Nhà phân tích quân sự Sebastien Roblin nhận định, S-500, cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, sẽ áp dụng khái niệm "đánh chặn động năng điều khiển học", khi chỉ sử dụng động năng của tên lửa để diệt mục tiêu.
Vận tốc bay của tên lửa Nga có thể thay đổi, nhờ đó tên lửa S-500 rất đa năng, có thể kịp thời đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay và có lẽ ngay cả vệ tinh của đối phương.
Ông Roblin viết: "Do có khả năng tấn công tầm xa rất lớn, S-500 trở thành loại vũ khí lý tưởng chống lại những mục tiêu lớn và khó nhận thấy nhất.
Dù phát hiện và tiêu diệt máy bay ném bom từ khoảng cách xa là một nhiệm vụ khó khăn nhưng các máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) và máy bay trinh sát-tác chiến điện tử sẽ phải định hướng hoạt động bên ngoài phạm vi tác dụng của S-500".
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovski đồng ý một phần với ý kiến của đồng nghiệp Mỹ:
"S-500 là một hệ thống đa năng phòng không và phòng chống tên lửa đầy hứa hẹn. Tổ hợp này cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa cấp độ chiến lược. Tức là, hệ thống có thể bảo vệ các khu vực từ các cuộc không kích, kể cả của tên lửa đạn đạo liên lục địa và những phương tiện tấn công khác, chẳng hạn như máy bay siêu thanh đang được phát triển rất tích cực ở Mỹ".
"Hệ thống S-500 còn có khả năng phòng chống một số loại vệ tinh" - ông Murakhovski cho biết. Theo lời chuyên gia Nga, ngay cả thông tin ít ỏi về S-500 đã khiến Lầu Năm Góc quan ngại nghiêm trọng:
"Trong những tài liệu khác nhau, các đại diện của Lầu Năm Góc nêu lên quan ngại rằng, dọc theo biên giới, Nga đang tạo ra không phận bất khả xâm phạm hoặc hạn chế tiếp cận đối với các phương tiện bay của đối phương. Ví dụ như trong khu vực Kaliningrad, vùng Viễn Đông..."
"Đây là thất vọng lớn của Lầu Năm Góc: họ đã chi hàng trăm tỷ USD cho cái gọi là chương trình tấn công toàn cầu tức thời, đã phát triển các loại máy bay siêu thanh, tên lửa hành trình. Và hóa ra tất cả các phát minh này đều bị vô hiệu quá.
S-500 là một hệ thống thuần túy phòng thủ, còn Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM (chống tên lửa đạn đạo), thì dễ hiểu tại sao họ lại bắt đầu lo lắng " -vị chuyên gia kết luận.