Sự thật đằng sau liên minh Nga – Thổ ở Đông Bắc Syria
Trong một bài phát biểu hôm 18/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara sẽ sớm khởi động một chiến dịch quân sự mới ở Đông Bắc Syria nếu như các nhóm khủng bố (cách người Thổ gọi người Kurd ở Syria) vẫn không tuân thủ thỏa thuận rút khỏi "vùng an toàn" được các bên ký kết trước đó.
Ngoại trưởng Cavusoglu cũng nêu rõ, cả Mỹ và Nga đều không làm tròn bổ phận của họ khi các nhóm vũ trang do người Kurd lãnh đạo không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn lẫn rút quân ra khỏi "vùng an toàn" - một vùng đệm sâu 32km và dài 480km bên trong lãnh thổ Syria nhằm bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa an ninh từ người Kurd.
Việc đoàn xe tuần tra chung Nga-Thổ liên tục bị người Kurd tấn công có thể sẽ là cái cớ để Ankara tái khởi động lại các chiến dịch quân sự ở Bắc Syria. Ảnh: AP.
Hiện tại, Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), Đảng Công nhân người Kurd (PKK) lẫn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hoạt động dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đều bị Ankara xem là các nhóm khủng bố Hồi giáo, cần phải bị tiêu diệt.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi đoàn xe tuần tra chung giữa Quân cảnh Nga và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị các phần tử quá khích ủng hộ YPG ở Bắc Syria tấn công bằng bom xăng (trước đó chỉ là gạch đá).
Điều đáng nói là đám đông quá khích không chỉ tấn công đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả xe của Quân cảnh Nga, ân nhân cứu mạng của họ khỏi họa diệt vong trong chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình" do Quân đội Thổ Nhì Kỳ và lực lượng đồng minh thực hiện ở miền Bắc Syria trong tháng 10 vừa qua.
Vụ tấn công trên dù không gây ra thiệt hại quá lớn nhưng nó đã cho thấy tình hình ở Đông Bắc Syria đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát của người Nga.
Còn thỏa thuận ngừng bắn do Moscow đứng ra làm trung gian đang có nguy cơ đổ vỡ, khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đều không chịu thỏa hiệp.
Trả lời họp báo về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov hôm 19/11 cho biết:
"Tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về Nga, cáo buộc Moscow không thực hiện các cam kết của mình, cũng như lời đe dọa nối lại hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria, khiến Bộ Quốc phòng Nga cảm thấy bối rối".
Nhiều nhà quan sát nhận định, sự bối rối của Bộ Quốc phòng Nga trước tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy Moscow chưa hiểu rõ điều mà người Thổ muốn ở Bắc Syria. Bởi từ lâu Ankara luôn có một chính sách đối ngoại nhất quán về người Kurd, do đó một thỏa thuận hòa bình hay nhượng bộ người Kurd ở Syria là chuyện sẽ không bao giờ xảy ra.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga chỉ là "quân cờ" giúp Ankara loại bỏ mối đe dọa từ người Kurd dọc biên giới Syria. Ảnh: AP.
Cũng cần phải thừa nhận rằng, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ xem Nga là đối tác lâu dài. Thay vào đó, Ankara chỉ coi Moscow như một "đồng minh" tạm thời và lợi dụng sự "ngây thơ" của người Nga để đạt được những mục tiêu riêng của họ ở miền Bắc Syria.
Đường lối ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ từ trước tới nay cũng cho thấy, Ankara không có ý định trở thành "bạn" với các quốc gia khác trong khu vực dù chính sách đối ngoại của họ đôi khi cũng linh hoạt và luôn có sự thay đổi vào từng thời điểm và từng trường hợp, nhưng tựu chung lại chúng đều có một mục tiêu chung là bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cái bẫy tử thần dành cho Nga ở miền Bắc Syria
Từ tuyên bố của Ngoại trưởng Cavusoglu hôm 18/11 có thể thấy chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi.
