S-400: Thổ Nhĩ Kỳ còn tránh được trừng phạt từ Mỹ bao lâu nữa?

TRI TÚC |

Giới chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cho "xếp xó" S-400 thì may ra mới có thể tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa hứng lệnh trừng phạt từ Mỹ vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump rõ ràng không muốn áp bất kỳ lệnh trừng phạt nào vào Ankara mặc dù về mặt pháp lý Mỹ bắt buộc phải làm vậy theo luật liên bang của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể tránh được trừng phạt từ Mỹ bao lâu nữa vẫn chưa thể nói trước được, theo The New Arab.

Ông Trump không muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt ( CAATSA ), Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền áp lệnh trừng phạt kinh tế vào bất kỳ quốc gia nào thực hiện “giao dịch quan trọng” với Nga về khí tài quân sự, song chính quyền Trump đang hy vọng có thể tìm ra cách giải quyết êm thấm vấn đề này.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh thân cận của ông Trump, cho hay Thổ Nhĩ Kỳ có thể tránh được lệnh trừng phạt trừ khi các hệ thống S-400 không được kích hoạt.

“Nếu họ không kích hoạt S-400 thì không phải áp lệnh trừng phạt. Tôi hy vọng có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt hệ thống này bởi vì nó phá vỡ quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ . Đề nghị của tôi với Thổ Nhĩ Kỳ là hãy rút khỏi S-400, hãy khởi động các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do”, ông Graham nói.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận tổ hợp S-400 đầu tiên từ Nga hôm 12-7. Thổ Nhĩ Kỳ vì thế đã bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 bởi quân đội Mỹ sẽ không chấp nhận việc chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình hoạt động bên cạnh một tên lửa tinh vi của Nga như S-400. Nói như vậy bởi vì Mỹ lo ngại khả năng tàng hình của F-35 có thể bị tổn hại.

Mỹ cũng nói rằng nước này không chấp nhận chuyện Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại mua hệ thống tên lửa do Nga sản xuất.

Quan điểm cũng như đề xuất của ông Graham phần nào đó cũng là quan điểm của Tổng thống Trump, người đã phản đối áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400. Bản thân Ông Trump cũng đã “than van” trước thực tế Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt khỏi chương trình F-35, nói rằng đây không phải “tình huống công bằng”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có được hoàn lại số tiền 1 tỉ USD mà nước này đã thanh toán sau khi đặt mua hơn 100 chiếc F-35 mà không được bàn giao hay không.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15-8 phủ nhận chuyện nước này đang trong tiến trình bị loại khỏi chương trình F-35.

“Việc loại chúng tôi khỏi chương trình F-35 không được thảo luận lúc này. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tìm ra sự đồng thuận. Bằng không cả hai nước sẽ đưa ra những bước đi làm tổn thương quan hệ song phương”, ông Cavusoglu cảnh báo, theo Urdu Point.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng các hệ thống S-400 sẽ đi vào vận hành vào tháng 4-2020, điều này giúp Ankara có thêm thời gian để đàm phán một số thỏa hiệp với Washington.

Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ cố gắng chặn lệnh trừng phạt nhằm tránh tạo ra sự rạn nứt khác trong mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đe dọa mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Đông Bắc Syria nhằm vào các tay súng người Kurd được Mỹ bảo trợ. Washington liền tìm cách ngăn điều đó và hai bên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ thiết lập một vùng an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ phải “xếp xó” S-400 mới mong không bị trừng phạt?

Có một số dấu hiệu cho thấy Tổng thống Erdogan dọa dùng hành động quân sự nhằm giành được sự nhượng bộ từ Mỹ, một trong số đó là tránh được lệnh trừng phạt từ Mỹ, theo The New Arab.

Tổng thống Erdogan gần đây khẳng định niềm tin của mình rằng: “Ông Trump sẽ không cho phép mối quan hệ Mỹ-Thổ bị cầm tù vì vấn đề S-400”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng mối quan hệ thân thiết giữa ông với Tổng thống Trump sẽ giúp giảm nhẹ hậu quả từ việc mua S-400. Các tuyên bố của Tổng thống Trump rõ ràng cho thấy ông cũng có cùng mong muốn như của Tổng thống Erdogan.

Tuy vậy, không có gì chắc chắn Tổng thống Trump có thể lảng tránh luật pháp và Quốc hội về vấn đề này vô thời hạn.

Timur Akhmetov, nhà phân tích Trung Đông ở Ankara nhận định rằng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề S-400 đã được chứng minh là đòn bẩy đàm phán tốt với Mỹ.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang có được những lựa chọn chiến lược thay thế liên quan tới việc chuyển giao vũ khí và sử dụng nó nhằm tái định hình các mối quan hệ với Mỹ”, ông Akhmetov nói với The New Arab.

S-400: Thổ Nhĩ Kỳ còn tránh được trừng phạt từ Mỹ bao lâu nữa? - Ảnh 1.

Hệ thống S-400. Ảnh: The Moscow Times

“Gạt những cuộc đấu khẩu sang một bên, không ai ở Ankara thật sự muốn một sự rạn nứt nghiêm trọng của các mối quan hệ, điều sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế rất bấp bênh, xét tới sự bất ổn đang diễn ra xung quanh các biên giới nước này ở Trung Đông.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt không phải là lựa chọn tốt, tình hình kinh tế tồi tệ đã cho thấy tác động tiêu cực của nó đối với tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đảng cầm quyền của ông”, ông nói.

Chuyên gia Akhmetov cũng tin rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể cố sử dụng S-400 làm đòn bẩy chống lại lập trường của Mỹ trong quan hệ song phương và bản chất hợp tác trong khu vực, đặc biệt vấn đề ở miền Bắc Syria trở thành vấn đề hàng đầu.

“Xét thấy rằng chỉ mất khoảng 10-15 phút để triển khai S-400, Ankara có thể sử dụng hệ thống này để gây sức ép buộc Washington phải thỏa hiệp hơn nữa hoặc ít nhất là đối thoại chân thành về nhiều vấn đã làm đau đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Akhmetov nói.

Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đưa ra lập luận rằng nước này không được đối xử công bằng khi mua S-400 . Chẳng hạn, Tổng thống Erdogan trước đó chỉ ra nước láng giềng Hy Lạp – một thành viên của NATO có thể sở hữu hệ thống phòng không S-300, phiên bản cũ của S-400, nhưng chưa bao giờ đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt vì chuyện mua nó.

Tuy nhiên, ông Erdogan lại quên mất một điều là Hy Lạp đã nhận các tên lửa S-300 từ Cộng hòa Síp vào cuối những năm 1990 và đã không đưa hệ thống này vào vận hành suốt thời gian dài. Nguyên nhân Nicosia mua tên lửa S-300 ngay từ đầu là nhằm ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm và do thám không phận nước mình.

Ngay khi các hệ thống S-300 đến Cộng hòa Síp, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức thề phá hủy những tổ hợp này, từ đó khơi mào một cuộc khủng hoảng kéo dài từ đầu năm 1997 tới cuối năm 1998 sau khi các tên lửa S-300 được chuyển tới Hy Lạp.

Những tổ hợp S-300 bị cất trong kho ở đảo Crete của Hy Lạp khoảng 15 năm. Chúng chỉ được kích hoạt trong các cuộc tập trận. Athens phóng thử chúng lần đầu tiên vào năm 2013 như một phần trong cuộc tập trận quân sự mang tên Đại bàng trắng vào năm đó.

Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc Mỹ đạo đức giả trong trường hợp Hy Lạp sở hữu S-300 thì giờ đây có vẻ như các quan chức ở Washington, những người không muốn áp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400 cũng đang ám chỉ rằng ông Erdogan nên thực hiện hành động tương tự.

Cụ thể, cho “xếp xó” S-400 trong tương lai gần trước khi gây ra những thiệt hại không thể khắc phục trong mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại