S-400 + Iran: "Công thức bom" đánh đắm "con thuyền" Nga-Saudi Arabia?

Quốc Vinh |

Moscow-Riyadh tìm thấy nhau đang ngồi chung một chiếc thuyền ở Trung Đông. Nhưng giữa cả hai còn đầy những bất đồng về Iran về hệ thống phòng không S-400.

S-400 + Iran: Công thức bom đánh đắm con thuyền Nga-Saudi Arabia? - Ảnh 1.

Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Vladimir Putin trong ngày khai mạc World Cup.

Khi hai đội tuyển Nga và Saudi Arabia gặp nhau ngày 14/6 trong trận mở màn World Cup ở Moscow, Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Mohammed bin Salman đã cùng nhau thưởng thức trận đấu và thảo luận về quan hệ đang ngày càng khăng khít giữa hai nước, theo Al Monitor.

Thái tử Mohammed bin Salman là nhân vật đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin và từng có chuyến thăm Nga vào tháng 5/2017.

Mặc dù cả đội tuyển Nga và Saudi gần như không mong đợi về một vị trí cao ở World Cup năm nay, mối quan hệ Putin-Mohammed lại ngày càng phát triển bền vững và lâu dài.

Các nhà lãnh đạo hai bên rõ ràng đã có rất nhiều vấn đề để thảo luận vào ngày trái bóng tròn World Cup chính thức lăn trên sân.

Trong đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tháng 11/2016 được đánh giá là vấn đề nổi bật, nhất là trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang chứng kiến ​​sự tăng giá dầu sau những bất ổn ở Venezuela và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ.

Trong chuyến đi tới Moscow, tháp tùng Thái tử Mohammed còn có Bộ trưởng Dầu khí Khalid al-Falih, người đã tham gia các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin và Thái tử tại Điện Kremlin.

Sự phối hợp về các vấn đề năng lượng dường như đóng vai trò liên kết cốt lõi trong mối quan hệ Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, một khi đã đi cùng với quốc gia Ả Rập, Nga đặc biệt sẽ cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng lợi ích của mình với đồng minh thân thiết ở Syria là Iran.

Những bất đồng về việc giải quyết cuộc nội chiến Syria ngày càng trở nên trầm trọng hơn đối với Nga, bởi có quá nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của Iran trong khu vực, cũng như chiến dịch do Saudi dẫn đầu trong việc cô lập Qatar trong thời gian gần đây.

Nga đã cố ý duy trì lập trường trung lập về cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar, mặc dù sự quyết đoán của cả Doha và Riyadh (cả hai đều là đối tác thân thiết) đã làm cho Nga trở nên phân vân hơn trong lựa chọn của mình.

Bắt đầu từ mùa hè năm 2017, cả Saudi Arabia và Qatar đã liên tục "quyến rũ" Moscow để tìm kiếm một tiếng nói quyền lực ủng hộ trong cuộc tranh cãi nảy lửa ở Trung Đông.

Thậm chí, Quốc vương Saudi Arabia vào tháng 10 năm ngoái đã đích thân có chuyến thăm lần đầu tiên đến Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình.

Với tình trạng cuộc phong tỏa Qatar rõ ràng đã mất đà sau một năm nỗ lực vô ích để buộc Doha phải cúi mình dưới áp lực, Riyadh đã quay sang dùng những động thái thể hiện sự cứng rắn hơn với Nga.

Lo sợ Nga có thể cung cấp hệ thống phòng thủ S-400 cho Qatar, quốc vương Salman bin Abdul-Aziz Al Saud đã gửi một bức thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong bức thư này, vua Salman đe dọa sẽ thực hiện hành động quân sự chống lại Qatar nếu vũ khí của Nga được chuyển giao cho Doha và yêu cầu Macron thuyết phục Qatar dừng lại thỏa thuận này.

Mặc dù Nga và Qatar chỉ đang trong giai đoạn đầu đàm phán về thỏa thuận S-400 và không rõ liệu họ có tiến hành thỏa thuận hay không - nhưng nỗ lực can thiệp của Riyadh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược và các thỏa thuận của Moscow với các quốc gia trong khu vực.

Những nỗ lực này đang khiến Moscow lo ngại họ ngày càng giống như một con rối trong tay Mỹ và đồng minh. Cần phải nhớ rằng, chính Washington (một đồng minh của Saudi Arabia) trước đó cũng cố tình phá hoại các nỗ lực chuyển giao S-400 của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ Nga-Saudi dường như đã cố gắng ngăn cản căng thẳng một cách hiệu qủa. Hai nước thảo luận về các vấn đề mà họ dễ dàng đồng ý, nhưng không đề cập đến các vấn đề "độc hại" cho quan hệ đối tác của cả hai.

Chủ đề Iran đã không được nhắc đến trong bất kỳ phát biểu chính thức nào từ các cuộc họp của Nga-Saudi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng rằng Riyadh sẽ tránh thảo luận về quốc gia mà nước này đã gắn nhãn là "mối đe dọa chính đối với sự ổn định của Trung Đông".

Vấn đề về sự hiện diện mở rộng của Iran ở Trung Đông có thể không phải là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed gặp nhau tuần trước, nhưng Moscow giữ chìa khóa cho sự hiện diện của Tehran trong khu vực và Riyadh nhận thức được điều đó.

Tuy nhiên, Moscow không nhất thiết phải nhìn qua lăng kính của Saudi về vai trò của Iran ở Trung Đông như một mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Trên thực tế, các quan chức hàng đầu của Nga đang tìm cách tạo ra một cấu trúc an ninh khu vực chứa đựng cả hai đối thủ ở vùng Vịnh.

Cuộc đối đầu giữa Iran và các đối thủ trong khu vực đang có những biến chuyển bất ngờ, điều được chứng minh bởi các sự kiện gần đây ở Syria.

Israel đã gây áp lực rất lớn đối với các lực lượng Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, buộc Nga phải tìm kiếm sự đồng thuận với Tel Aviv về sự hiện diện của Tehran tại Syria.

Điều đó đã dẫn đến một thỏa thuận đồn đại rằng Moscow sẽ tạo điều kiện cho Iran rút khỏi miền Nam Syria. Hành động quyết đoán của Israel chống lại Tehran có thể khiến Saudi Arabia nhận thức rằng Nga cuối cùng đã thấu hiểu mối quan tâm của họ đối với Iran.

Sự bất ổn trong thị trường năng lượng dường như là một yếu tố ổn định cho quan hệ Moscow-Riyadh khi họ tìm thấy chính mình đang ngồi cùng một chiếc thuyền tìm kiếm một giải pháp thực tế cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Tuy nhiên, những bất đồng về chính trị tiếp tục chồng chất lên sẽ đến một lúc nào đó bùng nổ. Một yếu tố cực đoan gây nên sự chia rẽ trong quan hệ Nga-Saudi - mà cụ thể là Iran - trong một bối cảnh nào đó, thậm chí sẽ lấn át chương trình nghị sự năng lượng tưởng chừng như rất vững chắc của cả hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại