Theo tờ China Military, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng "ngạo mạn" tuyên bố rằng ngoài F-22, Mỹ còn có rất nhiều tiêm kích F-35. Trong khi đó, Trung Quốc không thể có được loại máy bay này trước năm 2020 và tới năm 2025 thì khoảng cách giữa 2 nước sẽ ngày một lớn hơn.
Tuy nhiên, tại triển lãm hàng không Zhuhai năm nay, Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu trước công chúng mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 do nước này tự chế tạo. Tương tự như khi J-20 cất cánh lần đầu tiên vào năm 2011, màn ra mắt vừa qua cũng thu hút nhiều sự chú ý.
Theo giới phân tích phương tây, J-20 giúp nâng năng lực tấn công tầm xa của Trung Quốc lên một cấp độ mới. Nhiều tờ báo Mỹ phải thốt lên rằng "đối thủ chính là đây".
J-20 tại triển lãm hàng không Zhuhai.
Trả lời phỏng vấn tờ Global Times hôm 1/11, Yin Zhuo - Giám đốc ủy ban tư vấn chuyên gia của Hải quân Trung Quốc cho biết, việc cho ra mắt nhiều loại vũ khí và thiết bị tiên tiến, trong đó có J-20, cho thấy Trung Quốc đang sánh ngang cùng nhiều quốc gia có lực lượng không quân mạnh nhất trên thế giới.
Hãng tin CNN (Mỹ) đánh giá, triển lãm hàng không Zhuhai là cơ hội hiếm hoi để Trung Quốc giới thiệu với thế giới những công nghệ quân sự và thiết bị tiên tiến nhất của nước này: "J-20 là vũ khí để Trung Quốc đối phó với các máy bay chiến đấu F-22 Raptor và F-35 Lightning II trong bất cứ cuộc chiến giành lợi thế trên không nào".
Theo CNN, mặc dù khả năng tàng hình chắc chắn còn thua kém máy bay Mỹ nhưng J-20 vẫn có một số lợi thế nhất định.
Đầu tiên, do kích cỡ lớn nên J-20 mang được nhiều nhiên liệu hơn. Nhờ thế, máy bay sẽ có tầm hoạt động xa hơn và ít phụ thuộc vào thùng dầu phụ khi hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.
Ngoài ra, nhờ có khoang vũ khí trong thân rộng hơn nên J-20 mang được tên lửa có kích cỡ lớn hơn và tầm bắn xa hơn, cũng như nhiều loại đạn không-đối-không, không-đối-đất.
Chưa hết, J-20 gần như chắc chắn sẽ được sản xuất với số lượng lớn hơn F-22, thậm chí cả F-35 nếu Trung Quốc tiếp tục giữ mức chi tiêu quân sự hiện nay.
Nó sẽ mang lại cho Trung Quốc năng lực tấn công tầm xa, khó bị phát hiện, có thể đe dọa các căn cứ, tàu sân bay, các hệ thống cảnh báo sớm và tiếp dầu mà Mỹ và đồng minh cần có để triển khai sức mạnh không quân tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong quá khứ, Trung Quốc thường phụ thuộc vào các loại máy bay chiến đấu mua từ Nga để nâng cao năng lực tác chiến nhưng hiện nay, nước này đã trở thành nhà phát triển và sản xuất độc lập.
Do đang tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông và Hoa Đông nên Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy chương trình phát triển và chế tạo máy bay quân sự. Những máy bay này sẽ được điều chỉnh để có thể triển khai từ tàu sân bay, từ đó "đáp ứng được nhu cầu tác chiến hiện đại".
Theo tờ Times of India, việc ra mắt mẫu máy bay vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm là một thay đổi lớn của Trung Quốc, sau khi nước này áp dụng chiến lược quân sự mới.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc cho biết ngoài J-20, Trung Quốc còn đang phát triển tiêm kích tàng hình J-31. Mặc dù dữ liệu về J-20 vẫn được giữ bí mật nhưng Lầu Năm Góc tin rằng đây là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi của Không quân Trung Quốc, từ phòng thủ đơn thuần sang phòng thủ-tấn công kết hợp.
Tờ Ta Kung Pao (Hong Kong) dẫn lời một chuyên gia nhận định, hiện trên thế giới, mới chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể độc lập phát triển tiêm kích thế hệ 5. Tuy nhiên, chỉ có 2 nước - Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển đồng thời 2 loại máy bay thế hệ 5.
"Trong 3 cường quốc không quân trên thế giới, Trung Quốc không đứng thứ nhất, nhưng cũng không đứng thứ 3" - Vị chuyên gia nhấn mạnh.
J-20 trình diễn tại triển lãm hàng không Zhuhai 2016