Có vẻ Ankara đang muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở miền Bắc Syria, bằng cách đổ lỗi cho Moscow về thất bại của thỏa thuận ngừng bắn lẫn việc thiết lập "vùng an toàn" do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau quản lý.
Tính đến ngày 19/11, Quân cảnh Nga và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành được ít nhất 8 cuộc tuần tra chung theo thỏa thuận "vùng an toàn" ở miền Bắc Syria.
Ngoại trừ đợt tuần tra đầu tiên diễn ra suôn sẻ, các cuộc tuần tra sau đó của "liên minh" này đều bị người Kurd địa phương phản đổi dữ dội.
Ban đầu, người Kurd chỉ đứng từ xa ném đất đá vào đoàn xe tuần tra, nhưng sau đó các cuộc tấn công dần mở rộng theo hướng chặn đường, đập phá phương tiện và gần đây nhất là tấn công bằng bom xăng.
Xe thiết giáp chở quân Typhoon-K của Quân cảnh Nga bị người Kurd tấn công bằng bom xăng ở Bắc Syria. Ảnh: Saart News.
Với chiều hướng hiện tại việc người Kurd dùng tên lửa chống tăng tấn công đoàn xe tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Thông qua những hành động khiêu khích trên, rất có thể giới lãnh đạo người Kurd đang muốn xác định xem đâu là "lằn ranh đỏ" của Moscow, và dựa vào người Nga để kiềm chế các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Các cuộc tấn công vừa qua cũng cho thấy, có một bộ phận người Kurd ở Syria xem sự hiện diện của Quân đội Nga là thù địch, bởi họ cho rằng Moscow đang bắt tay với Ankara để chống lại người Kurd trong khu vực.
Thậm chí không ít người Kurd tin rằng, chính Nga và Iran đứng sau hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ phát động "Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình" ở miền Bắc Syria. Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Ankara ở Syria không được Mỹ và cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Về phần mình Moscow vẫn nuôi giấc mơ về việc thiết lập lại hòa bình ở Đông Bắc Syria trong 1-2 năm tới thông qua thỏa thuận ngừng bắn và "vùng an toàn" dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sơ đồ "vùng an toàn" sâu 32km và dài 480km được thiết lập dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria theo thỏa thuận giữa Moscow và Ankara. Ảnh: Trendolizer.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến điều này. Mục tiêu của Ankara hiện tại là đảm bảo an ninh nội địa dọc ngã ba biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, bằng cách loại bỏ người Kurd ra khỏi các khu vực này.
Và một "vùng an toàn" do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Đông Bắc Syria sẽ là nơi lý tưởng để các Quân đội Quốc gia Syria (SNA) hay lực lượng thánh chiến thân Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng vùng kiểm soát.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Ankara đẩy người Kurd ra khỏi khu vực biên giới từ đó ngăn YPG hỗ trợ cho các phần tử khủng bố PKK bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Với miếng mồi ngon là "vùng an toàn" ở Đông Bắc Syria, Nga "ngây thơ" rơi vào cái bẫy tử thần của Thổ Nhĩ Kỳ khi nào mà không hay, còn Ankara dễ dàng đạt được những mục tiêu dưới đây:
- Một. Làm mất uy tín của Nga cũng như chính quyền trung ương Damascus trong mắt người Kurd.
- Hai. Làm suy yếu vị thế chính trị của Nga ở Đông Bắc Syria.
- Ba. Chứng minh các chính sách đang được Nga áp dụng ở Syria là sai lầm.
Cũng cần phải lưu ý là người Nga không có nhiều lợi ích ở miền Bắc Syria, các hoạt động của họ gần đây trong khu vực chỉ là để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống al-Assad tái kiểm soát một số vùng chiến lược trong khu vực.
Khi phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh quá lớn thì Moscow sẽ không ngần ngại rút quân khỏi vùng nguy hiểm.
Và khi Nga rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu mà họ đề ra trước đó trong "Chiến dịch Mùa xuân Hòa Bình" và lần này sẽ không có ai có thể ngăn cản họ.
Quân đội Syria tái kiểm soát nhiều vị trí gần khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ tay Lực lượng Dân chủ Syria.