2019 là năm quan trọng đối với hệ thống tên lửa đất đối không của Nga. Từ S-350 “Vityaz” mới cho tới S-300V4, các yếu tố cốt lõi trong lực lượng pháo binh được hiện đại hóa của Nga, đều sẵn sàng đưa vào sử dụng trong quân đội. Tuy nhiên, “gã khổng lồ” S-500 Triumfator-M hay S-500 Prometheus thì vẫn vắng bóng.
Mới đây nhà sản xuất S-500 cho biết, vũ khí tiên tiến này sẽ sớm được đưa vào thành phần tác chiến của quân đội Nga trong tương lai gần.
Dù phải tới năm 2025 thì S-500 mới đạt trạng thái sẵn sàng phục vụ đầy đủ, nhưng ngay từ năm 2021 lực lượng vũ trang Nga có thể nhận được hệ thống Prometheus đầu tiên để triển khai cho công tác huấn luyện.
Chuyên gia Mark Episkopos trong một bài phân tích trên National Interest gọi việc S-500 sắp được sử dụng trong các lực lượng vũ trang Nga là “tin xấu cho NATO”.
Siêu rồng lửa - niềm kiêu hãnh của Nga
S-500 được cho là có nhiều đặc tính vượt trội. Theo những thông tin mà truyền thông có được, hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 600km, xa hơn 200km so với phiên bản S-400 vốn đã vô cùng đáng nể.
Tên lửa S-500 còn có khả năng theo dõi và đánh chặn tới 10 đầu đạn tên lửa di chuyển với tốc độ trên trên 6,4km/giây.
Điểm đặc biệt của S-500 là khả năng ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao tới 100km, khu vực rìa ngoài của tầng khí quyển Trái Đất. Với trần bắn như vậy, S-500 có đủ khả năng ngăn chặn các vệ tinh quân sự tầm thấp của đối phương.
Hiện nay có rất ít thông tin công khai về các loại tên lửa phù hợp với tổ hợp S-500. Các nguồn tin rò rỉ ban đầu cho rằng, đó có thể là tên lửa phòng không NPO 9M82MD, nhưng thông tin sau đó lại cho rằng, khả năng S-500 sử dụng cùng dòng tên lửa 48N6 như S-400 là khả thi nhất.
Về các lựa chọn phòng thủ tên lửa, S-500 được cho là sẽ sử dụng 77N6 và 77N6-N1.
Các chuyên gia quân sự và truyền thông Nga tin rằng S-500 sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các tiêm kích thế hệ thứ 5. Điều này được cho là “tin xấu” đối với Mỹ nói riêng và các nước thành viên NATO nói chung.
“S-500 là một đòn mạnh vào uy thế của Mỹ. Hệ thống của chúng tôi có thể vô hiệu hóa các vũ khí tấn công, vượt qua tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ”, kỹ sư Almaz-Antey, Pavel Sozinov, nói với truyền thông Nga.
Một trong những câu hỏi được phương Tây quan tâm là liệu S-500 Prometheus thực sự có thể phát hiện và bắn hạ tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II hay không?
Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II là một trong những dự án chế tạo vũ khí lớn và đắt đỏ nhất của Mỹ trong vài thập kỷ qua, chương trình này đã tiêu tốn tới hàng trăm tỷ USD.
Tiêm kích F-35. Ảnh: Flickr
Cuối năm 2019, từng có thông tin cho rằng Nga thử nghiệm S-500 tại chiến trường Syria. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Trong một bài viết cuối năm 2019 cũng được đăng tải trên National Interest, nhà phân tích Mark Episkopos cho rằng, với những thông số hiện có về S-500, chẳng có gì ngạc nhiên khi hệ thống phòng không này được ví như “viên đạn bạc” có thể tiêu diệt F-35.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để coi đây là một đánh giá có ý nghĩa khi mà S-500 vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển.
Vì sao Nga liên tiếp trì hoãn việc sản xuất hàng loạt tên lửa S-500?
S-500 ban đầu được tuyên bố hoàn thành vào năm 2011 và việc sản xuất hàng loạt dự kiến được tiến hành từ năm 2014. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất hàng loạt sau đó đã bị đầy lùi sang giữa năm 2017 và một lần nữa đến năm 2020. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự trì hoãn liên tiếp?
Điều mà nhiều người ngay lập tức nghĩ tới là các vấn đề trong quá trình phát triển, các trở ngại kỹ thuật không mong muốn - vốn rất thường gặp trong quá trình phát triển các loại vũ khí chiến lược.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Mark Episkopos, việc sớm sản xuất hàng loạt S-500 có thể khiến các khách hàng tiềm năng không còn quan tâm đến hệ thống “tiền nhiệm” S-400.
Một số đối tác chủ chốt về mặt chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sẽ rất khó chịu khi họ đã vượt qua những rào cản ngoại giao với Mỹ chỉ để mua hệ thống S-400 đắt đỏ của Nga mà đến khi được bàn giao nó lại sắp lỗi thời.
Việc tiết lộ tên lửa S-500 quá sớm dường như đã đẩy Nga vào thế khó, và do đó, việc họ giữ im lặng một cách khó hiểu về S-500 có thể là nhằm tránh gây ảnh hưởng tới các hợp đồng S-400 hiện có.
Hơn nữa, Nga sẽ ưu tiên S-500 cho các lực lượng vũ trang của mình trước khi chào hàng đối tác nước ngoài.
Tháng 9/2019, lãnh đạo Tập đoàn Rostec, Sergey Chemezov khẳng định, các tổ hợp S-500 đầu tiên sẽ được ưu tiên trang bị cho Quân đội Nga và sẽ không có bất kỳ hợp đồng xuất khẩu nào được thực hiện cho tới năm 2025.
Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu tổ hợp S-500 được sản xuất trong thập kỷ tới. Một số nhà quan sát cho rằng, trên thực tế S-500 vẫn chưa cần được sản xuất hàng loạt để phục vụ các mục đích thiết kế ban đầu và dường như Nga không có ý định nghiêm túc trong việc thay thế S-400 bằng S-500.
Almaz-Antey cũng khẳng định S-500 không phải là “người kế vị” S-400 mà là một hệ thống phòng không lớp khác được thiết kế nhằm đánh chặn các mối đe dọa chiến lược nguy hiểm nhất.