Trong vụ thử tên lửa được thực hiện từ cuối tuần trước, một phiên bản được phóng đi từ mặt đất và đã được nâng cấp của tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ đã đánh chính xác vào mục tiêu ở cách xa hơn 500km. Vụ thử diễn ra ngay sau khi Moscow và Washington vừa rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) 1987.
Phát biểu tại một cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ khơi mào “một chiến dịch tuyên truyền” nhằm xây dựng hình ảnh Nga là nước vi phạm hiệp ước INF với mục đích là để “cởi trói cho Mỹ, để Mỹ có thể rảnh tay triển khai các tên lửa bị cấm trước đây ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới."
Tổng thống Nga bày tỏ “sự thất vọng” trước hoạt động phóng thử tên lửa tầm trung gần đây của Mỹ - một hành động mà Moscow xem là sự vi phạm trắng trợn hiệp ước INF.
Ông Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan có liên quan phân tích các mối đe dọa tiềm năng xuất phát từ các hoạt động thử tên lửa phóng đi từ mặt đất của Mỹ rồi từ đó vạch ra và “áp dụng các biện pháp đáp trả toàn diện để sẵn sàng có câu trả lời thích đáng” với Mỹ.
Theo Nhà lãnh đạo nước Nga, việc Washington sử dụng bệ phóng MK-41 trong vụ phóng thử tên lửa hôm 18/8 đã cho thấy nỗi quan ngại của phía Nga trong những tháng gần đây về hành động vi phạm INF của Mỹ là có cơ sở.
"Chúng tôi đã liên tục chỉ ra rằng, việc triển khai những bệ phóng như vậy của phía Mỹ ở căn cứ phòng thủ tên lửa đóng tại Rumani, và sắp tới là Ba Lan, là hành động vi phạm trực tiếp và trắng trợn đối với hiệp ước các tên lửa tầm trung và tầm ngắn”, ông Putin nhấn mạnh khi phát biểu trước Hội đồng An ninh Nga.
"Phía Mỹ ngoan cố phủ nhận thực tế trên, nói rằng các bệ phóng MK-41 được đặt trên mặt đất không thể phóng đi các tên lửa hành trình Tomahawk được bắn đi từ biển. Bây giờ, thực tế về hành động vi phạm của họ đã lộ ra và không thể tranh cãi. Họ - chính họ đã cho thấy điều đó”, ông Putin nói thêm.
Sự kiện Mỹ tiến hành phóng thử tên lửa đã khiến Nga cực kỳ lo ngại. Trước đó, hôm 21/8, Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng nói về việc này. Theo ông chủ điện Kremlin, Mỹ bây giờ đang ở vào thế có thể triển khai một hệ thống tên lửa hành trình mới trên lãnh thổ của Rumani và Ba Lan. Đây là một kịch bản mà Nhà lãnh đạo Nga tin rằng đó là một mối đe dọa mà Moscow cần phải đáp trả.
Phát biểu trong chuyến thăm đến Helsinki, Tổng thống Putin cho hay, Washington hiện tại có thể sử dụng các bệ phóng đang được đặt ở Rumani và Ba Lan để phóng đi các tên lửa mới. Điều này có nghĩa là Mỹ có thể triển khai tên lửa một cách dễ dàng và nhanh chóng nếu nước này muốn.
"Những vụ phóng tên lửa có thể được thực hiện từ bệ phóng được đặt sẵn tại Rumani và Ba Lan. Tất cả những gì các bạn phải làm là thay đổi phần mềm. Và tôi không nghĩ rằng các đối tác Mỹ cũng chúng tôi sẽ thông báo, kể cả với Liên minh Châu Âu, về hoạt động này. Đây sẽ là những mối đe dọa mà chúng tôi cần phải đáp trả”, ông Putin nhấn mạnh.
Lầu Năm Góc hồi đầu tuần này thông báo họ đã tiến hành thử nghiệm một tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu sau khi bay hơn 500km. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa như vậy sau khi một hiệp ước vũ khí hạt nhân có tính lịch sử bị hủy bỏ trong tháng này.
Vụ thử tên lửa mới nhất của Mỹ bị cấm theo hiệp ước INF. INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây.
Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).
Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu. INF giúp giảm khả năng của Nga và Mỹ trong việc thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân.
Động thái thử tên lửa của Mỹ ngay sau khi rút khỏi INF đã gây quan ngại rất lớn đối với Nga. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nước này chưa có kế hoạch triển khai các tên lửa hành trình mới được phóng đi từ mặt đất ở Châu Âu.
Mỹ bắt đầu cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF từ tháng Bảy năm 2014. Kể từ đó, Washington liên tục đưa ra những cáo buộc như vậy trong khi Moscow thẳng thừng bác bỏ. Nga tố ngược lại rằng, chính Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước.