Quyết định đưa quân đội Mỹ rời khỏi Syria gần đây của Tổng thống Donald Trump - bỏ rơi các chiến binh người Kurd – đã trở thành chủ đề bị chỉ trích trên toàn thế giới.
Trong khi Nhà Trắng trở thành đối tượng bị vùi dập trên truyền thông vì bị coi là sự phản bội đồng minh, thì bước đi này lại là tin tốt lành đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Moscow đang tiến hành một trò chơi dài hạn ở Trung Đông và nỗ lực lấp đầy khoảng trống quyền lực, chuyên gia Ksenia Svetlova từ viện nghiên cứu IDC Herzliya viết trên Ynet.
Mở đường tới "trái tim" Trung Đông
Khi sự can dự của Nga vào Syria bắt đầu bốn năm trước, phương Tây hy vọng rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ chìm vào vũng lầy Syria và làm mờ đi ảnh hưởng của Iran tại đây.
Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã không trở thành sự thật. Trên thực tế, Nga đã trở thành thế lực mạnh nhất ở Syria và tiếp tục áp đặt các chính sách của mình đối với phần còn lại của Trung Đông.
Quyết định can thiệp vào Syria chỉ được đưa ra tại Moscow vào cuối năm 2015, khi sự trỗi dậy của IS đặt ra mối đe dọa quá lớn đối với Nga, khiến nước này không thể tiếp tục ngồi yên làm người quan sát.
Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad lâm nguy, Mỹ thất bại trong việc răn đe IS, các thế lực khác nhau cát cứ ở Syria, nguy cơ gửi một làn sóng khủng bố trên khắp nước Nga.
Đến với cuộc giải cứu Tổng thống Assad, ông Putin đã thấy sự can dự ở Syria là một cơ hội vàng để nâng cao vị thế của mình ở Trung Đông và trên toàn thế giới.
Ở Syria, các nhà lãnh đạo Nga đã nỗ lực hết sức để giúp chính quyền sở tại thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang rơi xuống vực sâu. Moscow khôi phục lại sức mạnh cho chính quyền Assad, mở rộng sự hiện diện của họ trên đất Syria, hợp tác với tất cả các bên liên quan và định vị Nga là lực lượng mạnh mẽ nhất.
Bước tiến vượt bậc của Nga đối lập hoàn toàn với một chiến lược không rõ ràng của Mỹ và sự bất lực của các nước châu Âu trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Syria.
Trong 5 năm, Nga đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các thế lực lớn trong khu vực, không chỉ là chính quyền Assad, Hezbollah, Iran, mà còn cả Ankara, Tel Aviv, Beirut và Riyadh – những quốc gia đặt trọn sự tín nhiệm vào Nga để giúp họ ở lại trên bàn cờ Syria.
Ngoài lợi ích địa chính trị, sự tham gia ở Syria đã cho Nga cơ hội thử nghiệm các vũ khí tối tân nhất của nước này trong chiến dịch quân sự ở nước ngoài đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Nhà Trắng đang bị chỉ trích là phản bội đồng minh người Kurd.
Syria – Điểm dừng chân đầu tiên
Chính phủ Nga đã gặt hái những lợi ích thông qua việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và các quốc gia khác; thiết lập các nhà máy điện hạt nhân ở Ai Cập, Jordan và Algeria, hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn như Sudan, và tìm kiếm thị trường mới cho dầu khí Nga.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng rơi vào vòng tay của Moscow, khi các quốc gia vùng Vịnh, cũng như Ai Cập, tiếp tục dựa vào Mỹ. Nhưng sự thiếu rõ ràng của Washington liên quan đến các vấn đề khu vực đã giúp Điện Kremlin nắm cơ hội lôi kéo thêm đồng minh Ả Rập trong tay. Không giống như Mỹ, Nga có các kế hoạch dài hạn trong khu vực.
Syria chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trên con đường dài mà Nga hướng đến trung tâm Trung Đông. Ngày nay, hệ thống phòng không S-300 của Nga đã bao phủ các lãnh thổ Syria và Lebanon, trong khi Iraq cũng đang đàm phán để mua hệ thống này.
Nhìn sang quốc gia hàng xóm, Israel đang nhìn thấy mình ở một tình huống khó khăn. Mặc dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Putin có với nhau một thỏa thuận để ngăn chặn các vụ va chạm trên bầu trời Syria, họ không phải là một liên minh chiến lược.
Hơn nữa, hy vọng của Thủ tướng Netanyahu về việc Nga sẽ đẩy Iran ra khỏi Syria không bao giờ thành hiện thực, cũng như khó mà gây ra sự chia rẽ giữa Moscow và Tehran.
Bất chấp tất cả sự khác biệt, liên minh Nga-Iran đang phát triển mạnh mẽ hơn, bằng chứng là Iran có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn với quân đội Nga.
Khi Mỹ rút khỏi khu vực cả về lực lượng (từ bỏ các đồng minh người Kurd ở Bắc Syria) và về mặt chính trị (ngụ ý rằng khu vực này đã mất tầm quan trọng chiến lược và kinh tế), chắc chắn khoảng trống sẽ bị lấp đầy bởi một siêu cường khác – đó là Nga.
Tất nhiên, điều này sẽ không thể hoàn toàn biến đổi chỉ trong vòng một đêm mặc dù Nga vừa có doanh số bán vũ khí khổng lồ và các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la gần đây với Saudi Arabia.
Dẫu vậy, Moscow đang chơi một trò chơi dài hạn ở Trung Đông, tìm kiếm cơ hội để nâng cao vị thế địa chính trị của mình trên thế giới.
Nga có lợi thế ở Trung Đông vì nước này không có ý muốn hay ràng buộc về ý thức hệ nào với các đồng minh tại đây.
Khi Israel đã biết nhìn thực tế hơn vào mối quan hệ với Nga để tránh xung đột trên bầu trời Syria và giải quyết các mối quan ngại về an ninh ở Syria, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng đã đến lúc xem xét kỹ hơn về bối cảnh chính trị đang thay đổi ở Trung Đông và xem xét lại vai trò của mình ở khu vực này.