấu chính phủ mới ở Afghanistan. Giám đốc cơ quan tình báo Pakistan (ISI), trung tướng Faiz Hameed, được cho là đã tích cực hối thúc Taliban trao quyền cho các thành viên gia tộc Haqqani.

Trả lời phỏng vấn trên News18 về vai trò của Pakistan, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nói: “Pakistan là quốc gia láng giềng, dĩ nhiên chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi”.

Thủ lĩnh cấp cao Taliban biến mất bí ẩn vì thất vọng với bộ mặt của tổ chức? - Ảnh 2.

Khalil Haqqani, bác của Sirajuddin, là người rất có ảnh hưởng trong Mạng lưới Haqqani.

Pakistan được cho là muốn kiểm soát nền kinh tế của Afghanistan. Tuần trước, Pakistan đã công bố kế hoạch kinh tế đối với Afghanistan và quyết định hợp tác thương mại song phương với Taliban bằng đồng rupee Pakistan (PKR).

Với sự hỗ trợ từ Pakistan, mạng lưới Haqqani đang là nhóm cực đoan có quyền lực nhất trong chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan.

4 thành viên gia tộc Haqqani giữ chức vụ bộ trưởng, trong đó thủ lĩnh mạng lưới, Sirajuddin Haqqani giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.

Khalil ur-Rahman Haqqani, bác của Sirajuddin, là bộ trưởng phụ trách người tị nạn. Najibullah Haqqani là bộ trưởng Thông tin Truyền thông và Abdul Baqi Haqqani là Bộ trưởng Giáo dục.

Trong số này, chỉ Abdul Baqi không nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Mạng lưới Haqqani được thành lập vào những năm 1980, khởi nguồn là nhóm chiến đấu chống Liên Xô, do Jalaluddin Haqqani đứng đầu.

Jalaluddin từng có giai đoạn được đào tạo ở Pakistan, có mối quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo ISI. Jalaluddin đưa gia tộc gia nhập Taliban năm 1995, biến Mạng lưới Haqqani trở thành nhóm chiến đấu chủ lực của tổ chức.

Năm 1996, sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan giai đoạn đầu, Jalaluddin được trao vị trí bộ trưởng các vấn đề bộ lạc và biên giới. Mối quan hệ của Jalaluddin với thủ lĩnh tối cao Mullah Omar khi đó được mô tả là cùng phục vụ lợi ích chung.

Năm 2018, Jalaluddin qua đời ở tuổi 79, con trai Sirajuddin lên nắm quyền lãnh đạo Mạng lưới Haqqani.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại