Theo Quyết định 39, đối với điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (tương ứng khoảng 1.928 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT);
Với điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (tương ứng khoảng 2.223 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT).
Mức giá này được áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển. Hàng trăm dự án đã được đề xuất bổ sung quy hoạch; nhiều dự án đang được thi công xây dựng.
Như EVN đã thông tin, đến đầu tháng 8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.
Theo thông tin cập nhật, trong tháng 8/2021 vừa qua đã có một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận vận hành thương mại (COD), cụ thể:
Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 8/2021, đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại. EVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.
Cần chú ý, Thông tư số 02/2019/TT-BCT, để đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu, chuẩn bị đề nghị công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 thì Chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho Bên mua điện (EVN) trước 90 ngày, tức muộn nhất là ngày 3/8/2021. Đồng nghĩa, có nhiều dự án có nguy cơ cao sẽ khó về đích đúng hẹn để hưởng giá bán tốt, cố định.
Tuy nhiên, trên TTCK, có nhiều doanh nghiệp niêm yết là chủ đầu tư, hoặc là đơn vị xây lắp, thi công các dự án điện gió –đang có tiến độ khá tích cực trong việc chạy nước rút để hoàn thành các dự án điện gió trước thời điểm 30/10/2021.
Cụ thể, trong năm 2020, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Trà Vinh, Nhà máy điện gió Phú Lạc, Nhà máy điện gió Lợi Hải. Nếu các dự án trên hoàn thành đúng tiến độ, REE có thể ghi nhận doanh thu tháng 11 - 12/2021. Tổng công suất của cả 3 nhà máy là hơn 102MW.
Trong danh sách đã gửi hồ sơ thử nghiệm COD đến thời điểm đầu tháng 8/2021 của EVN công bố, đều có cả 3 dự án trên.
Ước tính của VCBS, các dự án thi công đúng tiến độ giúp REE tăng thêm khoảng hơn 700 tỷ đồng doanh thu bán điện gió và gần 200 tỷ đồng LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số.
Trong nửa đầu năm, lợi nhuận mảng điện gió của REE tăng mạnh nhờ có khoản lãi chênh lệch tỷ giá 27 tỷ đồng của CTCP Phong Điện Bình Thuận.
Nguồn REE: Tiến độ thi công các dự án điện gió tính đến tháng 7/2021
Báo cáo của MBS cho biết, REE ước tính đạt 185 tỷ đồng cho mảng điện gió vào năm 2022. Nhưng do diễn biến xấu của dịch Covid 19, thời điểm hoàn thành và vận hành của các nhà máy điện gió có thể chậm trễ so với dự kiến ban đầu và sẽ lùi sang đầu năm 2022.
Các nhà thầu cho REE ở dự án điện gió cũng kỳ vọng ghi nhận doanh thu tốt. Chẳng hạn, CTCP Fecon (FCN) đảm nhiệm vai trò là nhà thầu CBOP (cung cấp, thi công cọc thí nghiệm và cọc đại trà PHC D800C, D500C; thi công móng trụ điện gió; thi công cầu dẫn) cho dự án điện gió Trà Vinh V1.3 . Gói thầu trị giá 561 tỷ đồng. Theo chia sẻ tại DHCD hồi tháng 6/2021, giá trị ký mới các dự án điện gió FCN tham gia đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
CTCP xây lắp điện 1 – PCC1 (mã chứng khoán PC1) đang đầu tư 3 dự án điện gió: Dự án điện gió Liên Lập , Dự án điện gió Phong Huy, Dự án điện gió Phong Nguyên cùng công suất 48MW tại Quảng Trị. Tổng công suất 144MW.
Tương tự các dự án điện gió của REE, cả 3 dự án của PC1 cũng đã nằm trong danh sách hồ sơ thử hiệm COD.
Thông tin cập nhật từ PSI, dự án Liên Lập có thể COD trong tháng 8, còn Phong Huy và Phong Nguyên sẽ COD trong tháng 10 giúp tăng gấp đôi doanh thu/lợi nhuận trong năm 2022 cho mảng phát điện. Ngoài ra, PC1 đang tiếp tục khảo sát các dự án điện gió tiếp theo và hoàn toàn có khả năng tự phát triển và quản lý vận hành.
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu xây lắp và thiết bị ngành điện của PC1 đột biến so với cùng kỳ, ghi nhận 2.937,9 tỷ đồng, còn doanh thu bán điện nhỉnh hơn cùng kỳ ghi nhận 299,5 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu PC1 từ đầu tháng 8 đến nay có diễn biến khá tốt, tăng gần 28%với KLGD/ngày hơn 2,69 triệu đơn vị.
Cũng nằm trong danh sách các dự án do EVN công bố, có dự án Tân Thuận – giai đoạn 1 (25MW) và giai đoạn 2 (50MW), tổng vốn đầu tư khoảng 2.950 tỷ đồng – là dự án điện gió gần bờ ở Cà Mau.
Đây là dự án mà CTCP tư vấn điện 2 (TV2) là tổng thầu EPC. Được biết, dự án đã đạt 100% đài móng bê tông GĐ1 (25 MW) và 100% cọc GĐ2 (50MW), khoảng 50% đài móng bê tông cho GĐ2 và đang thi công song song các đài móng còn lại. Trong tháng 5/2021, TV2 đã hoàn thành lắp đặt turbine đầu tiên. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động đúng hạn trước 1/11/2021.
Với CTCP bất động sản Hà Đô (HDG), bên cạnh bất động sản, công ty này đã bổ sung thêm mảng chính là năng lượng (tập trung thuỷ điện và điện năng lượng), hiện đang sở hữu 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió 50MW. Cụ thể là dự án Điện gió 7A, Ninh Thuận – dự kiến vận hành trong quý 3/2021, sản lượng trugn bình 171 triệu kWh/năm.
Dự án này cũng đã gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm COD tới EVN. Được biết vào đầu tháng 8/2021, dự án đã hoàn thành lắp đặt tất cả 12 trụ điện gió và bắt đầu đưa các tổ máy đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia.
Hiện CTCP Điện Gia Lai (GEG) có 3 dự án điện gió đều đã gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm COD. Bao gồm dự án nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre, công suất giai đoạn 1 là 30 MW, giai đoạn 2 là 60 MW; dự án nhà máy điện gió Ia Bang 1 tại tỉnh Gia Lai, công suất 50 MW; dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 tại tỉnh Tiền Giang, tổng công suất quy hoạch cả cụm là 150 MW.
Hiện các Nhà máy này đã hoàn tất phần móng trụ và đang tiến hành lắp ráp Turbine, dự kiến sẽ COD với giá FIT1 Gió là 8,5 UScent/kWh cho Dự án trên bờ Iabang 1 và 9,8 UScent/kWh cho Dự án ngoài khơi V.P.L 1 và Tân Phú Đông 2.
Với 3 Dự án Điện Gió sẽ COD vào cuối năm 2021, dự kiến sẽ đóng góp thêm 396 triệu kWh Sản lượng điện và gần 900 tỷ đồng Doanh thu hàng năm cho GEG, hướng đến mốc Tổng Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế năm 2025 dự kiến 6.390 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng. Trong đó, Điện Gió sẽ đóng góp khoảng 45% Sản lượng Điện và 53% Doanh thu thuần.
Thông tin công bố từ CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA), dự án Nhà máy điện gió Phương Mai 1 đã chính thức đóng điện thành công công trình Đường dây và Trạm biến áp 35/110kV.
Đây là dự án điện gió đầu tiên mà công ty đầu tư và góp vốn. Hiện tại, các chuyên gia của nhà thầu GE đang tiêp tục hoàn thiện Turbin để thực hiện test E2E với trung tâm điều độ hệ thống điện Miền Trung. Theo kế hoạch, Nhà máy điện gió Phương Mai 1 sẽ tiến hành hòa lưới vào tháng 09/2021 và thử nghiệm COD.
Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE) có dự án điện gió Thuận Nhiên Phong có công suất 30,4 MW. Theo thông tin cập nhật đến đầu tháng 6, VNE đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình, tập trung xử lý các vướng mắc phát sinh.
Dự án này đã được gia hạn vài lần các năm trước. Gần nhất là vào tháng 8/2020, Công ty TNHH Điện gió Thuận Nhiên Phong 1 – công ty con của VNE sở hữu 100% vốn - do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, việc kiện tụng, tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng dự án của chủ đầu tư trước là Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Châu Á nên công ty đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến ngày 30/10/2021.