Hãng thông tấn Bloomberg vừa đưa tin cho biết nhiều máy bay tiêm kích phản lực đã xuất kích từ Syria để tới Libya. Những máy bay chiến đấu này được cho là sẽ tham gia vào những chiến dịch không kích ổ ạt trong thành phần lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy.
Bloomberg dẫn tuyên bố của ông Fathi Barshaga, chỉ huy an ninh của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho biết "có ít nhất 6 chiếc tiêm kích MiG-29 và 2 chiếc máy bay ném bom Su-24 đã cất cánh từ sân bay Khmeimim của Không quân Nga tại Syria, chúng được hộ tống bởi 2 chiếc tiêm kích Su-35".
Hiện chưa rõ những chiến đấu cơ này đã từng thuộc Không quân của tướng Haftar hay là bổ sung thêm vào đội hình máy bay đã có.
Gần đây, lực lượng LNA đang có những trận thua "sấp mặt" trước các đơn vị GNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Không những thế, phòng không LNA tổn thất rất lớn khi để bị bắt sống và bị tiêu diệt nhiều tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 hiện đại.
Đường bay của các chiến đấu cơ từ Syria tới Libya.
Chưa bao giờ Pantsir-S1 "thần thánh" của Nga thảm bại như thế
Thật không thể tin nổi! Đã có nhà bình luận quân sự bật thốt lên khi chứng kiến liên tiếp các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 tối tân do Nga chế tạo bị máy bay không người lái vũ trang (UCAV) của Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt "dễ như bỡn" ở Libya. Trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, đã có tới 9 tổ hợp phòng không tầm thấp này bị phá hủy.
Mới chỉ cách đây hơn 2 năm, vào tháng 4/2018, trong trận đọ sức nảy lửa giữa liên quân Mỹ-Anh-Pháp hùng mạnh với phòng không Syria, các tổ hợp Pantsir-S1 đã lập công lớn, góp phần đánh bại đòn tập kích, khiến nhiều tên lửa "mới, đẹp và thông minh" tan xác.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã bắn tổng cộng 25 quả đạn, trúng 23 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu tới 92% đứng thứ nhất, tiếp đó là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 bắn tổng cộng 29 quả đạn, trúng 24 quả, đạt hiệu suất diệt mục tiêu tới 83%.
Số đạn tên lửa phòng không Syria đã bắn theo từng chủng loại (cột trái) và số đạn trúng mục tiêu (cột phải). Nguồn Bộ Quốc phòng Nga.
Bên cạnh đó, các tổ hợp Pantsir-S1 của phòng không Nga bảo vệ căn cứ sân bay Khmeimim, đầu não của Không quân và các lực lượng viễn chinh Nga ở Syria đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi hầu như không để lọt lưới bất cứ chiếc máy bay không người lái nào của phiến quân.
Mới nhất, tại Idlib, Syria, Pantsir-S1 cũng liên tục lập công, bẻ gãy chiến thuật "bầy UAV" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong các cuộc đọ sức giữa phòng không Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, với Israel, mặc dù Pantsir-S1 cũng có đôi lần bị phản đòn hư hỏng hoặc mất sức chiến đấu hoàn toàn do bị phá hủy, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt bởi chiến tranh là thế, làm gì có thứ vũ khí nào bách chiến bách thắng mãi được đâu.
Mà xét cho cùng thì Pantsir-S1 bị diệt ở Syria phần lớn là do lỗi của kíp chiến đấu chứ không hẳn do tính năng kỹ chiến thuật của chúng hạn chế.
Vì thế, việc chỉ trong vòng 72h đã có tới 9 tổ hợp Pantsir-S1 (một số nguồn nói là 7 tổ hợp) nằm trong biên chế của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy, bị tiêu diệt ở Libya quả thật đã khiến giới quan sát quân sự kinh ngạc và bàng hoàng không kể xiết.
Chắc chắn đây là thất bại thảm hại khó có thể nuốt trôi đối với Quân đội Nga còn ngành công nghiệp quốc phòng Nga như "ngồi trên đống lửa" dù lỗi không phải do họ.
Với kỳ tích ở Syria, Pantsir-S1 tỏa sáng, "đắt như tôm tươi" khi khách hàng thi nhau đặt mua, nay thì "ngôi sao đã gãy cánh".
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của LNA bị UAV đánh hư hại nặng sau đó GNA bắt sống.
Thổ Nhĩ Kỳ "gửi giấy báo tử": Ngôi sao Pantsir-S1 gãy cánh
Chưa bao giờ và chưa ở đâu lại có một cuộc đối đấu khốc liệt giữa Pantsir-S1 với UAV như ở Libya. Cách đây vài tuần, Pantsir-S1 đã thắng thế, nhưng trong chưa đầy 1 tuần trở lại đây, kẻ đi săn bỗng biến thành con mồi.
Theo South Front, liên tiếp có ít nhất 9 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tối tân loại này bị UCAV Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt. Các máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã lập công lớn. Thành tích thật đáng nể. Vậy nguyên nhân nào khiến Pantsir-S1 thảm bại chưa từng có?
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ dồn tổng lực UAV chế áp triệt để phòng không của LNA. Mục tiêu săn đuổi của họ chính là các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 được mệnh danh là sát thủ của các mục tiêu bay thấp.
Đây là chiến thuật khôn ngoan, họ chấp nhận mất một số lượng lớn UAV nhưng đổi lại đánh quỵ phòng không đối phương. Logic tác chiến của Thổ Nhĩ Kỳ khá giống với Không quân Mỹ, ưu tiên cao nhất lúc nào cũng phải là "làm chủ bầu trời".
Thứ nhất, lực lượng LNA sai lầm lớn về chiến thuật. Với số lượng không nhiều Pantsir-S1 trong tay (có nguồn nói khoảng 10-15 tổ hợp) cùng một số tổ hợp tên lửa đời cũ như S-125 Pechora và SA-6 Kub "ba ngón tay thần chết", phòng không LNA không đủ lực để khống chế bầu trời.
Một khi đã không khống chế được bầu trời thì LNA bị phản đòn là tất yếu. UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng những kẻ hở để đột kích thành công, tỉa dần Pantsir-S1, thiệt hại tích tiểu thành đại, số lượng đã ít, hầu như không có nguồn bổ sung mà còn mỗi ngày lại càng vơi đi thì cục diện chiến trường trên không sẽ thay đổi chóng mặt.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của LNA bị UAV đánh hư hại nặng sau đó GNA bắt sống.
Sai lầm lớn nhất của LNA là các tổ hợp Pantsir-S1 tác chiến khá rời rạc, ít phối hợp với nhau để đánh những trận lớn mang tính bước ngoặt, làm UAV Thổ Nhĩ Kỳ không thể hoặc không dám cất cánh. Đồng thời, cũng chính vì tác chiến rời rạc, các tổ hợp Pantsir-S1 này đã không bảo vệ cho nhau khi hành quân cũng như khi dừng nghỉ hoặc hết đạn.
Có thể thấy UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn rất đúng thời điểm để tấn công, lúc thì Pantsir-S1 đang trong trạng thái hành quân, lúc thì dừng đỗ, thậm chí là ngay cả khi tổ hợp này đang nhả đạn.
Bên cạnh đó, công tác ngụy trang làm hầm hào chiến đấu của LNA khá sơ sài, thậm chí là không ngụy trang, không công sự trong khi tác chiến hoặc hành quân và như thế chúng phơi mình rõ mồn mồn trước kính ngắm của UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba, một vấn đề lớn nữa là có cả những vụ Pantsir-S1 bị tiêu diệt ngay khi đang tác chiến, điều đó làm dấy lên câu hỏi phải chăng chúng không thấy kẻ thù (UCAV) đang bay ngay trên đầu.
Có giả thuyết cho rằng tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ đã chế áp điện tử mạnh, thành công trong việc khiến radar của Pantsir-S1 bị "mù". Nhưng rõ ràng là tổ hợp phòng không này vẫn còn hệ thống quang điện tử tối tân cơ mà, tác chiến điện tử làm sao gây nhiễu được?
Dường như đúng là các khí tài trinh sát của Pantsir-S1 có vùng mù, mà đó là ngay trên đỉnh đầu. Có thể thấy, hầu hết các vụ đột kích của UAV Thổ Nhĩ Kỳ đều là "đột nóc" gần như theo phương thẳng đứng. Ở góc công kích này, dường như Pantsir-S1 có nhìn thấy cũng khó mà khai hỏa.
Đã thế, trong một đoạn video có thể thấy LNA triển khai cùng lúc tới 2 tổ hợp Pantsir-S1 chiến đấu cạnh nhau (song song), thật khó hiểu.
Đáng nhẽ phải tách nhau ra thì đằng này lại sáp gần, dễ bị chết chùm và hơn nữa nếu bố trí xa nhau thì chúng hoàn toàn có thể khắc phục được những góc chết, những vùng mù, nâng cao hiệu quả diệt mục tiêu và bảo vệ cho nhau tốt hơn.
Pantsir-s1 bị tiêu diệt ở Libya