S-300PMU1 Việt Nam sẽ có cận vệ mới hiện đại?

Bình Nguyên |

Gần đây, S-300PMU1 đã sáp nhập và được bảo vệ bởi tên lửa tầm thấp A-89 và pháo tự hành ZSU-23-4M. Tuy nhiên, liệu đã đến lúc nên có sự thay đổi về chất ở các phân đội cận vệ này?

Tại sao S-300 cần phải có cận vệ mới?

Trước mắt, việc sáp nhập S-300PMU1 với các phân đội cận vệ này nhằm mục đích tăng sức cơ động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong những điều kiện tác chiến phức tạp, sẵn sàng đánh bại các đợt tập kích đường không của địch.

Trong tương lai, khi S-300 được bổ sung những cận vệ thế hệ mới, sẽ hình thành phương thức tác chiến mạng trung tâm, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động và tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Qua đó, khi đã được bảo vệ, bọc lưng bởi các lá chắn tầm gần hiện đại, tổ hợp tên lửa phòng không (THTLPK) S-300 sẽ phát huy tối đa uy lực nhằm đánh các mục tiêu có giá trị lớn, mang tính chiến lược.

Như đã biết, các cận vệ hiện tại của S-300 gồm tên lửa tầm thấp A-89 (Strela-10M) và/hoặc pháo tự hành ZSU-23-4M về cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa bảo vệ S-300 vừa đánh địch độc lập, nhưng đều là vũ khí thế hệ cũ, đã qua sử dụng nhiều năm.

S-300PMU1 Việt Nam sẽ có cận vệ mới hiện đại? - Ảnh 1.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M triển khai bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong những dịp lễ lớn. Ảnh: QĐND.

Trong bối cảnh tác chiến phòng không trong tương lai, khi đối phương sử dụng đòn tập kích đường không bằng vũ khí hiện đại, có điều khiển chính xác và nhất là có khả năng tàng hình thì rõ ràng các cận vệ của S-300 hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng chỉ hiệu quả cao khi đánh mục tiêu bay thẳng vào trận địa mà lực lượng này phục kích, đón lõng giăng sẵn lưới lửa. Nhưng trong tác chiến phòng không hiện đại, mọi việc sẽ không hề đơn giản như vậy.

Nếu đối phương tấn công ồ ạt cùng lúc, từ nhiều hướng vào trận địa S-300, thì A-89 và ZSU-23-4M khó có thể xoay sở, chống đỡ hiệu quả, nhất là với các vũ khí có đường bay phức tạp, xiên hoặc ngang qua trận địa của 2 loại hỏa lực này.

Do vậy, tất yếu phải có cận vệ mới, hiện đại hơn, có khả năng chuyển cấp nhanh, đánh được nhiều mục tiêu cùng lúc ở mọi hướng và liên kết với hệ thống chỉ huy tự động của S-300 - điều vốn là hạn chế cố hữu của A-89 và ZSU-23-4M.

Và hơn thế nữa, bên cạnh việc bảo vệ trực tiếp cho S-300, cận vệ mới còn phải làm được nhiệm vụ cơ động, phục kích, đón lõng đánh địch trong thế trận phòng không khu vực và phòng không quốc gia.

S-300PMU1 Việt Nam sẽ có cận vệ mới hiện đại? - Ảnh 2.

THTLPK tầm thấp Strela-10M (A-89) chuẩn bị thực hành bắn đạn thật. Ảnh: VOV.

SPYDER-SR, ứng viên cận vệ hoàn hảo cho S-300?

Việc Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ xác nhận Việt Nam mua tên lửa SPYDER thế hệ mới của Israel đã mở ra chương mới, giúp thay đổi về chất không chỉ cho cả lực lượng tên lửa phòng không nói chung mà còn cả với S-300 nói riêng.

Trong khi THTLPK tầm trung SPYDER-MR thích hợp để thay thế cho các THTLPK S-75 đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng và bổ sung, hỗ trợ, phối hợp với các THTLPK Pechora-2TM đã nâng cấp, thì THTLPK tầm gần SPYDER-SR lại là lực lượng hoàn toàn mới.

Các THTLPK SPYDER-SR đáp ứng hoàn hảo cho nhiệm vụ đánh mục tiêu bay thấp, là sự bổ sung kịp thời và đúng đắn cho lưới lửa phòng không nhân dân, phòng không tầm thấp vốn chủ yếu dựa vào pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp (vác vai và tự hành bánh xích).

S-300PMU1 Việt Nam sẽ có cận vệ mới hiện đại? - Ảnh 3.

Xe bệ phóng tự hành của THTLPK tầm thấp SPYDER-SR.

Nhưng trên hết, SPYDER-SR còn là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho nhiệm vụ cận vệ mới của S-300. Tại sao vậy? Ưu điểm nổi bật nào khiến cho THTLPK này nếu cặp cùng S-300 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về chất, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh tương lai?

Thứ nhất là, SPYDER-SR tự hành đồng bộ trong đội hình bánh lốp cùng S-300, khai thác tối đa ưu thế cơ động tốc độ cao trên các đường giao thông, thay vì các loại bánh xích phải kèm xe chở tăng như hiện nay.

Qua đó giảm bớt sự phức tạp khi chuyển trận địa và rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi - yếu tố sống còn, đặc biệt quan trong trong tác chiến phòng không hiện đại.

Thứ hai là, SPYDER-SR vừa có thể cơ động phục kích, đón lõng chặn kích mục tiêu từ vòng ngoài vừa có thể cùng lúc đánh được nhiều mục tiêu bay thấp, từ nhiều hướng để bọc lưng cho trận địa S-300.

Thứ ba là, liên kết với hệ thống chỉ huy tự động của S-300 nhờ kết nối mạng thông tin chỉ huy và tình báo phòng không qua khí tài vô tuyến mã hoá cự ly xa.

S-300PMU1 Việt Nam sẽ có cận vệ mới hiện đại? - Ảnh 4.

THTLPK S-300 có cổng chờ để kết nối dữ liệu, đồng bộ tham số, từ dữ liệu radar cho tới thực lực chiến đấu, phân bổ, giao nhiệm vụ diệt địch cho các đơn vị hỏa lực có trong biên chế.

Để làm được điều đó, quan trọng nhất là cần nâng cấp phần mềm và tích hợp, đồng bộ dữ liệu giữa S-300 và SPYDER.

Đây không phải là bất khả thi mà hoàn toàn có thể bởi lẽ bản thân S-300 có thiết kế mở, sẵn sàng cho việc đồng bộ và hiệp đồng tác chiến với các phân đội TLPK khác loại.

Thứ tư là, khả năng chuyển cấp nhanh rất phù hợp để ứng phó với máy bay hoặc vũ khí có điều khiển chính xác bay thấp tập kích trận địa. Cả S-300 và SPYDER-SR đều có tính năng triển khai/thu hồi nhanh toàn bộ tổ hợp trong khoảng thời gian dưới 5 phút.

Chính vì thế, nếu S-300 có thêm cận vệ mới là SPYDER-SR thì sẽ là điều hoàn toàn hợp lý, đủ sức tạo bất ngờ lớn cho đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại