Sai lầm "không thể dung thứ" của Nga khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Trương Mạnh Kiên |

Nga có thể đánh mất bí mật vũ khí phòng không tân tiến đồng thời giúp chính đối thủ trở nên mạnh hơn.

Khao khát công nghệ

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đây tuyên bố sẵn sàng nhận thêm hệ thống phòng không S-400 thứ hai với điều kiện được chuyển giao công nghệ sản xuất. Lập trường của Ankara đang đặt ra những lo ngại về việc tổn hại đến ngành công nghiệp vũ khí danh tiếng của Nga.

Hợp đồng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký vào năm 2017. Mặc dù thực tế rằng 55% số tiền thanh toán đến từ khoản vay của Nga, sự kiện này được tuyên bố là một chiến thắng lớn cho Moscow, qua đó chia rẽ phe NATO.

Sai lầm không thể dung thứ của Nga khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ trong thương vụ S-400.

Quan hệ giữa Ankara và Washington đã trở nên phức tạp kể từ đó, khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35, nhưng không ai cho rằng nước này sẽ bị loại khỏi NATO, bởi đặc tính về vị trí chiến lược và ý nghĩa quân sự đối với tổ chức.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu đã xác định rằng họ không chỉ quan tâm đến bản thân các hệ thống phòng không của Nga mà còn quan tâm đến công nghệ sản xuất loại vũ khí này.

Vào năm 2019, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry đã lên tiếng xác nhận về thông tin cho phép chuyển giao một phần công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự khao khát của các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên, khi Ismail Demir, Chủ tịch Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) nói về một viễn cảnh rộng lớn hơn.

“Nếu chúng tôi muốn, tổ hợp S-400 thứ hai đã có mặt ngay hôm nay, nhưng việc sản xuất chung và chuyển giao công nghệ là rất quan trọng đối với chúng tôi”, ông Demir nhấn mạnh.

Việc người Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao các hệ thống phòng không của Nga chắc chắn là điều đáng tự hào, nhưng câu hỏi đặt ra là việc chuyển giao công nghệ sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chính Nga như thế nào?

Nhiều chuyên gia nhất trí lập luận rằng sẽ không có sự tổn hại gì. Họ nói rằng Nga sẽ không tiết lộ toàn bộ bí mật cho người Thổ Nhĩ Kỳ , cho phép nước này sản xuất S-400 ở trong nước nhưng có sự giám sát. Tuy nhiên, có những cân nhắc khác về vấn đề này.

Theo tờ Reporter, không nên đánh giá thấp trí tuệ của các kỹ sư quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu cần, họ sẽ tìm ra những công nghệ còn thiếu, còn trong trường hợp không thể tự mình làm được, họ sẽ mời gọi sự giúp đỡ.

Tuyên bố của ông Ismail Demir nói trên đã cho thấy rằng Ankara không có ý định phụ thuộc vào bất kỳ ai trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia của mình. Tất nhiên bao gồm cả Nga .

Cần phải lưu ý rằng các máy bay không người lái (UAV) tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đang được dành tặng nhiều lời khen - rõ ràng có "gen Israel" trong đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã đi lên từ con số 0 để trở thành "cường quốc" UAV như hiện tại, với việc học hỏi công nghệ và áp dụng linh kiện từ các quốc gia khác.

Hiểm nguy rình rập

Sai lầm không thể dung thứ của Nga khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Chuyển giao công nghệ chính là cách Nga giúp đối thủ mạnh lên.


Có gì đảm bảo rằng sau một thời gian nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có các hệ thống phòng không hiện đại của riêng mình mang "gen Nga"? Sẽ thật mỉa mai nếu trong tương lai Ankara lại cạnh tranh với loại “vũ khí yêu thích” của Nga ở thị trường nước ngoài.

Thứ hai, tờ Repoter cho rằng Nga phải hiểu một động thái chuyển giao công nghệ như vậy chính là trang bị cho kẻ thù trực tiếp của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành ba cuộc chiến tranh "ủy nhiệm" chống lại Nga cùng một lúc: ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh.

Sau thất bại của Armenia, Tổng thống Erdogan đã thực hiện một bước tiến thực sự trong việc thành lập cái gọi là "Đại Turan", một liên minh siêu quốc gia gồm các nước nói tiếng Turkic, có thể bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Sự xuất hiện của một liên minh như vậy dưới sự bảo trợ của Ankara ở miền Nam không mang lại điềm báo tốt cho Nga.

Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ có một quân đội và hải quân khá mạnh, có vị trí chiến lược rất thuận lợi. Cho đến nay, lợi thế của nước này trong một cuộc chiến giả định với Nga chỉ được bù đắp bằng việc Bộ Quốc phòng Nga có kho vũ khí hạt nhân mạnh thứ hai thế giới.

S-400 được thiết kế để đánh chặn các loại vũ khí trên không trong hiện tại và trong tương lai. Bằng cách chuyển giao cho người Thổ Nhĩ Kỳ công nghệ sản xuất các thế hệ phòng không mới nhất, Nga sẽ cung cấp cho đối thủ một lá chắn chống tên lửa đáng tin cậy.

Cộng thêm với thông tin gần đây từ các phương tiện truyền thông nước ngoài nói rằng Tổng thống Erdogan dự định mua công nghệ từ Pakistan để tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng mình, thì những lo ngại ở trên không phải không hoàn toàn có cơ sở. Sẽ là điều đáng suy nghĩ khi Điện Kremlin liều lĩnh trang bị vũ khí cho quốc gia đối thủ bằng khoản vay của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại